Chính trị

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Gia Lai cần khát vọng mạnh mẽ

17/12/2016, 21:31
image

Trước thềm hội nghị xúc tiến đầu tư cho tỉnh Gia Lai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc họp với tỉnh.

thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng lãnh đạo tỉnh Gia Lai cần phải có khát vọng

Đầu năm gặp hạn, cuối năm gặp lũ

Chiều 17/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo tỉnh Gia La: “Tỉnh phải có quyết tâm lớn, biện pháp cụ thể, khát vọng mạnh mẽ mới có thể phát triển được. Còn nếu không có tinh thần đó, khó khắc phục được tình trạng khó khăn hiện tại của tỉnh”.

Báo cáo với Thủ tướng, Bí thư Tỉnh uỷ Gia Lai Dương Văn Trang cho biết, mặc dù năm 2016, tỉnh này trải qua đợt hạn hán kỷ lục, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 7,48%, cơ bản đạt mục tiêu đề ra (7,5%). GDP bình quân đầu người đạt 38,2 triệu đồng/năm. Trong đó, sản xuất nông lâm nghiệp duy trì được sự phát triển, tổng diện tích gieo trồng đạt trên 102 %, tăng 2% so với cùng kỳ.

Thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, bảo vệ và chăm sóc, trồng rừng... năm 2016, Gia Lai đã trồng 1.557 ha rừng (vượt 55,7% kế hoạch), diện tích che phủ rừng đạt hơn 46%. 

Ông Dương Văn Trang đề nghị Chính phủ và cơ quan liên ngành giúp đỡ Gia Lai. Cụ thể, với ngành giao thông cần mở tuyến giao thông kết nối Gia Lai - Phú Yên (đoạn tiếp giáp giữa huyện Kông Chro, Gia Lai và huyện Đồng Xuân, Phú Yên); Đề nghị Chính phủ chỉ đạo sớm nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn Bình Định - Gia Lai, cần nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn cửa ngõ TP. Pleiku nối với huyện Đắk Đoa (đoạn đường này chỉ 5km nhưng đường nhỏ, nhiều khúc cua, mất ATGT...).

Về phát triển kinh tế địa phương cũng như hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh phát triển, ông Trang đề nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù cho tỉnh Gia Lai để phát triển khu vực kinh tế cửa khẩu Lệ Thanh (giáp Campuchia); xem xét việc xây dựng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng chủ lực như hồ tiêu, cà phê, cao su, điều.

Gợi ý trước thềm hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức ngày 18/12, trước lãnh đạo các ngành, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và tỉnh Gia Lai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi: Tỉnh Gia Lai từ một tỉnh nghèo đứng thứ 3 cả nước và có 45% người đồng bào thiểu số, vậy để phát triển thì cần phải làm gì? 

Đại đa số các lãnh đạo ban ngành và Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng, tỉnh Gia Lai cần phát huy hơn nữa tiềm năng về sinh thái rừng, di tích Tây Sơn thượng đạo tại An Khê, hệ thống danh thắng núi lửa và lợi thế di sản văn hoá phi vật thể cồng chiêng Tây Nguyên để phát triển du lịch; Đối với các mặt hàng cà phê, hồ tiêu, điều... cần đầu tư chế biến sâu. Sản xuất mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu, đồng thời thu hút phát triển doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là các doanh nghiệp lớn.

IMG_6146

 

"Gia Lai sản xuất 250.000 tấn cà phê/năm nhưng chế biến tại chỗ chỉ ở mức 2.000 tấn/năm. Quá ít! Vì sao?

Lợi thế nông sản cà phê Tây Nguyên, nhưng tôi lên đây chưa thấy một sản phẩm nào vừa ý. Vậy, chúng ta phải làm gì với sản phẩm này để đưa ra thế giới?", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi với tỉnh Gia Lai và các Bộ, ngành Trung ương.

Lãnh đạo cần có khát vọng

Nhất trí với các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Gia Lai là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển bậc nhất ở Tây Nguyên, "nóc nhà" Đông Dương. Với tiềm năng này, cùng với khát vọng vươn lên thì tỉnh sẽ phát triển mạnh mẽ.

Tại buổi họp, Thủ tướng ghi nhận, dù chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai, đầu năm là hạn hán, cuối nămụt lụt nhưng Gia Lai đã giữ vững nhịp phát triển kinh tế của địa phương. Đồng thời, thực hiện tốt chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng chỉ ra một số mặt hạn chế, bất cập như quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ. Công nghiệp chế biến chưa xứng tầm, chưa có sản phẩm có thương hiệu. Với dân số 1,4 triệu dân, Gia Lai mới có khoảng 3.500 doanh nghiệp là quá ít. Thủ tướng mong muốn, tỉnh phải tiếp tục có chiến lược thu hút cũng như phấn đấu tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp đến năm 2020.

Tỉnh cần chú trọng phát triển du lịch, có giải pháp thu hút khách du lịch bằng các giải pháp xúc tiến du lịch; tiếp tục quy hoạch kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng kết nối; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhất là với địa phương có đông đồng bào dân tộc. Đối với các đề xuất để phát triển kinh tế- xã hội, tỉnh Gia Lai cần họp với các Bộ, ngành để thống nhất rồi trình Chính phủ xem xét.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.