Đường thủy

Thừa tiền, đường thủy vẫn chậm xóa “điểm đen”

04/07/2021, 07:16

Cơ chế ưu đãi giúp nguồn vốn dành cho bảo trì đường thủy quốc gia những năm qua tăng lên gần 1.000 tỷ đồng mỗi năm, song giải ngân không hết.

img

Hiện mùa nước lên cao khiến việc thanh thải trụ cầu Đuống cũ được tạm dừng

Nhiều dự án “vắt” sang năm khác

Hơn một năm trước, tại khoang thông thuyền của cầu Đuống (Km59 sông Đuống) xuất hiện chướng ngại vật là trụ bê tông ngầm còn sót lại của cầu Đuống cũ, gây nguy hiểm cho phương tiện thủy.

Vì vậy, năm 2020, Cục Đường thủy nội địa VN ưu tiên bố trí vốn thanh thải chướng ngại vật này để phương tiện thủy lưu thông an toàn.

Tuy nhiên, dự án không triển khai được do không có nhà thầu nào tham gia. Phải đến đầu năm 2021 mới chọn được nhà thầu, song dự án lại bị chậm tiến độ.

“Chúng tôi dự kiến bắt đầu thi công từ giữa tháng 4/2021 và hoàn thành trong tháng 5/2021, song do các thủ tục chấp thuận của cơ quan quản lý, đơn vị cầu Đuống bị kéo dài nên khởi công chậm hơn 2 tuần. Khi bắt đầu thi công gặp nước sông lên cao, dòng chảy phức tạp, việc thanh thải khó khăn hơn rất nhiều nên phải tạm rút máy móc, thiết bị khỏi công trường”, ông Lê Hùng, Chỉ huy công trường của nhà thầu thi công Công ty CP Đo đạc và xây dựng Phú Gia thông tin.

Ông Lê Minh Đạo, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, do dự án chưa thi công được nhiều nên chưa được giải ngân, chi phí thanh toán tạm ứng.

Không riêng dự án trên, theo Cục Đường thủy nội địa VN, 2 - 3 năm qua, khá nhiều dự án thanh thải chướng ngại vật trên đường thủy quốc gia khác cũng gặp khó khăn, chậm tiến độ do không tìm được nhà thầu.

Có thể kể đến như dự án thanh thải bãi đá ngầm Thoại Sơn Km 30+380 kênh Rạch Giá Long Xuyên, thanh thải bãi đá ngầm Km 0+500 sông Lô, bãi đá ngầm sông Chanh...

Trong khi đó, gần chục dự án nạo vét bãi cạn đảm bảo giao thông cũng bị chậm trễ do vướng mắc trong thống nhất thủ tục với địa phương, đánh giá tác động môi trường, khiến dự án bị “vắt” từ năm này sang năm khác.

Chẳng hạn năm 2020, một số dự án nạo vét hơn 3km luồng cạn Km 71+400 - Km 74+750 sông Lam, nạo vét các bãi cạn trên sông Rào Cái - Gia Hội, sông Son, kênh Tẻ - kênh Đôi... đều không thực hiện được.

“Các dự án gặp vướng mắc lớn nhất là không thống nhất được với địa phương về vị trí bãi đổ thải. Có dự án dù tỉnh đồng ý chấp thuận bãi đổ thải nhưng cấp huyện lại không đồng ý. Chỉ riêng thủ tục dự án cũng phải mất đến 1 - 2 năm mới chuẩn bị xong”, ông Đạo nói.

Có lặp lại tình trạng thừa tiền, “trả lại” ngân sách?

Tìm hiểu của PV, các dự án thanh thải chướng ngại vật, nạo vét đảm bảo giao thông đường thủy quốc gia được thực hiện bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế ngân sách hàng năm dành cho Cục Đường thủy nội địa VN.

Từ năm 2018, nhờ cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển GTVT đường thủy (Quyết định số 47/2015 của Thủ tướng Chính phủ), nguồn vốn được tăng lên mức 1.000 tỷ đồng (năm 2020 - 2021 đạt 980 tỷ đồng), tăng gần gấp đôi so với giai đoạn trước.

Ngoài ra, nguồn vốn còn dành cho các hoạt động khác như quản lý bảo trì thường xuyên hệ thống đường thủy, duy tu kè đường thủy, bảo đảm giao thông mùa lũ, khảo sát luồng tuyến, bổ sung hoặc thay thế phao, báo hiệu...

Tuy vậy, theo tìm hiểu của PV, từ khi được tăng nguồn vốn đến nay, năm nào Cục Đường thủy nội địa VN cũng không hoàn thành kế hoạch giải ngân, giải ngân chậm, thậm chí năm nào cũng “trả lại” ngân sách từ vài chục đến gần 100 tỷ đồng.

Bên cạnh nguyên nhân do các dự án bị chậm, còn do chậm giải ngân các gói thầu quản lý, bảo trì thường xuyên luồng tuyến.

Cụ thể, các năm trước, do chậm triển khai các thủ tục đấu thầu nên các đơn vị bảo trì được giao đặt hàng bảo trì 3 tháng đầu năm, còn theo phương thức đấu thầu 9 tháng còn lại. Điều này khiến các đơn vị bị chậm thanh toán kinh phí, giải ngân trong thời gian dài.

Đề cập vấn đề trên, Phó cục trưởng Lê Minh Đạo cho biết, đến nay vướng mắc trên đã được tháo gỡ và sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân kinh phí bảo trì.

Năm nay, các thủ tục đấu thầu được chuẩn bị sớm hơn. Các hợp đồng bảo trì thường xuyên được thực hiện theo phương thức đấu thầu, ký hợp đồng triển khai từ đầu năm 2021. Đến nay, thủ tục giải ngân các gói thầu đạt khoảng 80% và đã giải ngân hơn 40% kinh phí.

Đối với các dự án thi công đảm bảo giao thông, một số dự án đang có tiến triển tốt hơn. Trong tháng 5 - 6/2021 đã khởi công các dự án nạo vét bãi cạn Cửa Đại trên tuyến Hội An - Cù Lao Chàm, hoàn thành thủ tục dự án nạo vét sông Ruột Lợn, chuẩn bị khởi công tuyến Tân Bằng - Cán Gáo...

“Chúng tôi tập trung bám sát, tháo gỡ vướng mắc từng dự án để đảm bảo tiến độ và cố gắng hoàn thành kế hoạch giải ngân của năm 2021”, ông Đạo cho biết.

Tăng thời hạn đấu thầu bảo trì thường xuyên

Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền cho đấu thầu một số tuyến đường thủy chính theo tiêu chí chất lượng thực hiện (gồm toàn bộ nội dung quản lý, bảo trì) với thời gian thực hiện 3 - 5 năm để đảm bảo quản lý chặt chẽ, chuyên nghiệp. Đồng thời, sẽ chủ động cho nhà thầu trong tổ chức thực hiện, đầu tư ứng dụng công nghệ, máy móc, trang thiết bị hiện đại vào dịch vụ bảo trì đường thủy.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.