Thời sự

Thủ tướng: Kiên quyết xóa “sân sau” doanh nghiệp Nhà nước

22/11/2018, 06:52

Thủ tướng cảnh báo tình trạng doanh nghiệp lập "sân sau" và các cơ quan chức năng đều đã biết.

4

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị

Ngày 21/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng hai Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty.

DNNN phải khai phá, cầm trịch nền kinh tế

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, vai trò của DNNN rất quan trọng. Lực lượng này làm những việc mà tư nhân không làm được nên DNNN phải khai phá, đi đầu trong phát triển, cầm trịch nền kinh tế.

Thủ tướng đánh giá cao hoạt động của các DNNN khi được cơ cấu lại, đã giảm số lượng xuống chỉ còn 600 DNNN, hoạt động theo hướng tự chủ kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch hơn, hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh được nâng lên. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của nhiều DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực, vẫn còn tình trạng nợ xấu, thua lỗ, thất thoát lớn, quản trị còn yếu kém...

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, hiện tại, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã tiếp nhận đủ 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, là bước đi dài tới mục tiêu tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước ra khỏi các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước, từ đó cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp Nhà nước. “Ủy ban đã nắm được tình hình của các doanh nghiệp và thấy khả năng hoàn thành kế hoạch 2018 là khả thi. Một số doanh nghiệp vượt kế hoạch như SCIC doanh thu dự kiến vượt mức 25%, Lương thực miền Bắc, Vietnam Airlines dự kiến vượt lợi nhuận 37%....”, ông Anh thông tin.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, công tác giám sát, thanh tra nội bộ vẫn còn nhiều tồn tại, để xảy ra thất thoát lớn. Một số doanh nghiệp không chịu công khai minh bạch, quản trị doanh nghiệp còn yếu kém, không chịu học hỏi, nghiên cứu đổi mới nhất là “sân trước, sân sau”… “Có ông không chỉ 1 sân sau mà còn 2-3 sân sau, thậm chí là 13-14 sân sau, đừng nói Thủ tướng không biết”, Thủ tướng nhấn mạnh và cũng cảnh báo rằng, tình trạng này các cơ quan chức năng cũng đã biết.

Phân tích nguyên nhân của những yếu kém nêu trên, người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, tại một số DNNN, kỷ luật chấp hành chỉ đạo không nghiêm, còn tư tưởng e ngại, nhận thức chưa thông. Đặc biệt, vẫn còn tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau cổ phần hoá, thoái vốn.

“Tư tưởng yên vị đã và đang kìm hãm tiến độ đổi mới; lợi ích nhóm, tham nhũng, tư lợi cá nhân đang kìm hãm trong cổ phần hóa, thoái vốn”, Thủ tướng nói lưu ý và tình trạng sau thanh tra có một số nơi “không ai làm việc gì cả”, thậm chí trì trệ, chỉ đối phó, lo lắng và sợ trách nhiệm.

“Nếu địa phương có chuyện này, chuyện khác mà dừng lại sẽ tụt hậu. Nếu tập đoàn, tổng công ty có vấn đề mà xử lý không tốt để vươn lên thì sẽ rớt đài”, Thủ tướng cảnh báo và yêu cầu công tác thanh tra, kiểm tra phải hết sức chặt chẽ, xử lý vi phạm nhưng không kìm hãm sự phát triển.

Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đánh giá kết quả cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016-2018 tăng gấp 2,5 lần thực hiện từ 2011- 2015. Đặc biệt, hiệu quả hoạt động của DNNN tiếp tục tăng lên, tổng tài sản tăng 3%, vốn chủ sở hữu tăng 4%, lợi nhuận trước thuế tăng 4%, nộp NSNN là 219.469 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2016... Trong 8 tháng đầu năm 2018, doanh thu, lợi nhuận của các DNNN đều đạt trên 70% kế hoạch cả năm. 106 DNNN sau cổ phần hóa niêm yết.

