Đường thủy

Thừa tiền vẫn không xóa được “điểm đen” đường thủy

11/03/2021, 10:08

Dù năm nào cũng dư thừa nguồn vốn nhưng các cơ quan quản lý tuyến vẫn không xử lý được dứt điểm các "điểm đen" đường thủy.

img

Cụm kè ngã ba sông Kinh Thầy - Kinh Môn bị sụp gãy và trở thành “điểm đen” nhưng chưa được thanh thải. Thay vào đó, năm 2020 Cục Đường thủy nội địa VN chi hơn 6 tỷ đồng để điều tiết giao thông quanh năm

Trên các tuyến đường thủy, thời gian qua có rất nhiều “điểm đen”, vị trí nguy hiểm thường xuyên xảy ra va chạm, tai nạn. Đáng nói, dù năm nào cũng dư thừa nguồn vốn, nhưng các cơ quan quản lý tuyến vẫn không xử lý được dứt điểm.

Tàu liên tục mắc cạn, va chạm

Cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2021, thuyền viên phương tiện thủy hoạt động trên tuyến sông Hồng, sông Đuống liên tục gọi điện báo bị mắc cạn, va chạm trên trên sông Hồng.

Một thuyền viên cho biết: “Từ đầu tháng 3/2021, ngày nào luồng Cao Đại - Phú Châu (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) trên sông Hồng cũng có tàu bị mắc cạn, quay ngang và ùn tắc kéo dài. Có hôm nước xuống cạn không còn biết đâu là luồng, có tàu dò dẫm cố vượt qua thì bị gãy bánh lái, mắc cạn. Đoạn này năm nào cao điểm mùa cạn cũng xảy ra tình trạng trên nhưng không được nạo vét”.

Từ Cao Đại đi ngược lên thượng lưu sông Hồng vài chục km là “điểm đen” cầu Văn Lang (cầu Ba Vì - Việt Trì) xuất hiện từ khoảng cuối năm 2019. Sau khi cầu Văn Lang xây dựng xong, đoạn luồng dài phía thượng lưu cầu có dòng chảy bị biến đổi, xiết hơn và đặc biệt nguy hiểm khi mực nước xuống thấp.

Anh Nguyễn Văn Chung, thuyền trưởng một tàu của Phú Thọ cho biết: “Đoạn này có nhiều đá ngầm nằm trong luồng khi nước xuống thấp, luồng rất hẹp, chảy xiết nên rất dễ va đá ngầm. Từ đầu năm 2021 đến nay, khu vực này thường xuyên có tàu bị gãy bánh lái, chìm đắm”.

Cụ thể hơn, Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc cho biết, luồng phía thượng lưu cầu Văn Lang, từ Km260 - Km261 có các bãi đá nằm trong luồng chạy tàu phía bờ trái, khi mực nước xuống dưới mức +7.0 gây ảnh hưởng trực tiếp đến luồng, làm cho chiều rộng luồng bị thu hẹp chỉ còn dưới 35m, phương tiện có chiều sâu mớn nước cao hơn 1,5m dễ bị đâm va, mắc cạn.

Một “điểm đen” khác cũng khiến các thuyền viên ám ảnh là khoang thông thuyền cầu Đuống trên sông Đuống. Đây vốn là “điểm đen” tồn tại nhiều năm do tĩnh không cầu thấp, dòng chảy xiên, xiết do giữa thượng và hạ lưu trụ cầu chênh nhau khiến phương tiện thủy khó đi lại trong mùa nước lớn.

Gần đây, khi mực nước tại cầu nhỏ hơn +0,5m, vật chướng ngại chỉ cách mặt nước 3m, rất dễ khiến tàu trọng tải lớn bị chạm bánh lái, gầm tàu vào trụ cầu. “Không chỉ tàu thuyền lo lắng mà anh em làm điều tiết giao thông tại đây cũng lo xảy ra tai nạn.

Từ tháng 11/2020, chúng tôi phải cảnh báo đến từng tàu về chướng ngại vật trên, song để an toàn chỉ có cách thanh thải chướng ngại vật”, đại diện Trạm điều tiết giao thông tại đây cho biết.

