Xã hội

Thủ tướng: Hạ tầng số phải phát triển, đi trước một bước

19/07/2024, 15:33

Theo Thủ tướng, thời gian tới, chúng ta phải chú trọng đầu tư cho phát triển hạ tầng số tương xứng tầm vóc, tầm quan trọng, quan điểm là "hạ tầng số phải phát triển, đi trước một bước".

Đến 2025, 100% hồ sơ hành chính được gắn định danh cá nhân

Sáng 19/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện và trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ về chuyển đổi số để thống nhất triển khai trong giai đoạn tới.

Về mặt thực tiễn, đây là đòi hỏi khách quan, "chỉ bàn làm, không bàn lùi, khó mấy cũng phải làm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ, điều quan trọng nhất, quyết định nhất, mang tính chiến lược, lâu dài, cơ bản là các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải tiên phong, gương mẫu thúc đẩy chuyển đổi số thuộc phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Thủ tướng: Hạ tầng số phải phát triển, đi trước một bước- Ảnh 1.

Thủ tướng nhấn mạnh "chỉ bàn làm, không bàn lùi, khó mấy cũng phải làm" (Ảnh: VGP).

Thủ tướng yêu cầu phân công công việc "rõ mục tiêu, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả" và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc để bảo đảm tiến độ, chất lượng công việc, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tăng cường phối hợp và kỷ luật kỷ cương hành chính, tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên.

Chỉ rõ một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng trước hết yêu cầu tiếp tục thống nhất, nâng cao nhận thức, hành động và tổ chức thực hiện của người lãnh đạo các bộ ngành, địa phương trong chuyển đổi số.

Nguyên tắc đặt ra là "lãnh đạo, chỉ đạo từ trên xuống nhưng tổ chức thực hiện, tháo gỡ vướng mắc phải từ dưới lên".

Thứ hai, triển khai Nghị quyết của Đảng và xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong chuyển đổi số.

Về phát triển kinh tế số, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành "Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030".

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành "Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng".

Bộ Công Thương được giao khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật và văn bản hướng dẫn liên quan đến thương mại điện tử, nhất là Luật Bảo vệ người tiêu dùng, nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển thương mại điện tử nhằm quản lý, phát triển các nền tảng thương mại điện tử trong nước, xuyên biên giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, bảo đảm tính cạnh tranh và ngăn chặn các hành vi bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng.

Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về áp dụng hóa đơn điện tử đối với các giao dịch thương mại điện tử và các hoạt động livestream, dịch vụ ăn uống...

Về dịch vụ công trực tuyến, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tập trung triển khai phấn đấu đến hết năm 2024 đạt 80% dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 40% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến, 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính.

Đến năm 2025 đạt 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân.

Các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành, địa phương và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia.

Chú trọng phát triển đầu tư hạ tầng số

Về hạ tầng, Thủ tướng nêu rõ: "Thời gian qua, chúng ta đã chú trọng đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng (như đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không...). Thời gian tới, chúng ta phải chú trọng đầu tư cho phát triển hạ tầng số tương xứng tầm vóc, tầm quan trọng, quan điểm là "hạ tầng số phải phát triển, đi trước một bước".

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp, nghiên cứu đầu tư thích đáng cho phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số từ nguồn vốn kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Bộ Tài chính tổng hợp và phân bổ ngân sách chi thường xuyên cho chuyển đổi số và Đề án 06 ổn định trong giai đoạn 2026-2030.

Thủ tướng: Hạ tầng số phải phát triển, đi trước một bước- Ảnh 2.

Toàn cảnh cuộc họp (Ảnh: VGP).

Bộ Thông tin và Truyền thông sớm nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành Kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông Việt Nam giai đoạn 2026-2030.

Về triển khai Đề án 06, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và Luật Dữ liệu, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xác định lộ trình để đưa các tiện ích thiết yếu lên ứng dụng VneID.

Ông đặt thời hạn, hoàn thành lý lịch tư pháp, sổ sức khỏe điện tử, giấy khai sinh, kết hôn... để người dân trên cả nước được sử dụng, thụ hưởng, hoàn thành trước 31/12/2024.

Theo các báo cáo tại hội nghị, Chính phủ số tiếp tục có bước phát triển.

Đối với việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh (đã có 16,4 triệu tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; cung cấp 4.543/6.325 thủ tục hành chính, 43/53 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06).

Về kinh tế số, xã hội số, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sản phẩm số tăng từ 113,5 tỷ USD năm 2021 lên 117,3 tỷ USD năm 2023; 6 tháng năm 2024 đạt 64,9 tỷ USD, tăng 23%.

Doanh thu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin tăng khá (năm 2023: 13 tỷ USD; 6 tháng 2024: 6 tỷ USD); xuất khẩu năm 2023 đạt 7,5 tỷ USD; 6 tháng 2024 đạt gần 3 tỷ USD.

Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã đầu tư lớn tại Việt Nam, cam kết đầu tư mới và mở rộng đầu tư, nhất là trong lĩnh vực mới như điện tử, chip bán dẫn, nghiên cứu phát triển, trí tuệ nhân tạo...

Số hóa các ngành kinh tế, công tác chuyển đổi số trong quản lý, đầu tư xây dựng, sản xuất được triển khai mạnh mẽ. Doanh thu thương mại điện tử tăng từ 13,7 tỷ USD năm 2021 lên 20,5 tỷ USD năm 2023. Hàng trăm sản phẩm OCOP đã được bán thông qua các sàn thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới, tạo sinh kế và thu nhập cao cho người nông dân.

Chuyển đổi số phục vụ người dân, an sinh xã hội có bước phát triển mạnh mẽ, như đăng ký thi tốt nghiệp THPT, đăng ký xét tuyển trực tuyến trong giáo dục; liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, khai tử...; trong bảo hiểm xã hội (trong cao điểm Covid-19.

Trong 1 tháng, đã chi trả 31.836 tỷ đồng cho trên 13,3 triệu lượt người lao động qua hệ thống điện tử)

Có 63/63 địa phương thực hiện chi trả an sinh xã hội qua tài khoản cho 1,96 triệu người với số tiền trên 8.280 tỷ đồng.

Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá về kết quả chuyển đổi số của Việt Nam. Chỉ số Chính phủ điện tử năm 2022 xếp hạng 86/193. Chỉ số Đổi mới sáng tạo luôn duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay; năm 2023 xếp hạng 46/132. Chỉ số Bưu chính năm 2023 đạt cấp độ 6/10, xếp hạng 47/172.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.