Không để doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh

Đồng tình với chủ trương sắp xếp lại các DNNN, Chủ tịch Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng ví von cơ cấu lại tập đoàn “như một cuộc cách mạng” và cho biết, tập đoàn có mức tăng trưởng 25%/năm sau tái cơ cấu. Tuy nhiên, ngay trong nội bộ tập đoàn, kể cả các lãnh đạo đã từng có nhiều ý kiến khác. “Lúc đó chúng tôi phải cam kết với Bộ trưởng là nếu không làm được Chủ tịch tập đoàn từ chức thì Bộ mới ký”, ông Hùng chia sẻ.

Cũng theo ông Hùng, VNPT vẫn còn nhiều thách thức từ việc khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Bên cạnh đó, môi trường pháp lý còn nhiều thay đổi, có mâu thuẫn giữa phân cấp quản lý, nếu phân cấp mạnh mẽ thì liên quan tới rủi ro, lạm dụng quyền lực, còn tập trung quản lý thì tắc nghẽn công việc, khó có thể tự chủ, tự quyết.

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đề nghị các bộ, ngành nhanh chóng có văn bản hướng dẫn thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, không để doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh. Ông Chi mong Chính phủ, các bộ, địa phương kiên định lập trường chính sách về cơ cấu lại DNNN, cổ phần hoá, thoái vốn, kể cả thoái vốn tại các DNNN đang thực hiện hiệu quả để tập trung vào lĩnh vực cốt lõi, tạo dư địa phát triển khối kinh tế tư nhân. “Có ý kiến hỏi tài sản Nhà nước đang phát triển tốt sao không giữ lại? Nếu vững lập trường thì rất khó làm”, Chủ tịch SCIC nêu thực tế.

 Về chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Chi cho rằng, sau khi Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước ra đời thì 19 DNNN thuộc diện bàn giao đại diện chủ sở hữu từ các bộ về ủy ban rất nhanh và gọn. Trong khi đó, theo nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, địa phương phải bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC nhưng đến nay vẫn còn 35 bộ, địa phương chưa chuyển làm chậm con tàu tái cơ cấu.

Đề xuất trả lương lãnh đạo DNNN theo cơ chế thị trường

Để tăng cường tính tự chủ, sáng tạo của người lèo lái các đầu tàu kinh tế, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) kiến nghị nên cho phép các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế Nhà nước được trả lương lãnh đạo theo giá thị trường, bởi hiện nay, các DNNN không được tự chủ trong hoạt động kinh doanh, chịu gò bó, ràng buộc, không được tuyển dụng và trả lương theo nguyên tắc thị trường. “Nếu một cá nhân mà được trả lương 1-1,5 tỷ đồng/năm thì đã xôn xao. Tuy nhiên, vấn đề không phải là họ nhận được bao nhiêu tiền mà họ làm ra bao nhiêu”, ông Cung nói.

Ông cũng kiến nghị không nên giao nhiệm vụ để “ai cũng có thể hoàn thành”, mà nên giao chỉ tiêu kinh doanh “đủ cao” để chỉ những lãnh đạo doanh nghiệp nỗ lực tối đa mới có thể hoàn thành. Có như vậy chúng ta mới kỳ vọng có được những tập đoàn kinh tế lớn. “Hiện nay, doanh nghiệp đứng cuối cùng trong danh mục 500 tập đoàn lớn nhất thế giới thì có doanh thu 24 tỷ USD. Trong khi đó, 3 doanh nghiệp Nhà nước lớn nhất gồm Viettel, PVN, EVN thì mới đạt 11 tỷ USD”, ông Cung dẫn chứng. 

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, Chính phủ nên xem xét cơ chế tuyển chọn và trả lương lãnh đạo các DNNN theo thị trường và theo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Đồng tình, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đề xuất cần tiếp cận vấn đề hoạt động của doanh nghiệp và quản lý của nhà nước theo mục tiêu cuối cùng là hiệu quả chung sau một thời gian/kỳ tài chính nhất định, thông lệ là 1 năm. Các doanh nghiệp phải hoạt động theo cơ chế thị trường, chấp nhận sự biến động thị trường. Doanh nghiệp không thích ứng được với thị trường thì thay lãnh đạo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.