Xã hội

Thủ tướng: Thúc đẩy tiến độ dự án lớn, công trình giao thông trọng điểm

02/02/2023, 11:17

Sáng 2/2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1/2023.

Nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức

Phiên họp được tổ chức trực tuyến với các địa phương nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) tháng 1 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 2; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển KTXH; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; chủ trương xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia; đặc biệt, triển khai các nhiệm vụ sau Tết theo Chỉ thị 3 của Thủ tướng Chính phủ.

img

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng chỉ rõ, tháng 1/2023 có 2 kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán diễn ra trọn trong tháng, nên số ngày làm việc ít hơn, chỉ bằng 2/3 bình thường. Tình hình thế giới tháng 1 tiếp tục phức tạp, khó lường. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại mang lại nhiều cơ hội, như khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức.

Ở trong nước, tháng vừa qua cũng diễn ra nhiều sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội và đối ngoại quan trọng. Trong đó, có các kỳ họp bất thường Trung ương, Quốc hội.

Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm, Chính phủ tổ chức triển khai các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Tổng Bí thư và Nghị quyết của Chính phủ về phát triển KTXH năm 2023. Bên cạnh đó, tổ chức cho nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Thúc đẩy tiến độ dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa cao

Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, nắm chắc tình hình thực tế, tiếp tục bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị, của lãnh đạo chủ chốt, Chiến lược phát triển KTXH 2021-2030, các Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng để cụ thể hóa thành kế hoạch, lộ trình thực hiện của từng cấp, từng ngành và cơ quan.

Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, mất bình tĩnh, dao động; Nâng cao năng lực dự báo và nắm chắc tình hình; Bản lĩnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả để vượt qua những khó khăn vướng mắc, đạt hiệu quả mục tiêu đã đề ra, tuyệt đối không chuyển trạng thái đột ngột, điều hành "giật cục" và luôn cầu thị, lắng nghe, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả.

Đồng bộ, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, vừa tập trung xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, các vấn đề tồn đọng kéo dài, vừa kịp thời ứng phó với những vấn đề cấp bách, bất ngờ phát sinh, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mang tính căn cơ trong trung và dài hạn.

Tập trung triển khai, thực hiện các đề án, nội dung trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội nghị Trung ương, bảo đảm tiến độ, chất lượng; thể chế hóa kịp thời, tổ chức triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính; đổi mới việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, số hóa, thúc đẩy giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và thúc đẩy chuyển đổi phương thức sản xuất, thương mại; Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; Thúc đẩy phục hồi và phát triển dịch vụ, du lịch...

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng đề nghị tăng cường quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa cao, nhất là công trình giao thông trọng điểm; Đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm; Khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 theo đúng nguyên tắc, tiêu chí quy định; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án, bố trí kế hoạch vốn...

Tháng 1/2023, tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,52% so với tháng 12/2022 và tăng 4,89% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách tháng 1 đạt 11,3% dự toán. Vốn FDI đăng ký mới đạt 1,2 tỷ USD, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Tháng 1 ước xuất siêu 3,6 tỷ USD.

Tuy nhiên, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, đã giải ngân các chính sách hỗ trợ đến tháng 1 ước đạt 80,8 nghìn tỷ đồng; song việc triển khai hỗ trợ 2% lãi suất rất chậm, chưa đề xuất cụ thể phương án xử lý nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động…

Đối với phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, theo Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước đến ngày 31/1/2023 đạt 92,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ, nhưng số tuyệt đối cao hơn cùng kỳ năm 2021 khoảng 100 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 23%.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.