Thông tin doanh nghiệp

Thuận An hiện thực hóa phương châm “góp gió thành bão”

03/03/2015, 06:45

Khi mới bước chân vào thương trường, Thuận An gặp không ít bất lợi, khó khăn từ thực tế...

831
Thi công cầu Vĩnh Hy, Ninh Chữ, tỉnh Ninh Thuận

Từ một doanh nghiệp tư nhân non trẻ, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, thương mại, nhưng với những bước đi và cách làm riêng của mình, sau 10 năm, cái tên Thuận An đã trở thành một thương hiệu mạnh và quen thuộc trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông, hạ tầng trên khắp mọi miền đất nước.

Khởi nghiệp bằng việc “lấy công làm lãi”

Công ty CP Phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An được thành lập ngày 4/8/2004 với ngành nghề kinh doanh chính là: San lấp mặt bằng, thi công các công trình thủy lợi, giao thông vận tải và hạ tầng kỹ thuật.

Nhìn lại chặng đường 10 năm của Thuận An, ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An chia sẻ: Khi mới bước chân vào thương trường, vốn xuất thân từ doanh nghiệp nhỏ, Thuận An gặp không ít bất lợi, khó khăn từ thực tế. Ngoài chuyện cạnh tranh gay gắt của các “ông lớn” là các công ty, tổng công ty xây dựng thì kinh nghiệm thi công, vốn và hệ thống trang thiết bị là rào cản lớn nhất đối với đơn vị vừa mới thành lập.

Trước thực tế đó, Ban giám đốc Thuận An đã chọn một phương án khởi nghiệp tương đối an toàn đó là lấy mảng kinh doanh nhập khẩu thiết bị phục vụ cho việc thi công hạ tầng làm chủ lực. Bên cạnh đó, công ty chủ động tìm kiếm các công trình xây dựng nhỏ lẻ để làm bàn đạp, tích lũy vốn liếng cũng như trang thiết bị.

Công việc kinh doanh đang thuận chèo mát mái thì khủng hoảng tài chính năm 2008 diễn ra. Công ty rơi vào cảnh khó khăn do thiết bị nhập khẩu mua về không bán được. Các hợp đồng xây lắp đã ký thì bị trượt giá 30- 40%, dẫn đến cảnh thiếu hụt nguồn vốn trầm trọng. Trước nguy cơ có khả năng giải thể công ty, ông Nguyễn Duy Hưng đã đứng ra mua lại toàn bộ cổ phần của các thành viên sáng lập và tiến hành cơ cấu lại công ty. “Giải pháp đầu tiên là chúng tôi thanh lý toàn bộ thiết bị đã nhập khẩu. Với nguồn vốn thu về, công ty cơ cấu lại tổ chức, tinh gọn bộ máy và tập trung toàn bộ nguồn lực vào lĩnh vực xây dựng giao thông làm định hướng phát triển”, ông Hưng nói.

Sắp xếp xong bộ máy, những người thợ cầu Thuận An bắt đầu “khởi nghiệp” bằng việc tham gia thi công những công trình cầu đường giao thông nhỏ, kênh mương có giá trị thấp, nằm rải rác ở các địa phương: Nghệ An, Bắc Ninh, Hòa Bình… Thậm chí, sẵn sàng nhận thi công những công trình ở vùng sâu, vùng xa như cầu Châu Hồng 2, cầu Nậm Giải - huyện Quế Phong, sửa chữa QL48 ở Quỳ Hợp - Nghệ An.

Theo Tổng giám đốc Nguyễn Duy Hưng, do quân số còn hạn chế, quá trình thi công, Thuận An phải linh hoạt bằng cách chủ động thuê nhân công, thiết bị bên ngoài thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng bàn giao cho chủ đầu tư. Thậm chí Thuận An còn chấp nhận làm các công trình theo hình thức chỉ “lấy công làm lãi” để xây dựng uy tín và thương hiệu của mình.

Lúc này, với mục tiêu tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của Thuận An, Ban giám đốc công ty quyết định dành toàn bộ lợi nhuận thu được từ các dự án, công trình dành cho việc đầu tư mua sắm trang thiết bị, đổi mới công nghệ thi công, tiếp tục vươn tới những công trình đòi hỏi kỹ thuật thi công khó, phức tạp hơn.

“Thử lửa” những người thợ cầu

6 năm từ khi thành lập, năm 2010, Thuận An bắt đầu lớn mạnh, bộ máy hoạt động lên đến trên 500 người, gồm 10 đội thi công, hàng trăm cán bộ, kỹ sư,... Đây cũng là thời điểm mà lãnh đạo công ty phải chịu nhiều áp lực bởi câu chuyện tìm việc làm ổn định cho đội ngũ kỹ sư, công nhân. Cùng với việc tiếp tục tham gia đấu thầu nhiều công trình, dự án có quy mô lớn vượt con số cả trăm tỉ đồng và đòi hỏi công nghệ hiện đại, kỹ thuật thi công phức tạp, thời điểm này, Ban lãnh đạo Thuận An đã đi đến một phương án tiếp theo về mô hình hoạt động.

