Thời sự

Thủ tướng yêu cầu Bộ VH, TT&DL báo cáo 5 vấn đề

15/02/2017, 07:48
image

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ...

11

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công táccủa Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại buổi kiểm tra

Cần có thái độ rất sớm, rất rõ

Tổ trưởng Tổ công tác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đây là đơn vị đầu tiên Tổ công tác làm việc sau kỳ nghỉ Tết Đinh Dậu 2017, vì hiện nay các lễ hội đang là vấn đề rất nóng, được người dân và cả Chính phủ quan tâm. Bộ VH,TT&DL được giao 282 nhiệm vụ, đã hoàn thành 156 nhiệm vụ, quá hạn 6 nhiệm vụ. Theo đánh giá của Tổ công tác, tỷ lệ nhiệm vụ quá hạn này là không nhiều, cho thấy sự cố gắng rất lớn.

Trước cuộc làm việc này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ truyền đạt đến Bộ VH,TT&DL 5 vấn đề. Thứ nhất là việc quản lý các hoạt động lễ hội. Thực tế vừa qua có nhiều lễ hội biến tướng, thậm chí bị chi phối bởi lợi ích nhóm, theo hướng thương mại, trục lợi với những hình ảnh phản cảm. “Thủ tướng nói những việc đó các cơ quan quản lý nhà nước đã lên tiếng, nhưng riêng Bộ VH,TT&DL lại im lặng, không phản hồi. Việc này đã có từ lâu, nhưng Bộ không có bất cứ báo cáo nào. Thủ tướng sáng nay gọi tôi sang nói nếu Bộ trưởng “ngại” lên tiếng thì báo cáo Thủ tướng để Thủ tướng chỉ đạo bằng văn bản”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt lại và cho rằng, Bộ cần có thái độ rất sớm và rất rõ vì chúng ta còn rất nhiều lễ hội, mà quy mô càng ngày càng lớn, kéo dài thời gian.

Thứ hai là vấn đề về du lịch. Thủ tướng yêu cầu Bộ VH,TT&DL báo cáo tiến độ triển khai Kết luận của Bộ Chính trị và của Thủ tướng tại Hội nghị tổng kết du lịch tại Hội An, đến nay Bộ đã triển khai thế nào. Thứ ba là vấn đề thể thao, dù có thành tích rất ấn tượng nhưng nhìn lại vẫn còn nhiều tiêu cực, tồn tại... Thứ tư là bảo tồn di tích hay trang trí đường phố, có nơi quản lý rất tốt, nhưng có nơi trật tự kém. Vấn đề cuối cùng, Thủ tướng đề nghị báo cáo rõ công tác nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt khi năm 2016 là năm bùng nổ các cuộc thi sắc đẹp và có những cuộc thi tạo dư luận không tốt.

Xem thêm video:

Chưa dẹp được lễ hội phản cảm

Ngay sau đó, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái đã báo cáo tóm tắt việc thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao, nhưng Tổ trưởng Tổ công tác yêu cầu với những nhiệm vụ quá hạn, đơn vị nào được giao thì đơn vị đó báo cáo cụ thể, không báo cáo chung chung.

Theo Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ luôn lường trước được các vấn đề khi tổ chức lễ hội. Do vậy, ngay từ khi kết thúc mùa lễ hội năm 2016, Bộ đã chủ động làm việc với các tỉnh có lễ hội lớn, lễ hội từng xảy ra hành vi bạo lực, phản cảm để cùng lên phương án. Nhờ vậy mà năm nay, các lễ hội đã giảm bớt hành vi phản cảm, bạo lực; Công tác quản lý lễ hội đã có tiến bộ, ý thức của người dân được nâng lên… Tuy nhiên, để chấm dứt hoàn toàn những bất cập trong tổ chức lễ hội, cần có thời gian vì việc nâng cao nhận thức của người dân là cả một quá trình. “Trong tuần tới, Bộ sẽ tổ chức họp sơ kết về các lễ hội đã diễn ra trong hai tuần đầu năm mới để bước đầu đánh giá, đưa ra biện pháp quản lý, chấn chỉnh”, Bộ trưởng Thiện cho biết. 

Về ý kiến trước nhiều lễ hội biến tướng nhưng Bộ VH,TT&DL lại lặng im, không lên tiếng, bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở trần tình, trong mùa lễ hội năm 2017, Cục và các cơ quan khác đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra theo dõi các lễ hội có quy mô lớn, tập trung theo dõi, giám sát các hình thức lễ hội trước đó có biểu hiện phản cảm, bạo lực cần chấn chỉnh… Tuy nhiên, còn một số địa phương chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ, còn để xảy ra các hoạt động phản cảm trong lễ hội.

Ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ VH,TT&DL khẳng định, việc quản lý lễ hội là vô cùng khó khăn trong bối cảnh hiện nay, vì hoạt động lễ hội thường gắn với yếu tố kinh tế. “Như ở Yên Bái ngày 12/2 vừa rồi vẫn tổ chức chọi trâu. Chúng tôi cử cán bộ văn hóa của Sở xuống kiểm tra, nhưng lễ hội này do Phó chủ tịch tỉnh làm trưởng ban nên lập biên bản khó lắm. Nhưng chúng tôi đang xem doanh nghiệp nào đứng đằng sau, bởi vì doanh nghiệp đầu tư vào trâu chọi, sau đó phối hợp với địa phương tổ chức lễ hội, bán vé, bán thịt trâu, thu lời tương đối lớn nên người ta vẫn rất ham”, ông Thành dẫn chứng.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng cho biết, Bộ chủ trương không tổ chức các lễ hội phản cảm nhưng các địa phương phản ứng quá lớn, vì đó là truyền thống của họ. Sau đó, Bộ mời các giáo sư về nghiên cứu xem các lễ hội này xuất phát từ đâu, quan điểm là bảo tồn các lễ hội có giá trị, còn lễ hội phản cảm cương quyết cắt bỏ. “Đơn cử như chọi trâu, đá gà là trò chơi dân gian không bị cấm, nhưng lợi dụng nó để ăn tiền và cờ bạc thì cương quyết cấm. Chọi trâu chúng tôi khuyến cáo là không tổ chức nhưng có nơi còn gửi đơn lên cả Quốc hội. Vấn đề này hết sức phức tạp”, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái dẫn chứng.

Sau khi nghe các ý kiến báo cáo, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, ý kiến của Thủ tướng là muốn Bộ VH,TT&DL lưu ý đến những lễ hội đang bị biến tướng để trục lợi. Đặc biệt, Bộ  VH,TT&DL là cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa nên phải có những ý kiến chỉ đạo cương quyết, nêu rõ quan điểm cấm hay không cấm, đồng ý hay không đồng ý. Đánh giá việc quản lý lễ hội là vấn đề khó vì liên quan trực tiếp tới lịch sử, văn hóa, tới thuần phong mỹ tục của người dân, nhưng Tổ trưởng Tổ công tác Thủ tướng cũng lưu ý Bộ VH,TT&DL là cơ quan có trách nhiệm chính trong quản lý nhà nước về lễ hội cần kiên quyết lên tiếng với những gì không còn phù hợp, thậm chí có vấn đề gì còn “ngại” có thể báo cáo trực tiếp lên Thủ tướng. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.