Xã hội

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "không tô hồng cũng không bôi đen"

16/01/2020, 17:33

“Những vụ việc gần đây khiến chúng ta suy nghĩ rất nhiều về quan hệ với nhân dân, xử lý vấn đề trong nhân dân”, Thủ tướng bày tỏ.

img
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp

Ngày 16/1, Tiểu ban Kinh tế - xã hội của Đại hội Đảng lần thứ XIII đã họp phiên toàn thể thứ 6 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban.

Phát biểu khai mạc phiên họp của Tiểu ban gồm 51 thành viên, Thủ tướng cho biết, Tiểu ban sẽ cho ý kiến hoàn thiện các dự thảo báo cáo sau Hội nghị Trung ương XI để báo cáo Bộ Chính trị, xin ý kiến Đại hội Đảng các cấp.

Hội nghị Trung ương XI vào tháng 10/2019 đã cho ý kiến hoàn thiện các dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược 10 năm 2021-2030 và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021-2025. Trung ương đánh giá cao chất lượng, cơ bản nhất trí các dự thảo báo cáo của Tiểu ban.

Từ khi được thành lập vào tháng 10/2018, Tiểu ban đã triển khai nghiêm túc quyết định của Trung ương, đã có 5 phiên họp toàn thể Tiểu ban, trong đó đã triển khai nghiên cứu 42 chuyên đề, tổ chức 6 buổi làm việc với tất cả các địa phương theo vùng trên cả nước, tổ chức nhiều hội thảo, khảo sát trong nước và quốc tế và đặc biệt là lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, có những cuộc thảo luận hết sức sôi nổi tại các viện, các trường.

Tại phiên họp, Tiểu ban nghe Tổ biên tập báo cáo, tập trung thảo luận, cho ý kiến vào 3 nội dung trọng tâm: Nội dung 2 dự thảo báo cáo đã được Tổ biên tập tiếp thu, hoàn thiện, nhất là những nội dung mới so với báo cáo đã trình Trung ương. Thứ hai, thông qua nội dung chủ yếu của các báo cáo tóm tắt phục vụ Đại hội Đảng các cấp, cấp cơ sở để trình Bộ Chính trị cho ý kiến. Thứ ba, là dự thảo kế hoạch hoạt động năm 2020 của Tiểu ban và Tổ biên tập.

Thủ tướng đề nghị Tiểu ban tập trung thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề gồm nhận định, đánh giá tình hình, trong đó có đánh giá tổng quát mà Tổ biên tập thống nhất là trong 10 năm qua, đất nước ta đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó có 5 năm 2016-2020 đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.

Đề nghị thảo luận về hạn chế, yếu kém, Thủ tướng cho rằng, cần đánh giá sâu sắc hơn các lĩnh vực với tinh thần không tô hồng cũng không bôi đen, trong đó lưu ý đánh giá về kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ chức sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển du lịch, kết cấu hạ tầng, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, các vấn đề nổi lên về văn hóa xã hội.

Cần tiếp tục rà soát kỹ, bảo đảm sát thực tiễn, không xa rời với điều kiện, bối cảnh đất nước. Bổ sung bối cảnh quốc tế, trong nước trong thời gian tới để thấy được tình hình thay đổi, những thách thức.

Thủ tướng bày tỏ cơ bản nhất trí với dự thảo báo cáo, nhất là các nội dung đã tiếp thu, chỉnh lý, thống nhất giữa hai Tổ biên tập về đánh giá tình hình, dự báo bối cảnh quốc tế, trong nước, quan điểm phát triển. Tinh thần chung là đánh giá đúng, sát tình hình; bàn tiến chứ không bàn lùi, nỗ lực phấn đấu xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, phát triển nhanh, bền vững.

Thủ tướng cũng cho rằng, cần nghiên cứu đúc rút kinh nghiệm của các nước, nhất là các nước trong khu vực có điều kiện tương đồng, gồm cả kinh nghiệm thành công và không thành công, để rút ra chúng ta phải làm gì để đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững.

“Một số đại biểu có nói về yếu tố con người, quan hệ với nhân dân, nhân dân ủng hộ, nắm dân, sát cơ sở, làm cho dân giàu, nước mạnh rất quan trọng. Những vụ việc gần đây khiến chúng ta suy nghĩ rất nhiều về quan hệ với nhân dân, xử lý vấn đề trong nhân dân”, Thủ tướng bày tỏ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.