Xã hội

Thủ tướng: Tạo dần trạng thái bình thường mới trong điều kiện có dịch bệnh

24/04/2020, 08:38

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra ngày 20, 22/4.

img
Trong khi chưa có vaccine và thuốc đặc trị Covid-19, phải thích nghi “chung sống” với dịch bệnh, tạo dần trạng thái bình thường mới trong điều kiện có dịch bệnh

Chuyển sang giai đoạn phòng, chống dịch dài hơi cùng phát triển KTXH

Theo đó, Thủ tướng kết luận cả nước đã chuyển sang một giai đoạn mới phòng, chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm người dân sẵn sàng thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt.

Dịch bệnh vẫn tiếp diễn phức tạp, nguy cơ lây lan còn cao, đòi hỏi các cấp, các ngành, các lực lượng và mọi người dân đề cao cảnh giác, tuyệt đối không thoả mãn, lơ là, chủ quan; cần quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh, xâm nhập, phát hiện sớm, cách ly, dập dịch kịp thời; bảo đảm sức khỏe và tính mạng của người dân, không được để đại dịch gây hậu quả nghiêm trọng như đã và đang xảy ra tại một số nước trên thế giới.

Trong giai đoạn mới, cả nước cần thực hiện chủ trương: ngăn chặn triệt để dịch bệnh từ bên ngoài, dập dịch bên trong. Tiếp tục thực hiện cách ly tất cả những người nhập cảnh vào nước ta và người bị nhiễm bệnh, người có nguy cơ cao với hình thức cách ly linh hoạt, nhưng phải đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ, thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện ca bệnh để cách ly, điều trị hiệu quả.

Sử dụng công nghệ thông tin để nhanh chóng truy vết, khoanh vùng dập dịch. Chưa tiếp nhận khách du lịch nước ngoài. Các địa phương quyết định việc mở cửa đón du khách trong nước với điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch.

Trong khi chưa có vaccine và thuốc đặc trị Covid-19, phải thích nghi “chung sống” với dịch bệnh, tạo dần trạng thái bình thường mới trong điều kiện có dịch bệnh.

Cả nước còn 4 huyện phải tiếp tục cách ly xã hội

Các địa phương phải tiếp tục thực hiện cách ly xã hội đối với khu vực có nguy cơ cao; vận động người dân thường xuyên rửa tay sát khuẩn, tạo thói quen đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tại nơi công cộng, kể cả trên phương tiện giao thông công cộng; hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết, hạn chế tập trung đông người tại nơi công cộng. Người có dấu hiệu ốm sốt nên ở nhà, không đến công sở, cơ quan, trường học, nơi công cộng, phải liên hệ với bệnh viện, bác sĩ để được tư vấn và thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ.

Từ ngày 23/4/2020, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngoài các biện pháp quy định nêu trên, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng với các mức nguy cơ lây nhiễm, bảo đảm các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao, địa bàn có nguy cơ cao tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng. Hiện cả nước còn 4 huyện: Mê Linh, Thường Tín (TP Hà Nội), Đồng Văn (Hà Giang), Yên Phong (Bắc Ninh) là địa bàn có nguy cơ cao.

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch; Xác định cấp độ nguy cơ cụ thể của từng huyện, xã, thôn, bản, khu vực dân cư của địa phương mình để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Hướng dẫn thực hiện chi tiết biện pháp phòng, chống dịch và kiểm tra, giám sát việc này tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, trường học trên địa bàn.

Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về phòng, chống dịch và tăng cường kiểm tra, giám sát và hỗ trợ về y tế đối với các bệnh viện, cơ sở y tế, khu công nghiệp, khu chung cư và các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, bảo đảm mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có bộ quy tắc hoặc quy định về phòng, chống dịch.

Đồng thời, đẩy mạnh Chương trình hướng dẫn cộng đồng chủ động điều chỉnh lối sống và sinh hoạt cho phù hợp với những chuẩn mới của cuộc sống trong bối cảnh còn rủi ro dịch bệnh.

Đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh, sinh viên đi học lại

Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD&ĐT, các địa phương cho học sinh, sinh viên đi học trở lại phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, chu đáo; tổ chức dạy và học có trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục phát huy học trực tuyến, học qua truyền hình.

Cơ bản thống nhất với phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT đề xuất, trong đó lưu ý: Đề thi phù hợp với thực tế dạy và học, đảm bảo nâng cao chất lượng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong coi thi, chấm thi, công bố kết quả thi. UBND cấp tỉnh chủ trì tổ chức kỳ thi và chịu trách nhiệm về sự an toàn, nghiêm túc, chất lượng.

Bộ GD&ĐT sớm hoàn thiện, ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT và Quy chế tuyển sinh vào các trường đại học.

Cho phép các chuyến bay đơn lẻ đón công dân Việt Nam về nước

Thủ tướng cho phép Bộ Y tế phân bổ khoản tiền 250 tỷ đồng ủng hộ, tài trợ hoạt động phòng, chống dịch qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và qua tin nhắn cho các địa phương thực sự khó khăn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, chống tham nhũng tiêu cực.

Tổ 4 người (gồm Thứ trưởng các Bộ: Y tế, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Quốc phòng) quyết định cho phép các chuyến bay đơn lẻ đón công dân Việt Nam là học sinh dưới 18 tuổi, người đi chữa bệnh, du lịch, thăm thân, công tác hết hạn phải về nước, bảo đảm phù hợp diễn biến dịch bệnh trong nước và quốc tế, nhu cầu về nước của công dân Việt Nam, khả năng tổ chức tiếp nhận, cách ly và tổ chức các chuyến bay.

Giao Hãng hàng không quốc gia Việt Nam làm đầu mối tổ chức các chuyến bay đưa người Việt Nam về nước, với cơ chế tự trang trải (bằng chế độ bán vé).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.