Chính trị

Thủ tướng: “Không phải bàn giao mặt bằng xong là vỗ tay hoan hô”

04/02/2022, 22:21

Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Chiều ngày 4/2 (tức ngày mồng 4 Tết), tại tỉnh Nghệ An, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Cùng chủ trì cuộc họp còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành.

Về phía Bộ GTVT, tham dự có Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Lê Đình Thọ, lãnh đạo các Ban QLDA và các nhà thầu thi công trên tuyến.

Ngoài ra, còn có lãnh đạo các bộ, ban, ngành, lãnh đạo các địa phương nơi dự án đi qua.

img

Toàn cảnh buổi họp kiểm điểm tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam tại Nghệ An chiều 4/2/2022

Đồng loạt triển khai các dự án

Hiện toàn bộ 11/11 dự án thành phần đã được khởi công. Trong đó, dự án thành phần đoạn Cao Bồ - Mai Sơn dài 15,2km vừa khánh thành sáng nay (4/2/2022).

Dự án thành phần đoạn Mai Sơn - QL45 có tổng chiều dài 63,37km. Đến nay khối lượng thi công đã đạt 3.380 tỷ đồng (đạt 40,16%), vượt tiến độ 1,34%. Dự kiến đến cuối tháng 10 năm nay sẽ hoàn thành các cầu, cống, hầm và 2/3 phần đường không có nền đất yếu. Còn lại 21km, dự kiến đến 25/12/2022 sẽ hoàn thành.

Đối với dự án thành phần đoạn QL45 - Nghi Sơn có tổng chiều dài 43,28km, dự kiến hoàn thành vào ngày 25/8/2023. Hiện tại, sản lượng thi công đạt được 466,06 tỷ đồng (đạt 14,95%), vượt 0,08%.

Dự án thành phần Nghi Sơn - Diễn Châu có tổng chiều dài 50km được khởi công vào tháng 7/2021, kế hoạch hoàn thành các gói thầu và dự án vào tháng 7/2023. Hiện nay, các gói thầu đang triển khai thi công, dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án vào cuối tháng 7/2023.

Dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có tổng chiều dài 49,3km, được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư. Khó khăn lớn nhất đối với dự án thành phần này là vay vốn. Hiện tại, các có 4 ngân hàng đã xong bước đàm phán, dự kiến trước ngày 13/2 sẽ ký kết hợp đồng.

Trên công trường, các nhà thầu đã huy động 19 mũi thi công. Tính đến thời điểm hiện tại, sản lượng được 100/8.595 tỷ đồng (đạt 1,7% giá trị hợp đồng). Theo cam kết của các nhà đầu tư thì dự án thành phần chắc chắn sẽ đảm bảo tiến độ, vì vấn đề khó khăn nhất là nguồn vốn vay đã được giải quyết….

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài là 652,86km. Trong số đó có 08 dự án đầu tư công và 03 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư.

img

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đồng chủ trì buổi làm việc

Nhiều vướng mắc cần giải quyết trước khi triển khai giai đoạn 2

Báo cáo với Thủ tướng, Phó Thủ tướng và đoàn công tác, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và đại diện các Ban QLDA, các nhà thầu cùng cho biết: Có một số vướng mắc cần được điều chỉnh để triển khai Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 thuận lợi hơn. Điển hình như việc di dời hạ tầng, công trình điện, nước, cáp… Đây là tài sản của các đơn vị trực thuộc Nhà nước đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện dự án. Thế nhưng khi di dời lại phải tiếp tục làm một dự án khác, phải tuân thủ các quy định đấu thầu mất rất nhiều thời gian.

Về vấn đề đền bù, GPMB, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: Đến nay đã trải qua 2 năm 6 tháng, dự án đã GPMB được 99,93% khối lượng. Tuy nhiên vẫn còn 450m (khoảng 0,07%) chưa hoàn thành. Đối với dự án giai đoạn 2, đề nghị Chính phủ quy trách nhiệm đến từng đơn vị, địa phương nếu để xảy ra chậm tiến độ GPMB. Việc này nhằm giúp công trình được khởi công đúng thời gian dự kiến ban đầu.

Về nguồn vật liệu (đất, cát, đá), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cùng nhiều đại biểu cho rằng: Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133, những khó khăn, vướng mắc về nguồn vật liệu cơ bản đã được tháo gỡ. Hiện còn thiếu hụt một phần đất đắp do các địa phương đang làm thủ tục cấp phép... Tuy nhiên, đây chỉ mới là giải pháp trước mắt.

