Xã hội

Thưa dần sạp báo vỉa hè

21/06/2018, 09:26

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, những sạp báo vỉa hè cũng bắt đầu vắng dần trên các tuyến phố...

57

Sạp báo Hà Oanh trên phố Phan Huy Chú (Hà Nội) hầu như không có khách

Thê thảm sạp báo giấy Hà Thành

Từ nhiều năm nay, cụ Nguyễn Hùng (76 tuổi, trú phố Hàng Hòm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn giữ thói quen mỗi sáng đạp xe ra phố Hàng Trống, phía cổng trụ sở Báo Nhân dân, nơi có nhiều sạp báo lớn để mua vài tờ. Cụ coi đó là những món ăn tinh thần không thể thiếu, dù hàng ngày vẫn xem tivi, nghe đài. “Là thói quen nên tôi không bỏ được. Đọc báo không những biết được tình hình kinh tế - chính trị - xã hội tại Hà Nội và cả nước, mà còn theo dõi được các vụ án phức tạp để hiểu thêm, cảnh báo cho mọi người, cho con cháu phòng ngừa trong cuộc sống hàng ngày”, cụ Hùng chia sẻ.

Tuy nhiên, những khách hàng quen thuộc với các sạp báo trên phố Hàng Trống như cụ Hùng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chỉ mới vài năm trước, nơi đây còn tấp nập kẻ bán người mua thì đến nay, câu chuyện ấy đã lùi vào dĩ vãng Thời kỳ đỉnh cao, Hà Nội có khoảng hơn 700 sạp báo, bán đủ các loại báo giấy phát hành hàng ngày, hàng tuần và hấu hết các loại tạp chí. Thế nhưng đến nay, theo khảo sát của PV Báo Giao thông, số lượng chỉ còn vài chục sạp.

Bà Nguyễn Thị Lụa, chủ sạp báo số 1, số 71 phố Hàng Trống - nơi từ lâu được xem là chợ báo lớn nhất, lâu năm nhất ở Hà Nội thông tin, bà bán báo tại đây từ năm 27 tuổi, đến nay đã 67 tuổi. “Các tờ báo bán chạy những năm trước như Thanh Niên, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, An ninh Thủ đô, An ninh Thế giới… giờ đây đã sụt giảm rất nhiều. Hiện tại, sạp báo của bà chỉ còn vài tờ là bán được, nhưng so với những năm trước kia thì chẳng đáng là bao. “Thời điểm bán nhiều, có những đầu báo bán 1 ngày vài trăm tờ nhưng đến nay chỉ bán được khoảng 40 tờ/ngày”, bà Lụa ngao ngán.

Một chủ sạp báo khác tại 71 Hàng Trống cũng chia sẻ, khoảng hai năm về trước, người mua báo vẫn còn khá đông. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì vắng không khác gì “chùa bà Đanh”, có những hôm cả ngày không bán được bất cứ một tờ nào. Nếu như trước đây sạp phải thuê vài người cùng phụ bán thì giờ không dám thuê ai vì sợ phát sinh nhiều chi phí. Ế ẩm quá, đã có lúc chủ sạp chuyển sang bán bóng đèn, quần áo nhưng cũng không khá khẩm hơn, vậy là lại quay trở lại bán báo. Chỉ vào những chồng báo cao ngất, xếp từ sáng đến trưa không có người mua, chủ sạp ngán ngẩm cho hay, vẫn có hàng chục đầu báo được trưng bày, song chủ yếu là báo của các toà soạn cho người mang đến kí gửi, không bán được thì ngày hôm sau ra báo mới, có người thu báo cũ về.

Cùng lâm vào hoàn cảnh tương tự, chị Trần Kiều Oanh, chủ sạp báo Hà Oanh trên đường Phan Huy Chú (sát cổng trụ sở Thông tấn xã Việt Nam) cũng cho biết, hiện nay báo giấy hầu như không bán được và chỉ có một số ít tờ thi thoảng có người mua. Chị Oanh chia sẻ, tình trạng sụt giảm sức mua đã diễn ra từ lâu, song năm nay còn “thê thảm” hơn nhiều so với năm trước. “Mặc dù không bán được báo giấy nhưng vẫn phải duy trì cửa hàng vì sạp báo ở đây chủ yếu là giới thiệu sản phẩm thông tấn báo chí tới quần chúng nhân dân là chính. Tôi đã có thâm nên gần 30 năm bán báo ở đây. Thời bán báo giấy chạy nhất phải nói đến là cách đây 7- 8 năm, khi đó khách mua phải xếp vòng trong, vòng ngoài”, chị Oanh nói.