Thừa vốn không giải ngân hết

Theo Thông tư số 50/2017 của Bộ GTVT quy định về việc xác định và xử lý vị trí nguy hiểm trên đường thủy nội địa, các “điểm đen” TNGT đường thủy được xếp hạng ưu tiên để xử lý và phải được xử lý ngay trong trường hợp nguyên nhân tai nạn liên quan đến luồng đường thủy.

Cục Đường thủy nội địa VN có trách nhiệm xây dựng kế hoạch định kỳ, dài hạn trình Bộ GTVT phê duyệt và thực hiện xử lý vị trí nguy hiểm trên đường thủy nội địa quốc gia.

Quy định là vậy, số “điểm đen” được xử lý bằng cách thanh thải chướng ngại vật (đá ngầm, kè hỏng), nạo vét bãi cạn trên luồng trong vài năm qua khá ít, mà chủ yếu là tổ chức chốt điều tiết giao thông (quanh năm hoặc từng thời điểm), thả phao, bổ sung báo hiệu.

Như năm 2020, Cục Đường thủy nội địa VN mới thanh thải được duy nhất bãi đá ngầm tại vị trí Km74 sông Lô. Đó là lý do khiến các “điểm đen” trên tồn tại kéo dài năm này qua năm khác.

Đáng nói, từ năm 2018 - 2020, Cục Đường thủy nội địa VN được ưu tiên bố trí 1.000 tỷ đồng/năm nguồn vốn ngân sách sự nghiệp kinh tế dành cho công tác quản lý, bảo trì đường thủy, mức cao nhất so với các giai đoạn trước đó.

Tuy vậy, tìm hiểu của PV Báo Giao thông, năm nào Cục Đường thủy nội địa VN cũng không giải ngân được hết nguồn vốn trên. Cụ thể, năm 2020 số kinh phí phải trả lại ngân sách khoảng 70 tỷ đồng. Những năm trước đó còn nhiều hơn, khoảng trên dưới 100 tỷ đồng.

Một trong những lý do không giải ngân hết do công tác chuẩn bị đầu tư, đấu thầu chậm trễ. Hồ sơ đấu thầu điều tiết đảm bảo vị trí đường thủy chỉ hoàn thành sau khi đã qua thời điểm nguy hiểm, dẫn đến phải hủy gói thầu.

Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng Cục Đường thủy nội địa VN, khu vực phía Bắc có nhiều “điểm đen” nếu xử lý thanh thải chướng ngại vật cần phải có dự án. Thông thường phải đưa vào bố trí vốn kế hoạch hàng năm và cần xử lý dần, không thể xong trong 1 - 2 năm.

Về một số “điểm đen” cụ thể PV nêu như ở trên, ông Thắng cho biết, năm trước có kế hoạch xử lý thanh thải chướng ngại vật tại cầu Đuống, nhưng không có nhà thầu tham gia.

“Việc không tiêu hết nguồn vốn 1.000 tỷ đồng do nhiều nguyên nhân, trong đó do đấu thầu không có người tham gia. Cùng đó, thời gian qua xảy ra bão lũ nhiều, ảnh hưởng bởi Covid-19 nên khó triển khai. Có “điểm đen” đã được khảo sát rồi nhưng dân không đồng ý nên không làm được”, ông Thắng nêu lý do.

Chưa có kế hoạch xử lý “điểm đen” trong năm 2021

Ông Nguyễn Long, Trưởng phòng Vận tải - ATGT Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, năm 2021 lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa VN giao cho Phòng Vận tải - ATGT tham mưu công tác xử lý “điểm đen” tai nạn đường thủy, dù trước đó giao Phòng Quản lý hạ tầng. Cục Đường thủy nội địa VN cũng vừa có văn bản yêu cầu các chi cục, sở GTVT rà soát, tổng hợp các “điểm đen” cần ưu tiên xử lý; Sau đó, sẽ đi kiểm tra thực tế để đề xuất kế hoạch xử lý các điểm cụ thể.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.