Xã hội

Thủ tướng: Hiện ưu tiên số 1 là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

30/07/2022, 18:05

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ưu tiên số 1 hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Khó khăn, thách thức còn nhiều hơn cả thuận lợi, thời cơ

Chiều 30/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị với các bộ ngành, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước để thảo luận về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

img

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng cho biết, hai năm qua, kinh tế thế giới và Việt Nam đã chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19.

Vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi độ mở của nền kinh tế rất cao.

"Khả năng chống chịu đối với các cú sốc bên ngoài của nền kinh tế cũng còn hạn chế, thế nên chỉ một biến động nhỏ bên ngoài cũng ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế", Thủ tướng nói và nhấn mạnh những vấn đề mà kinh tế toàn cầu và Việt Nam đang phải đối mặt, như xung đột Nga - Ukraine, “bão” lạm phát, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng…

"Chính phủ khẳng định, khó khăn, thách thức còn nhiều hơn cả thuận lợi, thời cơ. Do vậy, chúng ta phải tiếp tục áp dụng các chính sách tài khóa, tiền tệ hài hòa, hợp lý", Thủ tướng nói và một lần nữa nhấn mạnh, ưu tiên số 1 hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Bối cảnh trong nước, ngoài nước đều rất khó khăn

Sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thứ trưởng trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương đã thay mặt Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày những đề dẫn ban đầu về Đề án.

Theo Thứ trưởng, từ năm 2020 đến nay, tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo của các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới. Rủi ro, bất định ngày càng gia tăng, biến động về dịch bệnh, chính sách ngày càng nhanh.

Nhưng kể từ đầu năm 2022 tới nay, tình hình càng trở nên khó khăn hơn, khi kinh tế thế giới chịu thêm tác động mạnh từ xung đột Nga - Ukraine, tiếp tục làm gián đoạn, hạn chế hơn nguồn, chuỗi cung ứng hàng hóa, đẩy giá cả tăng cao; lạm phát, lãi suất tăng; tăng trưởng kinh tế thấp, thậm chí tăng trưởng âm, suy thoái kinh tế…

"Bối cảnh trong nước cũng rất khó khăn. Một trong số đó là áp lực tăng giá ngày càng gia tăng khi lạm phát từ bên ngoài đã bắt đầu ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất trong nước, kể cả là sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, đầu tư công", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Các thách thức khác, là chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công; thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản dễ bị tổn thương, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức; dòng vốn FDI có chất lượng chưa cao, suy giảm từ năm 2020 đến nay; dịch Covid-19 cũng còn diễn biến phức tạp, có nguy cơ "dịch chồng dịch"...

"Nền kinh tế còn nhiều tồn tại, khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu dài hạn. Việt Nam đang ở nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, thách thức lớn đặt ra là phải duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, sớm vượt qua nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói và nhấn mạnh, cần thêm các giải pháp hỗ trợ kịp thời, mục tiêu đạt tăng trưởng 7% trong năm nay

Kiểm soát lạm phát tăng dưới 4%

Trong bối cảnh như vậy, dự báo về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam trong nửa cuối năm, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng, kinh tế thế giới phục hồi ngày càng chậm lại, khả năng xảy ra suy thoái ngắn hạn đang gia tăng.

"Lạm phát tăng cao, trở thành thách thức vĩ mô hàng đầu đối với kinh tế thế giới, nhiều khả năng trở thành vấn đề dai dẳng trong trung hạn", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

"Cần phải có thêm các giải pháp trọng tâm để hỗ trợ kịp thời, tránh suy giảm sản xuất trong nước, nhất là sản xuất nông nghiệp; từ đó tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế, đời sống người dân", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Mục tiêu điều hành trong thời gian tới, được Bộ Kế hoạch và đầu tư chỉ ra là phải “giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nhưng không làm suy yếu các động lực tăng trưởng”.

Theo đó, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2021-2025 khoảng 6,5-7%, bảo đảm các cân đối lớn đặt ra trong giai đoạn 2021-2025, như tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước không thấp hơn 16% GDP, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước bình quân 3,7% GDP…

"Riêng năm 2022, tăng trưởng kinh tế đạt mức khoảng 7%, kiểm soát lạm phát tăng dưới 4%, tăng trưởng tín dụng khoảng 14%", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.