Quản lý

Thủ tướng: Phải có lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân ở TP.HCM

23/01/2017, 20:56

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng phải có lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc tại TP.HCM.

cac-so-nganh-van-bao-cao-chung-chung-1470094349424
TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép TP khống chế xe dưới 9 chỗ để giảm ùn tắc 

Chống ùn tắc giao thông đã rất cấp bách

Chiều 23/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về giải pháp phòng chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.HCM.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, dù đã cận Tết nhưng vẫn quyết định tổ chức cuộc họp này vì ùn tắc đang gây bức xúc cho người dân. Thủ tướng đề nghị TP.HCM cùng các bộ ngành trung ương tập trung bàn các cơ chế thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Các ý kiến đi thẳng vào bàn luận, đề xuất giải pháp cụ thể để khắc phục ngay tình hình.

"Việc giải quyết thực sự rất cấp bách với thành phố đông nhất nước", người đứng đầu Chính phủ nói.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết trong năm 2016, TP có 37 vị trí thường xảy ra ùn tắc giao thông. Các tuyến đường ùn tắc nghiêm trọng là đường ra vào Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, khu vực trung tâm TP, các tuyến đường kết nối từ ngoại ô vào nội đô TP. Tốc độ lưu thông trung bình khu vực trung tâm TP vào giờ cao điểm sáng 19km/h, chiều 18km/h. Tính đến nay, Thành phố đang quản lý hơn 7,8 triệu phương tiện (gồm hơn 622.000 xe ô tô và 7,26 triệu xe mô tô), tăng 5,86% so với cùng kỳ năm 2015.

Ông Khoa kiến nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc đưa đoạn tuyến đường sắt Bình Triệu - Hòa Hưng lên cao, để xóa bỏ các giao cắt giữa đường sắt và đường bộ trong nội đô.

 

Thủ tướng yêu cầu TP.HCM, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về quản lý đô thị của TP.HCM.

"Trước tiên, phải quy hoạch đô thị tốt hơn, phải hạn chế tầng cao ở khu trung tâm khi chưa có hệ thống giao thông. Nếu cứ dồn hết vào trung tâm, có mảnh đất nào, chúng ta tiếp tục xây tầng cao ở đó trong khi phương án giao thông để chống ùn tắc chưa giải quyết được thì tiếp tục sẽ khó khăn”, Thủ tướng nói.

TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng ủy quyền cho TP quyết định một số lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Thủ tướng như được quyết định bổ sung, điều chỉnh cục bộ quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM trên cơ sở quy hoạch đã được duyệt. 

Thành phố đề nghị Thủ tướng cho phép TP.HCM được trích lại 100% tiền thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATGT và nguồn thu do cơ quan thuế, hải quan thực hiện để có điều kiện đầu tư mới phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác bảo đảm trật tự ATGT, nhằm kéo giảm tai nạn, ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Áp cơ chế đặc thù cho các dự án chống ùn tắc

Tại cuộc họp, ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng để giải quyết ùn tắc giao thông, các dự án chống ùn tắc phải được tiến hành nhanh, gấp. Ông Thăng đề xuất được áp dụng cơ chế như khi Bộ GTVT làm Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, khi chỉ sau 2 năm hàng loạt dự án đã được đưa vào khai thác.

“Hiện nay các dự án tiến hành quá chậm, nhất là những dự án theo hình thức BOT. Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, đơn vị nào sai thì xử lý theo quy định nhưng phải triển khai các dự án chứ không thể vì thanh tra, kiểm tra mà để ách tắc”, ông Thăng nói.

Tham dự cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa bày tỏ sự đồng tình với các kiến nghị của TP.HCM, nhất là phải rút ngắn thời gian, trình tự thủ tục đầu tư.

“Bộ GTVT nhất trí và mong các Bộ khác ủng hộ TP.HCM”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói. Đồng thời, Bộ trưởng cho rằng trong thời điểm hiện nay để kéo giảm ùn tắc thì việc xây dựng các cao ốc, khu đô thị cao tầng ở TP.HCM nên chậm lại vì hạ tầng giao thông đang theo không kịp.

Về sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, ngày 25/1, Bộ Quốc phòng sẽ giao 21 ha đất trong sân bay Tân Sơn Nhất để mở rộng sân bay. Diện tích đất này dự tính sẽ xây dựng nhà ga, có thể bảo đảm nhu cầu vận chuyển 10 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, điều ông Nghĩa lo lắng là nếu xây dựng nhà ga sẽ tăng áp lực cho giao thông TP do lượng khách có thể tăng lên.

IMG_6510

Phương tiện cá nhân tăng cao, trong lúc hạ tầng không đáp ứng kịp khiến ùn tắc giao thông xảy ra nhiều điểm trên địa bàn TP HCM.

Ngầm hóa hệ thống giao thông công cộng

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tình trạng ùn tắc giao thông không phải một sớm một chiều là có thể giải quyết được. Các nước trong khu vực cũng đang đối mặt với tình trạng này.

“Một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông là số lượng phương tiện tăng quá nhanh; ô tô, xe máy xen lẫn nhau. Không phải cấm quyền tự do, nhưng về lâu dài phải có lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân. TP.HCM cần phải hạn chế xây nhà cao tầng ở trung tâm, khi chưa giải quyết đồng bộ vấn đề hạ tầng, phải đẩy mạnh ngầm hóa với phương châm huy động tư nhân tham gia làm metro”, Thủ tướng nói thêm.

Thủ tướng yêu cầu trước mắt, phục vụ Tết Nguyên đán, Thành phố cần chỉ đạo cương quyết hơn trong việc dẹp nạn xe dù bến cóc. Không để xảy ra tình trạng phức tạp ở một số điểm như báo chí phản ánh. Cần có biện pháp khảo sát, xử lý quyết liệt hơn đối với một số điểm đen, ùn tắc nghiêm trọng kéo dài. Không để người dân vì lý do giao thông mà ảnh hưởng đến thời gian về quê đón Tết.

Lực lượng chức năng cần có mặt ở hiện trường nhiều hơn để phân luồng giao thông ở những điểm đen, ùn tắc nhiều nhất”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu các cấp, các ngành của TPHCM phải xắn tay áo vào kiểm tra các điểm đen ùn tắc này.

Thủ tướng cũng gợi mở một số giải pháp khác như hạn chế nhập cư vào khu trung tâm, xây dựng các đô thị vệ tinh, áp dụng công nghệ thông tin, phát động quần chúng đóng góp các giải pháp thông minh trong chống ùn tắc, chứ không chỉ các cơ quan hành chính chống ùn tắc.

Về chống ùn tắc ở sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo hoàn thiện các phương án một cách chặt chẽ, khoa học, đúng pháp luật, báo cáo Thủ tướng trước 25/2.

Đối với các kiến nghị của TP.HCM, Thủ tướng cơ bản đồng ý và yêu cầu các bộ ngành sau 21 ngày phải báo cáo các cơ chế, chính sách áp dụng cho thành phố. "Không để thành phố phải chạy ra chạy vào, thời gian còn để làm việc khác. Các Bộ làm việc trên tinh thần tạo điều kiện cho thành phố đầu tư phát triển hạ tầng giao thông", Thủ tướng chỉ đạo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.