Xã hội

Thủ tướng yêu cầu xem xét xã hội hóa công tác xét nghiệm

20/11/2021, 15:38

Thủ tướng giao các bộ, ngành phối hợp xây dựng, sớm ban hành quy định xét nghiệm, cách ly, phù hợp, trong đó xem xét xã hội hóa xét nghiệm.

Tình hình kinh tế - xã hội đã khởi sắc

Ngày 20/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã chủ trì họp trực tuyến toàn quốc với 63 tỉnh, thành phố để đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch thời gian qua và bàn các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

img

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng khẳng định, sau hơn 1 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và hướng dẫn số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế, tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.

Tình hình kinh tế - xã hội đã khởi sắc: Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; phối hợp linh hoạt, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và tiền tệ; thu hút vốn FDI, xuất khẩu đều tăng khá…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, những ngày gần đây tình hình dịch Covid-19 có diễn biến không như mong muốn, số ca mắc cao hơn những ngày trước đó.

Nguyên nhân có cả khách quan, song nguyên nhân chủ quan là chính như: vẫn còn một bộ phận người dân có tư tưởng chủ quan, lơ là; nhận thức về tiêm vaccine của một số người chưa thấu đáo; hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở nhiều lúc, nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu; tốc độ tiêm chủng vaccine chưa đạt mục tiêu, yêu cầu.

Công tác phối hợp giữa các địa phương để quản lý di chuyển của người dân chưa chặt chẽ nên có lúc gây khó khăn, có lúc lại lỏng lẻo, thiếu an toàn; công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát có nơi có lúc làm chưa tốt; việc thu dung, phân loại ca nhiễm để điều trị từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở chưa tốt...

Người đứng đầu Chính phủ nhận định, tuy tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc; song nguy cơ bùng phát trở lại vẫn rất cao. Do đó, yêu cầu các cấp, các ngành phải nắm chắc, dự báo, phân tích tình hình tốt hơn để có giải pháp phòng, chống dịch khả thi, hiệu quả.

Trong phát triển kinh tế, do diễn biến giá dầu, giá dịch vụ logistics trên thế giới tăng nên ảnh hưởng đến tình hình phục hồi, phát triển kinh tế trong nước.

Hết năm 2021 tiêm đủ 2 mũi cho người dân từ 18 tuổi trở lên

Để thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế -xã hội hiệu quả hơn trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu: Bộ Y tế tổ chức tổng kết, đánh giá về tình hình và các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 đợt thứ 4, để hoàn thiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 trình cấp có thẩm quyền.

Trước mắt, các ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP và Quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; đồng thời tiếp tục đánh giá, góp ý bổ sung Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ; bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý để triển khai tốt hơn nữa.

Trong đó thực hiện nghiêm nguyên tắc đảm bảo thống nhất từ Trung ương đến cơ sở; ứng với cấp độ dịch nào thì có biện pháp hành chính, y tế, an sinh xã hội... phù hợp với cấp độ đó; thực hiện nghiêm công thức phòng chống dịch "5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác".

Phối hợp để người dân di chuyển giữa các địa phương thuận lợi và an toàn; tiếp tục đẩy mạnh chiến lược tiêm vaccine, phấn đấu hết năm 2021 hoàn thành tiêm vaccine đủ 2 mũi cho người dân từ 18 tuổi trở lên, có kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em và tiêm vaccine mũi 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên.

Đặc biệt, chủ động đáp ứng thuốc điều trị Covid-19, trong đó cắt giảm thủ tục hành chính để phân bổ ngay thuốc điều trị cho các địa phương.

Thủ tướng giao các bộ, ngành phối hợp xây dựng, sớm ban hành quy định, quy trình xét nghiệm, cách ly, phù hợp, trong đó xem xét xã hội hóa công tác xét nghiệm.

Xem xét bố trí kinh phí để các bộ, ngành, địa phương mua sắm vật tư, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch, nếu vượt quá thẩm quyền thì tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp trong phòng, chống dịch, tránh lơ là, chủ quan, nhưng không hoảng hốt. Phối hợp chặt chẽ, sử dụng hiệu quả các nền tảng công nghệ trong phòng, chống dịch.

Đặc biệt phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong thực hiện các chính sách phòng, chống dịch Covid-19 và khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.