Đời sống

Thừa Thiên- Huế tiếp nhận thêm 10.000 lít hóa chất phòng chống dịch tả lợn

12/04/2019, 13:05

Ngày 12/4, Chi cục Chăn nuôi Thú y Thừa Thiên- Huế, cho biết đã tiếp nhận 10.000 lít hóa chất phòng chống dịch tả lợn được Trung ương hỗ trợ.

img
KPhun hóa chất tiêu khử trùng tiêu độc tại khu vực xuất hiện ở dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại tỉnh Thừa Thiên- Huế. Ảnh: phongdien.thuathienhue.gov.vn

Trước đó, Bộ NN&PTNT đã có Quyết định số 1002 về việc xuất hóa chất dự trữ quốc gia hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên- Huế phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên- Huế đã tổ chức tiếp nhận số hóa chất bencocid phòng chống dịch tả lợn châu Phi này.

Sở NN&PTNT Thừa Thiên- Huế phân bổ số hóa chất trên để các địa phương chủ động triển khai khử trùng, tiêu độc phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, số hóa chất phân bổ cho các huyện Phong Điền, Quảng Điền và TX Hương Trà, mỗi địa phương 1.000 lít; TX Hương Thủy 900 lít, huyện Phú Vang và Phú Lộc 800 lít/huyện, huyện A Lưới 600 lít, huyện Nam Đông 500 lít và TP Huế 400 lít.

Như Báo Giao thông đã đưa tin, ngày 11/4, UBND huyện Phong Điền cùng cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy đàn lợn 51 con bị dịch tả lợn châu Phi tại gia trại chăn nuôi lợn của hộ gia đình ông Nguyễn Khóa (thôn Thanh Tân, xã Phong Sơn).

Đây là ổ dịch tả lợn châu Phi thứ 3 xuất hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế. Cả 3 ổ dịch này đều ở xã Phong Sơn (huyện Phong Điền).

Hỗ trợ chủ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do dịch bệnh thế nào?

Ngày 12/4, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết vừa ban hành Quyết định số 917/QĐ-UBND quy định hỗ trợ chủ chăn nuôi có lợn mắc bệnh, lợn nghi mắc bệnh lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, hộ chăn nuôi, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã (gọi là chủ chăn nuôi) có lợn mắc bệnh, lợn nghi mắc bệnh lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy để phòng, chống dịch bệnh động vật lây lan, kể cả khi xuất hiện dịch bệnh nhưng chưa được công bố dịch theo quy định của pháp luật. Khi có lợn buộc phải tiêu hủy không nhất thiết phải đáp ứng điều kiện đăng ký kê khai ban đầu được UBND cấp xã xác nhận khi bắt đầu nuôi lợn sẽ được hỗ trợ 38.000 đồng/kg hơi đối với lợn thịt, lợn con các loại hoặc 65.000 đồng/kg hơi đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác.

UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã và TP Huế tổ chức thống kê, đánh giá thiệt hại do dịch bệnh lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi; chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, cấp cho UBND cấp xã để hỗ trợ kịp thời cho các chủ chăn nuôi có lợn bị tiêu huỷ theo mức quy định tại Quyết định này. Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã triển khai thực hiện việc hỗ trợ trực tiếp đến các chủ chăn nuôi có lợn bị tiêu huỷ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng và mức quy định, dưới sự giám sát của người dân.

UBND cấp xã chịu trách nhiệm xác định chính xác đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ cho từng đối tượng, chi trả, thanh, quyết toán kinh phí đúng đối tượng, đúng chế độ, không để thất thoát lãng phí và xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.