Chính trị

Thủ tướng: Hoàn thiện cơ chế để phát triển công nhân tay nghề cao

05/05/2019, 15:19

Sáng 5/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp 90 công nhân lao động kỹ thuật cao từ nhiều ngành nghề, lĩnh vực ở 23 tỉnh, thành cả nước.

img
Thủ tướng tham quan khu trưng bày về công nhân công nghệ cao.

Sáng 5/5, đúng vào dịp Tháng Công nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ với 90 công nhân lao động kỹ thuật cao đến từ nhiều ngành nghề, lĩnh vực thuộc 23 tỉnh, thành trong cả nước.

Tại buổi gặp gỡ, ngoài 43 ý kiến đã được Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tập hợp gửi trước, có nhiều đại biểu đã phát biểu trực tiếp, thẳng thắn với tinh thần xây dựng.

Rất nhiều đại biểu cho rằng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nhưng đội ngũ công nhân kỹ thuật được đào tạo lành nghề chưa được nhiều, chỉ chiếm 19% trong tổng số 53 triệu lao động phổ thông. Nhiều đại biểu còn cho rằng việc đào tạo tại các trường hiện vẫn nặng lý thuyết, chưa sát với thực tiễn, doanh nghiệp tuyển dụng phải đào tạo lại mất từ 1 – 2 năm.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty CP Cơ điện lạnh (REE), cho biết cách thức tuyển dụng hiện nay của công ty là tìm đến các trường đại học, cao đẳng để tuyển dụng. Nhưng khi ra trường cũng phải mất thêm thời gian đào tạo, điều này rất lãng phí.

Ông Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học quốc gia (ĐHQG) TP HCM, cho biết hiện các trường ĐH và ĐHQG TP HCM đang đổi mới chương trình và phương thức đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập và đáp ứng như cầu công nghệ 4.0; gắn đào tạo sát với thực tiễn. Trong 3-5 năm tới, đổi mới này sẽ bắt đầu phát huy hiệu quả. Ông Đạt cũng thừa nhận liên kết nhà trường và doanh nghiệp còn khá lỏng lẻo. Các giảng viên rất muốn đưa nghiên cứu của mình ra thị trường để thương mại hóa nhưng còn gặp nhiều khó khăn.

img
Rất nhiều ý kiến phát biểu của công nhân tại buổi làm việc với Thủ tướng sáng 5/5

Chia sẻ về kinh nghiệm của mình, ông Dương Trí Thành - Tổng giám đốc Vietnam Airlines, đã thành lập trung tâm huấn luyện bay và Công ty cổ phần Bay Việt để đào tạo theo giáo trình tự xây dựng để phù hợp với thực tế công việc. Ngoài ra Vietnam Airlines còn phối hợp đưa học viên đi đào tạo ở nước ngoài.

Đại tá Ngô Minh Thuấn - Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, cũng cho biết đơn vị này chủ động xây dựng các chương trình đào tạo, thành lập các trung tâm nghiệp vụ, từ đó tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.

Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của tổ chức Công đoàn và Công nhân lao động kỹ thuật cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đây là một cuộc gặp gỡ quan trọng. Tháng 5 là tháng công nhân, mà công nhân bậc cao là động lực để phát triển đất nước. Đây là dịp các cơ quan Chính phủ, địa phương lắng nghe nhiều hơn công nhân bậc cao về những tồn tại, vướng mắc trong đào tạo, chế độ làm việc.

Thủ tướng cho rằng, trong xu thế phát triển chung của thế giới, phát triển kinh tế đất nước không thể dựa mãi vào nguồn lao động giá rẻ mà còn là vốn, công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, nhân lực bậc cao quyết định năng suất lao động, là động lực quan trọng, yếu tố then chốt.

Về những ý kiến đóng góp của các công nhân kỹ thuật cao, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan phải phối hợp để tháo gỡ.

“Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển đội ngũ công nhân có tay nghề cao, tận dụng lợi thế dân số vàng để Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư trong khu vực và trên thế giới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.