Quản lý

Thủ tướng: Vốn ngân sách cực khó, phải biết dựa vào dân

17/03/2017, 00:23

"Ngành GTVT phải tìm ra được cơ chế để phát triển trong điều kiện vốn chỉ có vậy", Thủ tướng yêu cầu.

Thu tuong

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại buổi làm việc với Bộ GTVT sáng 16/3

Phát biểu tại buổi làm việc sáng 16/3 với Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải dựa vào dân, huy động nguồn lực xã hội để phát triển GTVT. Nhà nước chỉ cấp vốn mồi, hỗ trợ bằng cơ chế để thúc đẩy xã hội hóa.

Nguy cơ đình, giãn tiến độ 27 dự án giao thông

Một trong những vấn đề quan trọng, cần nhanh chóng được tháo gỡ để tạo điều kiện cho Bộ GTVT hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa báo cáo Thủ tướng tại buổi làm việc là việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020 với tổng nhu cầu vốn lên tới hơn 952 nghìn tỷ đồng (trong đó, hơn 604 nghìn tỷ đồng vốn NSNN còn lại là vốn huy động ngoài NSNN).

“Tuy nhiên, theo dự kiến kế hoạch vốn giai đoạn 2016 - 2020, Bộ GTVT mới được bố trí hơn 209 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn ODA nước ngoài hơn 97 nghìn tỷ đồng, vốn trong nước hơn 36,8 nghìn tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) 75.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng nói và cho biết thêm: Theo yêu cầu của Nghị quyết Quốc hội và hướng dẫn của Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT chỉ được phân bổ chi tiết 90% số vốn được thông báo là 188.200 tỷ đồng. Điều này có nghĩa là số vốn NSNN được phân bổ chỉ đáp ứng khoảng 31% tổng nhu cầu vốn NSNN (bao gồm vốn ODA, vốn ngân sách trong nước và vốn TPCP).

 

“Tôi đánh giá cao Bộ GTVT đã đoàn kết, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ được giao và hoan nghênh tinh thần chống tiêu cực, chống tham nhũng, tiết kiệm trong phát triển GTVT”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Điểm đáng lưu ý trong báo cáo của Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa là việc 27 dự án quan trọng, cấp bách sử dụng vốn NSNN đang đối diện với nguy cơ bị dừng, giãn tiến độ do thiếu vốn.

“Bộ GTVT phân bổ chi tiết 90% số vốn NSNN được thông báo là 120.700 tỷ đồng. Theo hướng dẫn của Bộ KH&ĐT, vốn NSNN sau khi bố trí để trả 100% nợ đọng XDCB và hoàn trả khoảng 50% vốn ứng trước kế hoạch, phần vốn còn lại sẽ tập trung toàn bộ cho vốn đối ứng các dự án ODA. Thực hiện phân bổ theo hướng dẫn của Bộ KH&ĐT, số vốn nước ngoài được bố trí cũng mới chỉ đáp ứng khoảng 67% (87.499 tỷ/129.563 tỷ đồng), vốn đối ứng mới đáp ứng 56% (16.750 tỷ/29.494 tỷ đồng) nhu cầu vốn của các dự án ODA đang triển khai. Đặc biệt, không bố trí vốn cho 27 dự án quan trọng, cấp bách sử dụng vốn NSNN đang triển khai mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu gấp rút hoàn thành. Điều này đồng nghĩa với việc phải dừng, giãn toàn bộ 27 dự án này”, Bộ trưởng cho biết.

Báo cáo thêm về nội dung này, ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ KH&ĐT (Bộ GTVT) cho biết, nếu không có giải pháp, hàng loạt dự án cấp bách sẽ không có vốn để triển khai tiếp. Có thể kể đến dự án xử lý sụt trượt đoạn qua đèo Chẹn - QL37 Sơn La, QL4A đoạn qua Lạng Sơn (tuyến quan trọng nhất nối Cao Bằng - Lạng Sơn về Hà Nội), QL279 đoạn Việt Vinh - Nghĩa Đô nối Hà Giang qua cao tốc Nội Bài - Lào Cai về Hà Nội, xử lý sụt trượt trên QL91 An Giang...

