Chính trị

Thủ tướng tự nhận khuyết điểm sau khi nghe DN giãi bày

26/02/2016, 19:19

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn tự phê bình tại Hội nghi tham tán thương mại diễn ra sáng nay (26/2).

thu-tuong
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị Tham tán thương mại

Phát biểu tại Hội nghị, trước sự hiện diện đông đủ đại diện Thương vụ Việt Nam trên thế giớiThủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cần phải nâng cao vai trò, năng lực đội ngũ Tham tán.

“Căn cứ đặc điểm của thị trường từng nước, Tham tán phải là cầu nối giúp DN khai thác, tháo gỡ khó khăn xúc tiến thương mại,... Thậm chí, nếu Tham tán làm dịch vụ cho DN, mang lại hợp đồng tốt cũng nên được khuyến khích”, Thủ tướng nhận định.

Đồng thời, sau khi lắng nghe những kiến nghị của doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn tự phê bình trước Hội nghị: “Tôi cảm thấy rất tiếc là tôi cũng quan liêu, nếu nghe được những ý kiến đó sớm sẽ góp phần giúp các đồng chí giải quyết”.

Người đứng đầu Chính Phủ góp ý, song song với nhiệm vụ mở rộng thị trường, phải theo sát chính sách bảo hộ tại các nước để đấu tranh những quy định không hợp lý. Người làm công tác Tham tán cần phải nghiên cứu giải pháp tăng năng lực nội sinh cho DN, bảo hộ thị trường trong nước...

“Trong ngoại giao, phải tranh thủ mọi lúc mọi nơi để tiếp thị, quảng bá cho sản phẩm, DN của mình. Không thể chỉ nói chung chung đường lối quan điểm, hãy nói và làm những hành động cụ thể đem lại lợi ích cho DN, người dân”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Hoi nghi tham tan thuong mai 3
Hội nghị Tham tán thương mại do Bộ Công Thương tổ chức sáng 26/2

Trước đó, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam(VASEP) đã có phát biểu đáng chú ý. Theo ông Nam, mặc dù cơ hội của nhiều ngành hàng xuất khẩu Việt Nam đang tăng lên, tuy nhiên ngay cả những mặt hàng chủ lực cũng đang đối đầu với những cạnh tranh mới, khó khăn mới.

Tại hội nghị, các đại biểu nghe và trao đổi về các báo cáo của Bộ Công Thương và các bộ, ngành về công tác thị trường nước ngoài, nhiệm vụ và hoạt động của các thương vụ, tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; tham luận của các hiệp hội ngành hàng về hoạt động xuất khẩu và công tác thị trường nước ngoài;…

Với xuất khẩu thủy sản, ông Nam cho biết, Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 150 thị trường khác nhau. “Chúng tôi đã đi và phối hợp với thương vụ ở các khu vực ở Châu Mỹ, Nam Phi… nơi các mặt hàng có sự hiện diện của Việt Nam chưa nhiều để mở rộng thị trường. Song nắm bắt được xu hướng, thủy sản đựợc người tiêu dùng được lựa chọn trong bối cảnh nhiều dịch bệnh, nhiều nước cũng lao vào đầu tư phát triển, tạo ra áp lực đẩy các mặt hàng nhập khẩu của chúng ta đi ra”, ông Nam cho biết.

Theo ông Nam, những thách thức bên ngoài sẽ đẩy lùi nỗ lực của DN Việt Nam nếu chúng ta không chủ động hơn. Cụ thể đối với thủy sản, hiện các nước đã tăng rào cản khó khăn hơn về kỹ thuật. Đáng nói các biện pháp bảo hộ của các nước đưa ra không theo thông lệ quốc tế, quá xa với cam kết, sai cam kết hoặc không có cơ sở khoa học.

“Nhật Bản mỗi năm nhập từ 1,3-1,5 tỷ USD hàng thủy sản Việt Nam, tuy nhiên trong 1 năm trở lại đây nước này hiện áp dụng quy định kiểm tra dư lượng kháng sinh nghiêm ngặt hơn với mức cho phép thấp hơn quy định của thị trường Châu Âu tới 10 lần. Đáng nói, quy định này chỉ được áp dụng với thủy sản nhập khẩu của Việt Nam và Ấn Độ, còn Thái Lan lại không bị kiểm soát. VASEP đã đấu tranh quyết liệt nhưng vẫn chưa có kết quả. Chúng tôi đã chủ động cung cấp thông tin, mong các Thương vụ lưu tâm và lên tiếng đấu tranh”, ông Nam giãi bày.

Ông Nam mong Thương vụ sẽ là cánh tay nối dài để có được thông tin khách quan, đa chiều giúp sản phẩm Việt Nam có được sự hiện diện bền vững hơn trên thị trường quốc tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.