Chính trị

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chính phủ không nói có mà không làm

14/05/2021, 06:40

“Chính phủ không nói không, Chính phủ không nói khó, Chính phủ cũng không nói có mà không làm", Thủ tướng nhấn mạnh khi làm việc với TP.HCM.

img

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận buổi làm việc

Ngày 13/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với TP HCM. Đây là cuộc làm việc đầu tiên của Thủ tướng với các địa phương trên cương vị mới, nhằm giải quyết một số vấn đề trọng tâm, cấp bách, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc lớn để TP HCM tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Chưa khắc phục được điểm nghẽn hạ tầng giao thông

Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, lãnh đạo các bộ, cơ quan Trung ương.

Tại cuộc làm việc, TP HCM nêu 15 kiến nghị, đề xuất liên quan tới việc phân cấp, phân quyền cho TP; điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP; xây dựng Đề án cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức; hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho các dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài, dự án khép kín đường Vành đai 3, dự án Vành đai 4…

Phát biểu tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đều đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của Thành phố trong các giai đoạn phát triển đất nước; khẳng định cuộc làm việc cho thấy sự quan tâm đặc biệt, sự kỳ vọng của người đứng đầu Chính phủ với TP HCM.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, TP đạt nhiều kết quả rất to lớn, nhưng GTVT phát triển rất kém so với nhiều lĩnh vực khác và đây là điểm nghẽn chưa khắc phục được.

“Tất cả các cửa ngõ của thành phố đều ùn tắc. Thành phố là hạt nhân liên kết vùng nhưng các vành đai chưa xong. Đường ra cảng biển, cảng hàng không đều tắc. Thứ tư là ùn tắc trong nội thành. Nếu không quyết liệt thì sắp tới thành phố sẽ không phát triển được nữa”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị phải hợp lực cả vốn Trung ương, địa phương, nhà đầu tư để phát triển hạ tầng giao thông.

Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ định hướng giao UBND TP HCM là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với các dự án đường vành đai, TP phải tập trung đặc biệt cho GPMB nhanh nhất.

Bộ trưởng lấy ví dụ, với đường vành đai 3 Tân Vạn - Nhơn Trạch, TP đề nghị tăng kinh phí GPMB từ 148 tỷ đồng lên 1.800 tỷ đồng chỉ trong vài năm, như vậy thì ngân sách không thể đáp ứng được. Tất cả các dự án cần đầu tư theo hình thức PPP, Trung ương hỗ trợ một phần về xây dựng, địa phương lo ngân sách cho GPMB.

“Chỉ có theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng xuyên suốt tại các cuộc họp, thì chúng ta mới có thể tạo đột phá về hạ tầng giao thông”, Bộ trưởng nói và cho rằng, nội dung nào cần thiết thì theo chỉ đạo của Thủ tướng, sẽ trình Quốc hội giải quyết nhanh chóng nhất.

Địa phương chịu trách nhiệm GPMB dự án giao thông

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo, cấp ủy, chính quyền các cấp, quân và dân TP HCM trong nhiệm kỳ vừa qua và những tháng đầu năm, tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, TP HCM phát triển chưa thực sự xứng tầm vai trò, vị trí, lợi thế cạnh tranh, khác biệt. Điều này do nguyên nhân chủ quan là chính, trong đó có trách nhiệm của Trung ương và địa phương.

“Chúng ta thẳng thắn nhìn thẳng vào sự thật, không phải để tự ti, bi quan mà để phấn đấu mạnh mẽ hơn, tạo động lực phát triển”, Thủ tướng chia sẻ với TPHCM.

Cái gì người dân, doanh nghiệp, xã hội làm tốt hơn thì để người dân, xã hội, doanh nghiệp làm. Cái gì biết mới quản, nếu không biết thì giao cho người biết quản; tránh tình trạng chỉ “hợp thức hóa” nếu không phân cấp, phân quyền. Chính phủ, các cơ quan Nhà nước tập trung thiết kế cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý, công cụ kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng nêu rõ 3 nhóm vấn đề cần lưu ý trong thời gian tới: Về quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn; về những nhiệm vụ cụ thể; về những kiến nghị, đề xuất của thành phố.

Về quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng chỉ rõ 8 yêu cầu, trong đó, phải chuyển hướng mạnh mẽ từ phòng ngự chống đỡ, chờ đợi sang chủ động tấn công mạnh mẽ trên các lĩnh vực. Thứ hai, phát huy khí thế, thành tích, thành tựu đã đạt được để tự tin, đẩy mạnh các hoạt động, tổ chức thực hiện thật tốt, vượt qua những khó khăn, thách thức.

Về các đề xuất, kiến nghị, Thủ tướng nêu rõ, ngoài 15 vấn đề trong báo cáo của TP HCM, đoàn công tác đề xuất thêm nội dung thành phố phải khẩn trương triển khai xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Qua làm việc, đoàn công tác và TP HCM cơ bản đồng tình với 16 nội dung này.

Thủ tướng nêu rõ quan điểm sẽ kiến nghị Quốc hội tháo gỡ, xử lý những nội dung nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Về phần mình, “Chính phủ không nói không, Chính phủ không nói khó, Chính phủ cũng không nói có mà không làm. Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, những việc TP HCM làm tốt hơn Chính phủ thì sẵn sàng giao cho TPHCM.

Phân tích cụ thể hơn về một số kiến nghị của thành phố liên quan phát triển hạ tầng, Thủ tướng nêu rõ, dự án hạ tầng giao thông đi qua địa phương nào thì địa phương đó là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về GPMB, Chính phủ căn cứ vào điều kiện cụ thể hỗ trợ một phần kinh phí xây lắp với vai trò vốn mồi.

“Mô hình này đã có, đã chứng minh được hiệu quả. Vừa qua, tôi có dịp làm việc với lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, lãnh đạo các tỉnh đều rất tán thành với cách làm này, trong khi các tỉnh ở đó khó khăn hơn TP HCM nhiều”, Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng cũng khẳng định “ủng hộ tối đa” kiến nghị của Thành phố về điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách, vừa khuyến khích, vừa nâng cao trách nhiệm của thành phố. Với nguồn ngân sách tăng thêm, thành phố cần tập trung cho 3 đột phá chiến lược, ưu tiên tập trung cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.