Chính phủ cần phải nghiên cứu để sửa đổi quy định, đối với dự án trọng điểm quốc gia, các nhà đầu tư, nhà thầu được giao trực tiếp các mỏ vật liệu trên địa phương. Sau khi dự án hoàn thành, các mỏ vật lật liệu này được bàn giao lại cho địa phương quản lý.

img

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Không phải bàn giao mặt bằng xong là vỗ tay hoan hô”

“Nhận mặt bằng xong, phải chăm lo đời sống ở nơi mới cho người dân”

Ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Bộ GTVT, các bộ ban ngành, các địa phương, các Ban QLDA và các đơn vị thi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Không phải người dân bàn giao mặt bằng cho Nhà nước là xong. Các địa phương phải rà soát, kiểm tra xem cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân ở nơi mới như thế nào?"

“Không phải cứ vận động, tuyên truyền cho người dân bàn giao mặt bằng xong là vỗ tay hoan hô. Bàn giao rồi thì phải quan tâm, chăm lo xem đời sống vật chất, tình thần của người dân như thế nào, ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn nơi cũ. Nếu không bằng thì phải có giải pháp để bù đắp”, Thủ tướng chỉ đạo.

Cũng theo Thủ tướng Chính phủ, việc chăm lo cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân ở nơi tái định cư có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi đây là tiền đề, cơ sở, chất liệu để vận động người dân tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ và Nhà nước trong các dự án khác. Khi người dân nhìn vào, thấy mình được chăm lo, quan tâm thỏa đáng thì chúng ta sẽ rất dễ thực hiện các dự án khác sau này.

Có tình trạng cá nhân sở hữu mỏ liên kết đẩy giá

Về quản lý mỏ vật liệu (đất, cát, đá…), Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ: "Nguyên vật liệu là sở hữu toàn dân, giao cho tư nhân khai thác đúng với quy định của pháp luật nhưng chưa phù hợp với thực tế khi triển khai các công trình trọng điểm của quốc gia.

Cụ thể, khi nhà nước đẩy nhanh tốc độ thi công dự án trọng điểm, dẫn đến nhu cầu khối lượng vật liệu tăng lên. Các cá nhân sở hữu mỏ vật liệu đã liên kết với nhau để đẩy giá lên. Việc này khiến cho Ban QLDA và các nhà thầu không chủ động được tiến độ; đẩy giá lên gây thất thoát tiền Nhà nước và tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh…"

img

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể báo cáo tình hình triển khai dự án cho Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ

Sau khi lắng nghe ý kiến của Bộ GTVT, các địa phương và các Ban QLDA…, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành 2 Nghị quyết. Tuy nhiên, hiện tại 2 Nghị quyết này chỉ mới giải quyết được phần ngọn mà chưa giải quyết được triệt để vấn đề.

Trước mắt, Thủ tướng Chính phủ giao các địa phương tập trung làm đúng tinh thần Nghị quyết 60, 133. Về lâu dài, giao Bộ TN&MT phối hợp với các bộ, ban, ngành các địa phương rà soát lại các quy định, sửa đổi ngay trong năm 2022 những quy định chưa phù hợp. Đảm bảo tinh thần đúng luật nhưng phù hợp thực tiễn cuộc sống, không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, không thất thoát, tạo tiền đề cho dự án khác và chống tiêu cực…

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban QLDA nghiên cứu tổ chức triển khai khoa học. Tránh 1 dự án có quá nhiều nhà thầu gây nên tình trạng manh mún, rườm rà, nhiều thủ tục.

Các địa phương nơi dự án đi qua phải quản lý hiệu quả nguồn vật liệu, mặt bằng đảm bảo đủ không gian cho thi công. Đặc biệt, khi có đường đi qua phải nhanh chóng quy hoạch ngay không gian mới để phát huy hết công năng phát triển.

Ngoài ra, các địa phương phải triển khai nhanh việc tiêm vaccine mũi 3 cho các cán bộ, công nhân, người lao động thi công công trình Dự án cao tốc Bắc - Nam để lao động an tâm lao động, sản xuất...

Một số hình ảnh tại buổi họp do PV Báo Giao thông ghi lại:

img

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể báo cáo các vấn đề cần giải quyết để triển khai giai đoạn 2 của dự án đảm bảo tiến độ

img

Nhiều lãnh đạo các địa phương có dự án đi qua tham dự cuộc họp

img

Ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An báo cáo về công tác GPMB và cấp mỏ vật liệu

img

Ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo công tác GPMB, công tác phối hợp triển khai dự án

img

Ông Trần Hữu Hải - Giám đốc Ban QLDA 6 báo cáo tình hình triển khai dự án thành phần Nghi Sơn - Diễn Châu

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.