Quyết định chuyển đổi mô hình hoạt động từ công ty cổ phần sang hình thức công ty mẹ - công ty con đã ra đời ngay sau đó được cho là quyết định đúng đắn, mang lại hiệu quả tức thì.

Đầu tiên là việc Thuận An trúng thầu thi công gói thầu XL9 dự án nâng cấp QL49 (Thừa Thiên - Huế - biên giới Việt Lào) năm 2010, đây cũng là dự án khó thực hiện nhất từ trước đến nay với Thuận An.

10 năm xây dựng và trưởng thành, Thuận An đã được nhận các phần thưởng về việc luôn hoàn thành công trình đảm bảo chất lượng và tiến độ, được Bộ GTVT xếp hạng là Nhà thầu xây lắp uy tín, nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của Chủ đầu tư và các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Thuận... vì có thành tích xuất sắc trong thi công các công trình và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Kỹ sư Trần Ngọc Tú, người trực tiếp chỉ huy công trường thi công lúc bây giờ cho biết: Những người thợ cầu Thuận An đã thực sự được “thử lửa” khi đảm nhận thi công bốn cầu cạn trong khu vực huyện miền núi A Lưới - đoạn đường cánh lái xe hay gọi là “đường về trời”. Quá trình thi công, không chỉ vượt qua những khó khăn về địa hình như núi cao, vực sâu, sự khắc nghiệt của thời tiết, thiếu nước thi công, nước sinh hoạt, mà những người thợ cầu Thuận An còn phải đối mặt với nỗi lo phơi nhiễm chất độc da cam, tàn tích bom mìn còn lưu lại sau chiến tranh. Khó khăn trăm bề nhưng xác định đây là công trình đặc biệt, có ý nghĩa về kinh tế và chính trị to lớn, công ty đã tập trung nhân lực, máy móc thiết bị hiện đại lên công trường để đào đắp một khối lượng lớn đất đá và xây dựng bốn cầu cạn nằm trong đường cong với địa chất phức tạp đảm bảo đúng tiến độ.

Công trình hoàn thành giải quyết cơ bản các dốc cao, đoạn cua gấp khúc, rút ngắn khoảng cách và đảm bảo cho các phương tiện lưu thông thuận tiện và an toàn. Cái tên Thuận An từ đó cũng được các chủ đầu tư trong khu vực nhắc đến nhiều hơn.

Thành công nối tiếp thành công, năm 2011, Thuận An tiếp tục trúng thầu Gói thầu xây dựng 3 cầu trên QL1, đoạn Diễn Châu - Quán Hành tỉnh Nghệ An với giá trị trên 200 tỷ đồng. Đây là niềm tự hào của Tập thể CBNV Công ty Thuận An bởi vì qui mô và giá trị thầu của dự án đạt mức cao kỷ lục so với các hợp đồng thi công mà Thuận An đã ký kết trước đây, đảm bảo nguồn công việc ổn định cho đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân của công ty.

Rồi các dự án Cầu vượt đường sắt QL1 qua thị xã Tam Điệp, Ninh Bình; cầu Cửa Nhượng - Hà Tĩnh; dự án nâng cấp QL1A đoạn qua Thừa Thiên- Huế; Dự án nâng cấp QL39...

Không ngừngchinh phục những tầm cao

Sau 10 năm, hiện Thuận An đã có 6 đơn vị thành viên, 15 đội thi công hoạt động trên địa bàn cả nước với 145 cán bộ, kỹ sư các ngành và 655 công nhân kỹ thuật lành nghề, gần 500 thiết bị thi công các loại được nhập từ các nước tiên tiến như: Mỹ, Nhật, Đức, Hàn Quốc... Ngoài ra, để chủ động các phương án thi công, Thuận An còn có một lượng lực “vệ tinh” chuyên nghiệp sẵn sàng bổ sung khi cần thiết, sẵn sàng đảm nhận thi công các công trình đòi hỏi kỹ mỹ thuật và chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế.

Các năm gần đây, Thuận An đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, nhất là ở chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, đầu tư và nâng cao thu nhập của người lao động. Nếu như năm 2011 doanh thu từ xây lắp mới chỉ đạt trên 300 tỷ đồng, thì đến năm 2013, con số này đã tăng lên gấp đôi, đạt 611 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động 9 triệu đồng/ tháng.

Hiện, Thuận An đang đảm nhận thi công nhiều công trình trọng điểm trải dài trên cả nước: Ba công trình trọng điểm trên QL1, Dự án đường cao tốc Quảng Ninh - Hải Phòng, Dự án phát triển đồng bằng sông Cửu Long, Dự án cải tạo mạng lưới GTVT lần thứ 2…

“Có được những kết quả trên, không chỉ có sự nỗ lực cố gắng của Ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ công nhân viên của công ty mà còn là sự quan tâm, tạo điều kiện của các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo chính quyền và ban ngành của các địa phương. Nhờ đó, Thuận An có thêm nhiều cơ hội khẳng định vị thế của mình, không ngừng lớn mạnh, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp có uy tín, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước hướng tới mục tiêu xây dựng hình ảnh Thuận An tỏa sáng bằng thương hiệu “Nhịp cầu nối ước mơ xa” - ông Nguyễn Duy Hưng chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.