Chuyện dọc đường

Thuận tiện nhưng phải đồng bộ

24/05/2017, 08:43

Những năm qua, Bộ GTVT tiên phong và tích cực nhất tham gia dịch vụ công trực tuyến.

12

Dù đã được trả kết quả đăng kiểm trực tuyến, người dân vẫn phải đến lấy bản kết quả giấy để xuất trình khi đi đăng ký xe

Những năm qua, Bộ GTVT tiên phong và tích cực nhất tham gia dịch vụ công trực tuyến. Minh chứng cho điều này là đến nay, khoảng 50% dịch vụ công trực tuyến của Bộ GTVT được triển khai ở cấp độ 3-4, cao hơn bất cứ bộ, ngành nào khác. 

Cùng đó, năm 2016, Bộ GTVT cũng vượt qua 19 bộ, ngành và dẫn đầu trong chỉ số xếp hạng dịch vụ công trực tuyến theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam 2016 (Vietnam ICT Index 2016).

Hiệu quả của việc này không phải bàn cãi, nó giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, giúp các cơ quan Nhà nước công khai hóa, minh bạch hóa thủ tục hành chính, tránh được tình trạng “hành là chính”, phòng ngừa được tiêu cực, hết chỗ cho các loại “cò” hồ sơ, thủ tục...

Dịch vụ công trực tuyến nếu được thực hiện ở mức cao nhất, khi đó tất cả hồ sơ từ mức phí, số thứ tự... đều hiển thị trên màn hình máy tính, công sở văn minh hơn, người dân và doanh nghiệp “sướng” hơn, chi phí xã hội giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, dịch vụ công trực tuyến sẽ không thể “đến nơi, đến chốn”, không thể phát huy hiệu quả tối đa nếu thiếu đi sự đồng bộ.

Đồng bộ ở đây phải được hiểu là việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến rộng khắp ở các bộ, ngành, ở mọi lĩnh vực. Hoạt động của người dân, doanh nghiệp không có chuyện chỉ liên quan, khu trú trong ngành này, lĩnh vực này mà thường xuyên liên quan đến nhiều bộ, ngành khác. Nếu “anh này trực tuyến mà anh kia vẫn thủ công” quả thật khập khiễng, làm giảm đáng kể hiệu quả và phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của người dân, doanh nghiệp.

Ở chiều ngược lại, đồng bộ còn được hiểu là có dịch vụ công trực tuyến, cũng phải có những người dân, doanh nghiệp am hiểu công nghệ thông tin, không ngại ứng dụng công nghệ thông tin. Thực tế, không hiếm trường hợp biết rõ có thể khai báo thủ tục trên mạng, người dân vẫn chọn cách đến tận nơi để làm trực tiếp, phần vì không hiểu về internet nên “sợ bàn phím”, sợ ứng dụng công nghệ.

Để có thêm nhiều người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, phát huy tối đa hiệu quả của việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cơ quan chức năng cần triển khai đồng bộ, tạo dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông, kết nối tốt nhất, bảo mật nhất, đồng thời phải đơn giản, ít thao tác, dễ sử dụng nhất. Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2020 hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 và 4. Nhưng “cung” mà không đồng bộ thì hiệu quả cũng chỉ nửa vời, thậm chí vô ích, lãng phí. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.