Xã hội

Thủ tướng: Không để cán bộ ở lĩnh vực nhạy cảm "cắm sâu" vì dễ...tham nhũng

16/01/2019, 20:23

Thực hiện Luật PCTN mới, những lĩnh vực nhạy cảm thì phải thay đổi cán bộ, không để cắm sâu, dễ dẫn đến tham nhũng.

img
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Đó là lưu ý được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề cập khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành thanh tra năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 do Thanh tra Chính phủ tổ chức chiều 16/1.

Cán bộ làm việc liên quan tiền bạc, quyền lực… chỉ nên làm có thời kỳ

Nhấn mạnh năm 2018, đất nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, người dân có niềm tin với Đảng, Nhà nước, theo Thủ tướng Chính phủ, để đạt được điều đó có sự đóng góp của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra.

Thủ tướng đánh giá cao kết quả ngành thanh tra đã đạt được như phát hiện, xử lý nhiều vi phạm, góp phần chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, bất cập trong quản lý nhà nước và ban hành chính sách, pháp luật.

Thanh tra Chính phủ cũng đã kết luận, kiến nghị xử lý nghiêm minh nhiều vụ việc trọng điểm, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là cuộc thanh tra AVG, Hãng Phim truyện Việt Nam, đất đai tại Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, làm rõ các dự án liên quan đến Út "trọc", Vũ “nhôm để xử lý theo pháp luật… Qua đó, đã thu hồi được về cho nhà nước số tiền lớn.

Điều này góp phần quan trọng trong việc giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của đất nước, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân” - Thủ tướng nói.

Một kết quả đáng ghi nhận khác là trong công tác PCTN. Theo người đứng đầu Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã quan tâm, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật PCTN (sửa đổi) năm 2018.

Bên cạnh đó, công tác đấu tranh PCTN đã triển khai quyết liệt ở tất cả các cấp, các ngành theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, đó là “không có vùng cấm, không có hạ cánh an toàn”. “Chưa bao giờ, chúng ta làm được nhiều việc như năm vừa qua, rất nhiều cán bộ, kể cả ở cấp cao đã bị xử lý”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, thực hiện Luật PCTN mới, những lĩnh vực nhạy cảm thì phải thay đổi cán bộ, không để cắm sâu, phức tạp, dễ dẫn đến tham nhũng. Anh làm việc liên quan đến lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến tiền bạc, quyền lực… thì phải làm có thời kỳ thôi” - Thủ tướng lưu ý.

Dù đạt nhiều kết quả, song Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập, hạn chế trong công tác thanh tra như một số vụ thanh tra còn kéo dài, chậm ban hành kết luận, kết luận chất lượng chưa cao, vẫn còn những kiến nghị chưa phù hợp, không khả thi trên thực tiễn. Thanh tra làm tốt mà kết luận bẻ trái, bẻ phải không đúng, làm sao cán bộ lãnh đạo thế được. Cấp huyện, cấp tỉnh, TP và CP, bộ trưởng phải xem xét chặt chẽ từng kết luận thanh tra. Kết luận quan trọng làm cơ sở xem xét, nên phải trung thực” - Thủ tướng nhắc nhở.

Không khoan nhượng trong PCTN, thu hồi tài sản tham nhũng

Ông cũng đánh giá, nhiều người đứng đầu chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Tiếp công dân. Tình trạng khiếu nại tố cáo còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Theo Luật Tiếp công dân, các cấp phải tiếp công dân hàng tháng, nhưng chúng ta mới có 30% các cấp tiếp công dân, 70% tiếp không đúng quy định khi có trường hợp chỉ đưa trưởng phòng tài nguyên môi trường ra tiếp” - Thủ tướng nêu thực tế và cho rằng, nếu không quan tâm tiếp dân thì cái sảy nảy cái ung. Vì thế, công tác này là rất quan trọng.

công tác PCTN đạt kết quả lớn trong năm qua nhưng Thủ tướng cho rằng phòng ngừa chưa tốt, tham nhũng vặt chưa kịp xử lý giải quyết, chưa có biện pháp hữu hiệu, thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp.

Vì thế, Thủ tướng cho rằng nhiệm vụ ngành Thanh tra năm 2019 rất nặng nề.

Thủ tướng yêu cầu khi có hiện tượng ở 1 địa phương, 1 dự án công trình, ngành, lĩnh vực dư luận quan tâm thì Thanh tra Chính phủ phải tiếp cận, vào cuộc. Bên cạnh đó tập trung giải quyết khiếu nại tố cáo, nhất là những vụ việc nổi cộm đông người.

Bên cạnh đó, toàn ngành Thanh tra lập lại kỷ cương, yên dân, làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Thanh tra cần giải quyết các nhiệm vụ một cách công minh, rõ ràng, có lý có tình; khuyến khích sự dám nghĩ, dám làm của các cơ quan, ban ngành, chứ không phải thanh tra để đóng cửa lại không làm việc nữa.

Lưu ý "một đốm lửa nhỏ có thể cháy cả cánh rừng lớn" hay "tức nước vỡ bờ", cùng với đó là các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để gây mất ổn định, Thủ tướng nhấn mạnh: "Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là chủ đề quan trọng hiện nay của cả đất nước ta. Tôi nhấn mạnh điều này với các địa phương, thanh tra các cấp. Do đó, các tỉnh phải rà soát lại, giải quyết trực tiếp, có lý có tình, và đặc biệt phải dành nhiều thời gian cho việc này".

Bên cạnh đó, ngành Thanh tra tập trung phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng chiếm đoạt, với tinh thần “không khoan nhượng” để thực hiện bằng được mục tiêu đẩy lùi tham nhũng mà Nghị quyết của Trung ương đã đề ra.

Nhất là ngăn chặn có hiệu quả việc tẩu tán tài sản tham nhũng, gây khó khăn cho công tác thu hồi, điều tra, xử lý; triển khai mạnh mẽ các giải pháp cần thiết để hạn chế, không còn tham nhũng vặt.

Đặc biệt, Thủ tướng nhắn nhủ cán bộ thanh tra phải làm gương, không tiêu cực, tham nhũng; tăng cường kiểm tra nội bộ, xử lý nghiêm vi phạm để làm gương trong ngành Thanh tra, tạo sự đoàn kết nội bộ...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.