Kinh tế

Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc sang tay dự án điện, Bộ Công thương nói gì?

18/05/2020, 18:29

Bộ Công thương cho rằng việc chuyển nhượng dự án đầu tư là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường và được quy định trong Luật Đấu thầu.

img
Tính đến hết ngày 11/5, có 92 dự án hoặc một phần dự án điện mặt trời đã vận hành thương mại

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa giao Bộ Công thương làm rõ và báo cáo gấp thông tin phản ảnh về lỗ hỗng trong giao nhà đầu tư các dự án năng lượng tái tạo.

Cụ thể, theo nội dung công văn số 3778/VPCP-CN của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Công thương nêu rõ: "Báo điện tử Nhà đầu tư ngày 8/5/2020 phản ánh nội dung: "Cơ chế xin - cho đang là lỗ hỗng lớn trong thực tế phát triển năng lượng tái tạo. Nhiều nhà đầu tư yếu kém về năng lực vẫn dành được những dự án quy mô lớn, rồi nhanh chóng sáng tay cho nhà đầu tư ngoại kiếm lời. Gần đây là thông tin liên quan đến dự án điện gió Biển Cổ Thạch có vốn đầu tư lên tới 4,4 tỷ USD của Công ty HLP Invest ở Bình Thuận".

Trả lời câu hỏi Báo Giao thông về vấn đề trên, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương cho biết: Tính đến hết ngày 11/5/2020, đã có 92 dự án hoặc một phần dự án điện mặt trời (ĐMT) và 10 dự án hoặc một phần dự án điện gió với tổng công suất gần 6.000 MW đã vận hành thương mại.

Một số dự án điện gió, điện mặt trời đã được các nhà đầu tư Việt Nam chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án dưới hình thức liên doanh, chuyển nhượng cổ phần... cho các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Singapore, Ả rập Xê Út....

"Với sự việc trên, Bộ Công thương thấy rằng việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường và được quy định trong Luật Đầu tư. Quy định của pháp luật cho phép chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư thuộc ngành nghề có điều kiện", ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, việc chuyển nhượng dự án, thay đổi cổ đông... do Sở/Bộ Kế hoạch và Đầu tư thụ lý giải quyết tùy theo quy mô dự án.

Thông thường đối với các dự án điện than, điện khí đầu tư theo hình thức BOT, hay các dự án điện khí đang đề nghị đầu tư thường yêu cầu có bảo lãnh Chính phủ trong triển khai dự án. Tuy nhiên, hiện nay các dự án điện mặt trời, điện gió triển khai đầu tư hoàn toàn không có bảo lãnh Chính phủ. Trong bối cảnh hiện nay, việc các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển nguồn điện mà không cần bảo lãnh Chính phủ là điểm tích cực trong thu hút đầu tư vào ngành điện.

Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài thường có kinh nghiệm và năng lực tốt hơn trong đầu tư, quản lý vận hành nhà máy. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án điện sẽ mang lại lợi ích tổng thể tốt hơn cho nhà đầu tư và xã hội.

"Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời cũng hướng tới các mục tiêu đó. Nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia đầu tư điện mặt trời theo các quy định tại các Quyết định số 11, 13 và tuân thủ pháp luật về đầu tư, về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam", vị này nêu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.