Chính trị

Thủ tướng: Tăng trưởng thấp không thể mãi đổ cho khách quan

26/05/2017, 11:01

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, có một số nguyên nhân khách quan khiến kinh tế năm 2016 gặp khó khăn.

nguyen-xuan-phuc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: PLO

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, có một số nguyên nhân khách quan khiến kinh tế năm 2016 gặp khó khăn, chưa đạt kế hoạch như: Hạn mặn ở Nam bộ làm mất 1 triệu tấn thóc, tương đương 0,5% GDP; vụ Formosa ảnh hưởng môi trường biển miền Trung làm thiệt hại 0,5% GDP… Ngoài những lý do bất khả kháng, Thủ tướng cho rằng chỉ đạo có nhiều vấn đề phải rút kinh nghiệm, tìm cách bù trừ, cố gắng hơn.

Theo người đứng đầu Chính phủ, bước sang năm 2017, cả nước mang quyết tâm lớn là đưa ra mức tăng trưởng GDP 6,7%, tuy nhiên lại gặp hai chuyện: Thứ nhất là sản lượng dầu khí sụt giảm 3 triệu tấn vì giá dầu thấp; ảnh hưởng từ việc Samsung thu hồi sản phẩm điện thoại Samsung Galaxy Note 7 khiến sản lượng xuất khẩu sụt giảm. Đây là những nguyên nhân khách quan cần có phân tích kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ thẳng những tồn tại đã được nêu nhiều, đó là việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, thủ tục đầu tư công rất phức tạp… Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta không thể “kéo dài mãi bài ca khách quan”, vì không tăng trưởng thì không ổn.

Thủ tướng cũng nhận định vấn đề cải cách hành chính còn nhiều bất cập, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt từ Trung ương đến địa phương vẫn còn thiếu đồng bộ, có nhiều khoảng cách, nhất là hệ thống phường, quận, sở, ngành có nhiều vấn đề bất cập. Các bộ, có thể Bộ trưởng nắm vấn đề tốt nhưng tinh thần đổi mới quyết liệt, cải cách, hội nhập để phục vụ nhân dân, doanh nghiệp ở các vụ, cấp chuyên viên còn nhiều bất cập. Có một bộ phận cán bộ còn chưa gắn trách nhiệm của mình một cách đầy đủ trong thực thi công vụ nên có thể nói sự nghiệp đổi mới, nhận thức và hành động của cả hệ thống chưa tốt, đồng bộ. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh khâu này để công cuộc cải cách, đổi mới quyết liệt hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.