56

Bán cả ngày không hết số báo tòa soạn báo Tuổi trẻ gửi, bà Nga và chồng phải gói lại để trả về tòa soạn

TP HCM thưa dần những sạp báo vỉa hè

Một buổi sáng, chúng tôi rong ruổi xe dạo qua rất nhiều tuyến đường của TP HCM nhưng rất khó để tìm được những sạp báo. Từ đường Nguyễn Chí Thanh (Q.5), đường Ba tháng Hai (Q.10), Điện Biên Phủ (Q.3) hầu như không tìm thấy một sạp báo nào. Đây là những tuyến đường mà chỉ 4,5 năm trước hàng loạt sạp báo vẫn bày bán.

Ngay cả khu vực đường Lý Chính Thắng (Q.3) gần Nhà xuất bản Trẻ, trước đây có rất nhiều sạp báo giờ cũng chỉ còn một sạp duy nhất nằm ở góc đường Lý Chính Thắng - Trần Quốc Thảo. Bà Bùi Thị Nga (65 tuổi) cho biết đã bán báo ở đây hơn 30 năm. Trên cái sạp nhỏ được đóng bằng những thanh gỗ đơn sơ bày biện khá nhiều báo như: Tuổi trẻ, Thanh niên, Công an TP HCM, Đời sống pháp luật, Bóng đá, Thể thao Văn hóa… và nhiều tạp chí khác.

Theo lời bà Nga, cách đây 15 năm ở đường Lý Chính Thắng có chừng 20 sạp báo, nhưng giờ chỉ còn vài sạp. Trước đây, mỗi ngày sạp của bà bán hàng trăm tờ, trong đó nhiều nhất là báo Tuổi trẻ, Thanh niên, Công an TP HCM. Ngoài bán tại sạp, hai vợ chồng còn thay nhau đưa báo đến các gia đình đặt báo dài hạn. Thế nhưng, số lượng báo giấy giờ sụt giảm không phanh. Mỗi ngày, sạp báo của bà Nga chỉ bán được khoảng 105 tờ báo Tuổi trẻ (trong số này tòa soạn có gửi 30 tờ nhờ bán nhưng đến chiều cũng còn lại 15 tờ). Báo Thanh niên cũng chỉ bán được 80 tờ gồm cả báo do các nhà đặt dài hạn. Các báo viết về Thể thao giờ cũng không còn nhiều, chỉ sót lại hai tờ là Thể thao Văn hóa và Bóng đá.

Lý do lượng báo bán ra sụt giảm được bà Nga giải thích là do hiện nay người trẻ chuyển sang đọc tin tức trên mạng nhiều. Báo giấy chỉ bán cho những người hưu trí hoặc những bác xe ôm vẫn còn giữ thói quen đọc báo mỗi sáng. Cùng với đó, giá báo liên tục tăng khiến những đối tượng bạn đọc này sụt giảm dần. “Trước đây bán được 10 thì giờ chỉ bán được 1 phần. Lượng báo giấy bán ra ế ẩm nhưng cũng ráng ngồi bán chứ không biết làm nghề gì khác. Tuổi già rồi giờ chuyển sang nghề khác cũng khó”, bà Nga tâm sự.

Tại góc đường Cách Mạng Tháng Tám gần vòng xoay Dân Chủ (Q.3), chúng tôi gặp sạp báo của ông Lương Văn Thảo (58 tuổi). Ông Thảo cho biết, đã bán báo ở đây hơn 20 năm và thấy sự đi xuống rõ rệt của báo giấy. Lượng báo bán ra ngày mỗi giảm. Ngồi trò chuyện 1 tiếng đồng hồ với ông không thấy có khách nào ghé mua báo. Ông Thảo cho biết, từ sáng sớm bán được khoảng 20 tờ báo các loại, trong đó báo Bóng đá bán được 5 tờ, Tuổi trẻ 10 tờ, Thanh niên 5 tờ. Bên cạnh sạp báo, ông còn đặt thêm thùng kẹo, thuốc để bán phụ thêm. “Bán kiếm chác mấy đồng qua ngày chứ giờ không biết làm gì. Một tờ báo bán kiếm lời từ 200 - 500 đồng, lượng báo bán ra sụt giảm khiến đời sống rất khó khăn, nhiều người họ nghỉ chuyển nghề khác hết. Vừa bán mà vừa nơm nớp lo sợ các đội trật tự đến dẹp vỉa hè”, ông Thảo nói.

Theo bà Huỳnh Thị Kim Phụng, Giám đốc Công ty Trường Phát, một trong những đơn vị phát hành lớn tại TP HCM, các tỉnh phía Nam trước đây có 3.000 sạp nay chỉ còn 900 sạp. Riêng TP HCM từ 1.200 sạp giờ chỉ còn 300 ở tất cả các quận, huyện. Những người bán báo dạo trước đây hoạt động nhộn nhịp ở các bến xe, ga tàu nhưng giờ cũng không còn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.