“Điều này sẽ gây lãng phí phần vốn đã đầu tư dở dang, mất ATGT, đi lại khó khăn, lãng phí nhân công, thiết bị thi công đã huy động trên công trường, đời sống của người lao động sẽ bị ảnh hưởng do thu nhập giảm sút và chắc chắn sẽ tốn một khoản kinh phí lớn để tái khởi động lại dự án khi tiếp tục được bố trí vốn”, ông Hoằng nói.

Nhấn mạnh cần tìm “điểm dừng kỹ thuật hợp lý” cho 27 dự án quan trọng này, ông Hoằng cho biết, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án phân bổ vốn của Bộ GTVT đáp ứng các nguyên tắc và thứ tự ưu tiên như: Trả đủ nợ đọng XDCB, thu hồi tối thiểu 50% vốn ứng trước kế hoạch, ưu tiên bố trí vốn đối ứng các dự án ODA... Tuy nhiên, sẽ dành một phần vốn để thi công các dự án đang triển khai dở dang nói trên. Cụ thể, Bộ GTVT cũng kiến nghị được sử dụng toàn bộ số vốn dự phòng (khoảng 3.619 tỷ đồng) cho các dự án này.

thu tuong lam viec voi bo GTVT

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nhà nước cung cấp vốn mồi, hỗ trợ, tạo cơ chế, thể chế, điều kiện xã hội hóa cơ sở hạ tầng giao thông

Phân bổ lại nguồn vốn TPCP

Liên quan đến việc phương án phân bổ vốn TPCP, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, Bộ GTVT dự kiến được phân bổ 75.000 tỷ đồng giai đoạn 2017-2020. Trong đó, 5.000 tỷ đồng dành riêng cho công tác GPMB dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và 70.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia.

“Tuy nhiên, khả năng sử dụng toàn bộ số vốn 70.000 tỷ đồng cho các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam trong giai đoạn 2017-2020 là rất khó khả thi trong điều kiện hiện nay do huy động vốn ngoài NSNN gặp nhiều vướng mắc. Muốn đẩy mạnh huy động vốn để đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam, cần thiết phải có điều chỉnh về cơ chế chính sách phù hợp; nhưng việc này cần có thời gian, cân nhắc, không thể thực hiện trong thời gian ngắn”, Bộ trưởng nói và đề xuất phương án sử dụng vốn TPCP giai đoạn 2017-2020. Trong đó, dành một phần vốn cho các dự án giao thông quan trọng, cấp bách khác. Cụ thể, sẽ dành khoảng 41.414 tỷ đồng làm vốn tham gia của Nhà nước trong các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam để đầu tư thêm 573 km cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.

Như vậy, tính cả 131km các đoạn đã hoàn thành (Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây) và 182km đang triển khai đầu tư (Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành), đến năm 2020 có khả năng hoàn thành 886km cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - TP Hồ Chí Minh; 799km cao tốc Bắc - Nam còn lại sẽ được GPMB trước để tiếp tục huy động vốn đầu tư giai đoạn sau năm 2020. Cùng đó, dành khoảng 7.000 tỷ đồng để triển khai các dự án cấp thiết nhất nhằm từng bước cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh và dành khoảng 21.586 tỷ đồng để triển khai một số dự án cần thiết, cấp bách, có tính kết nối, lan tỏa vùng miền, có tác động thúc đẩy KT-XH.

Sử dụng vốn nhà nước phải “liệu cơm, gắp mắm”

Khẳng định những vấn đề liên quan đến vốn NSNN mà Bộ GTVT đề cập đến là rất xác đáng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cũng thống nhất với ý kiến của Bộ GTVT “bố trí kế hoạch như trên 27 dự án sẽ phải dừng, giãn”.

