Xã hội

Thủ tướng: Mọi chủ trương, chính sách đều vì lợi ích của nhân dân

14/01/2023, 16:32

Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện các cơ chế, chính sách để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tốt nhất với chính sách lao động, việc làm.

Sáng 14/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023 do Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức theo hình thức trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội, kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

img

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngành LĐ-TB&XH có đối tượng quản lý nhiều, phạm vi rộng, tính chất phức tạp, nhạy cảm, yêu cầu cao, khả năng đáp ứng có hạn, thời gian thì "không chờ đợi ai".

"Vấn đề là chúng ta phải có cách ứng xử đúng đắn, luôn thích ứng, đổi mới, kịp thời đề xuất các cơ chế, chính sách, vấn đề liên quan đến thể chế, tổ chức thực hiện, phối hợp để quản lý tốt", Thủ tướng nói.

Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành LĐ-TB&XH đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của cả nước.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục thời gian tới như: Chỉ tiêu về tăng năng suất lao động, cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực chưa đạt yêu cầu; Thị trường lao động phát triển không đồng đều, bền vững; Tổ chức thực hiện chính sách xã hội vẫn là khâu yếu, chưa đồng bộ; Bạo lực đối với phụ nữ, xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng...

Trên cơ sở phân tích, nhận định tình hình, Thủ tướng cho rằng, nhiệm vụ của ngành LĐ-TB&XH trong năm 2023 là rất nặng nề, đòi hỏi phải có sự quyết tâm, tận tâm, tấm lòng nhân ái, sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc và bám sát thực tế; với tinh thần tiếp tục làm tốt và lan tỏa tinh thần nhân ái, đẩy nhanh phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội; quản lý phát triển xã hội bền vững - không để ai bị bỏ lại phía sau.

Bộ LĐ-TB&XH phải tạo hành lang pháp lý, môi trường thông thoáng để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tốt nhất với các chính sách về lao động, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026: "Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân".

Ngành LĐ-TB&XH, các địa phương phải bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời, minh bạch các chính sách đối với người có công với cách mạng; đẩy mạnh các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn".

Cùng với đó phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập; Xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội hiện đại, đa tầng, bao trùm, bền vững trên cơ sở tiếp thu mô hình quốc tế và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam...

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tập trung xử lý những vấn đề xã hội bức xúc, quan tâm, tạo sự chuyển biến rõ rệt về việc xác nhận, công nhận người có công; tình trạng bạo lực, xâm hại, buôn bán trẻ em, phụ nữ; tình trạng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vi phạm hợp đồng; quản lý lao động người nước ngoài ở Việt Nam; chất lượng, hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn; cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma tuý.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kết nối, liên thông dữ liệu; tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên; phòng, chống tiêu cực, tham nhũng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.