“Chúng tôi hoàn toàn tán thành, ủng hộ kiến nghị này của Bộ GTVT. Cần xem xét, đánh giá, sắp xếp nguồn vốn cho việc này. Nếu có dừng, phải dừng ở điểm dừng kỹ thuật cho hợp lý, tránh lãng phí”, ông Hải nói. Cùng đó, ông Hải cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ đề xuất của Bộ GTVT về việc sử dụng phần lớn trong 70 nghìn tỷ đồng vốn TPCP cho dự án cao tốc Bắc - Nam.

Phía Ngân hàng Nhà nước, Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cũng cho rằng, nhu cầu vốn cho các dự án giao thông rất lớn và việc đa dạng hóa nguồn vốn, nâng cao xã hội hóa đóng vai trò quyết định để có thể đáp ứng các nhu cầu phát triển của giao thông.

 

Cho biết thường xuyên đọc báo, trong đó có Báo Giao thông để cập nhật thông tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tôi vừa đọc trên Báo Giao thông bài viết liên quan đến việc xe tránh trạm thu phí vào phá đường GTNT. Thấy hiện tượng như vậy, chúng ta phải có chủ trương thúc đẩy cơ chế, cách làm phù hợp để bảo vệ hệ thống giao thông GTNT, tiếp tục xây dựng đường GTNT. Đừng để người dân đi đường quốc lộ rất quang đãng mà về đường GTNT lại quá nhem nhuốc, khổ cực”.

“Trong khi vốn ngân sách khó khăn, nguồn vốn ODA hiện phân bổ cũng chưa đáp ứng được nhu cầu, huy động vốn từ xã hội, từ các nguồn vốn tư nhân hiện đang rất hạn chế, các dự án đều nhằm đến là vốn ngân hàng”, ông Tiến nói và khẳng định, NHNN luôn hoan nghênh và ủng hộ các tổ chức tín dụng trực tiếp làm việc với chủ đầu tư nếu có khả năng đáp ứng nguồn vốn.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách hết sức khó khăn, cần phải dựa vào dân, khơi thông nguồn lực xã hội để phát triển GTVT. Vì vậy, cần xã hội hóa nguồn lực ở mọi khâu, bằng mọi cách. Nhà nước chỉ có thể cung cấp vốn mồi, hỗ trợ, tạo cơ chế, thể chế, điều kiện để xã hội hóa cơ sở hạ tầng GTVT thành công. “Hồi trước mua máy bay, Chính phủ phải bảo lãnh. Bây giờ tư nhân mua máy bay có cần ai bảo lãnh đâu mà đội tàu bay ngày càng nhiều”, Thủ tướng nêu ví dụ về xã hội hóa, dựa vào nguồn lực từ người dân để phát triển.

Trong bối cảnh nguồn vốn hạn hẹp, Thủ tướng nhấn mạnh: Sử dụng vốn Nhà nước, phải sắp xếp thứ tự ưu tiên, “liệu cơm, gắp mắm”. Nguyên tắc đầu tư là chỗ nào có người hưởng lợi đông thì tập trung đầu tư.

“Trong điều kiện hiện nay, quan trọng là cơ chế. Cụ thể, với ngành GTVT, phải tìm ra được cơ chế nào để phát triển trong điều kiện vốn chỉ có vậy. Đây chính là lúc cần sử dụng trí tuệ của tập thể để tập trung tháo gỡ. Chứ không phải có bao nhiêu, làm bấy nhiêu. Như thế thì quá dễ”, Thủ tướng nói.

Riêng về 75 nghìn tỷ đồng vốn TPCP, Thủ tướng cho biết, ngay trong tuần này sẽ nghe báo cáo cụ thể về vấn đề này và quyết định để báo cáo Quốc hội vấn đề phân bổ thế nào cho hiệu quả nhất. Mặc dù vậy, Thủ tướng cũng nhấn mạnh xây dựng cao tốc Bắc - Nam là nhiệm vụ chính trị cần đặc biệt quan tâm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.