Chuyện dọc đường

Thực hiện mục tiêu kép, vận tải phải liên thông

07/06/2021, 06:00

Vấn đề quản lý vận tải hàng hoá và hành khách ra vào khu vực có dịch cho thấy bài học “giải cứu nông sản ở Hải Dương” chưa thực sự được rút ra.

img

Xe chở vải thiều Bắc Giang xuất khẩu được đi luồng ưu tiên. Ảnh minh họa: VNE

Là một trong những điểm sáng hiếm hoi trên thế giới về phòng chống dịch Covid-19 nhưng đợt bùng phát lần thứ 4 (tính từ 27/4/2021) với những biến chủng mới, nguy hiểm hơn, đã lan rộng đến 37 tỉnh, thành phố và tiếp tục diễn biến phức tạp.

Thời gian qua, với tinh thần chủ động, quyết liệt, cấp uỷ, chính quyền mỗi địa phương có dịch đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch khác nhau, tuỳ thuộc tình hình cụ thể.

Đây là chiến lược tiếp cận phù hợp nhất để thực hiện cho được mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế”.

Mặc dù đã có những tín hiệu khả quan sau những nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng tâm nhất trí của toàn thể nhân dân, nhưng rõ ràng cũng có những việc cần và có thể làm tốt hơn nếu chúng ta áp dụng công nghệ.

Chẳng hạn như vấn đề quản lý vận tải hàng hoá và hành khách ra vào khu vực có dịch. Sự lúng túng trong tiêu thụ nông sản ở Bắc Giang cho thấy bài học “giải cứu nông sản ở Hải Dương” trong đợt dịch trước chưa thực sự được rút ra.

Hay như câu chuyện kiểm tra tình trạng khai báo y tế làm phát sinh ùn tắc giao thông tại các chốt ra vào quận Gò Vấp, TP.HCM...; rồi tỉnh Đồng Nai yêu cầu người từ TP.HCM về phải cách ly y tế 21 ngày (rất may biện pháp này đã kịp thay đổi phù hợp sau khi có những ý kiến phản biện của dư luận).

Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương cần thống nhất áp dụng quản lý vận tải bảo đảm kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không “ngăn sông cấm chợ”, không gây ách tắc hoạt động vận tải hay ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch UBND các tỉnh cần trao đổi, thống nhất với các địa phương có liên quan để thống nhất áp dụng biện pháp trong quản lý hoạt động vận tải.

Các địa phương thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người tham gia vận tải hàng hóa, vận chuyển vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch, sản xuất kinh doanh và người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp...; xử phạt nghiêm các trường hợp không khai báo, khai báo không trung thực.

Cũng cần khẳng định rằng những chỉ đạo về thực hiện khai báo y tế đối với tất cả người điều khiển, nhân viên phục vụ, hành khách và hàng hoá tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải thương mại đã được ngành GTVT áp dụng ngay từ những đợt bùng phát dịch đầu tiên.

Tuy nhiên, trong đợt bùng phát thứ 4 này, Covid-19 đã và đang tấn công trực diện vào các khu công nghiệp, các trung tâm sản xuất, phân phối lớn của các địa phương và cả nước.

Trong khi chúng ta cần phải vừa chống dịch thành công, vừa duy trì sản xuất, không để dứt gãy chuỗi cung ứng trong nước cũng nhưng chuỗi cung ứng toàn cầu mà khó khăn lắm chúng ta mới có thể tham gia được.

Rõ ràng, để kiểm soát chặt chẽ tình trạng dịch tễ của hàng chục ngàn lái xe, phụ xe, hàng trăm ngàn công nhân, lực lượng chức năng hoạt động trong vùng dịch, ra vào vùng dịch, trong khi vẫn đảm bảo dòng hàng hoá và dịch vụ thông suốt, đáp ứng tiêu chí tối thượng của logistics là “Just in time”, thì lời giải chính là “công nghệ”.

Đây cũng là chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng Chính phủ đối với công tác chống dịch nói chung và của Bộ trưởng Bộ GTVT đối với hoạt động vận tải từ những đợt bùng phát đầu tiên của Covid19.

Để đảm bảo áp dụng công nghệ cho toàn bộ hoạt động vận tải trong điều kiện chống dịch sẽ là một công việc cần có thời gian dài hơn. Nhưng trước mắt chúng ta cần trả lời câu hỏi: “Làm sao để việc kiểm soát tình trạng dịch tễ và khai báo y tế ra vào khu vực có dịch hoặc tại cửa khẩu chặt chẽ nhưng nhanh chóng, không gây ùn tắc?”.

Rất may mắn là Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch và các Bộ, ngành trong thời gian vừa qua đã nghiên cứu và triển khai rất hiệu quả nhiều ứng dụng công nghệ trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt là tờ khai y tế điện tử tokhaiyte.vn) và ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần (Bluezone)...

Tuy nhiên, những thông tin khai báo y tế di chuyển nội địa khá đơn giản, áp dụng cho tất cả mọi đối tượng, chưa có những thông tin cụ thể cần thiết, như thông tin xét nghiệm y tế (đã xét nghiệm chưa, ngày nào, phương pháp nào..) hiện nay đang quy định đối với lái xe và phụ xe. Thậm chí thông tin đã được tiêm vaccine hay chưa, mũi thứ mấy, loại nào, ngày tiêm… cũng nên bổ sung.

Thêm nữa, cũng có thể cải thiện đẩy nhanh tốc độ kiểm tra, nhận biết và thông qua cổng kiểm soát nếu chúng ta áp dụng nguyên tắc thu phí không dừng.

Ông Lâm Thiếu Quân, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ Tiên phong (ITD) cho rằng, nếu đề nghị mọi người vào khu vực kiểm soát có điện thoại thông minh và cài đặt Bluezone thì tại các chốt nên phân thành các làn ra, vào (giống như làn thu phí không dừng), mỗi làn đặt 1 thiết bị nhận diện sử dụng công nghệ Bluetooth để kết nối với smartphone của người đi qua cùng với camera nhận diện biển số xe.

Nếu thông tin khai báo y tế đầy đủ thì người đó qua lại bình thường, nếu thông tin còn thiếu hoặc không khai báo thì có thể chụp hình biến số xe và gửi cho lực lượng chức năng để dừng xe yêu cầu thực hiện khai báo y tế.

Một chuyên gia khác, hiện cũng đang phối hợp rất chặt chẽ với Ban Chỉ đạo phòng chống Covid19, thì cho rằng chỉ cần sử dụng camera nhận dạng biển số xe tại chốt kiểm soát, vì trong thông tin khai báo y tế hiện nay đã có thông tin biển số xe của người khai.

Khi người khai báo đầy đủ đi có thể đi qua bình thường, nếu chưa khai báo hoặc không có smartphone thì biển số xe sẽ được gửi cho lực lượng chức năng tại khu vực chốt để dừng xe yêu cầu hoàn thiện khai báo.

Theo cả 2 chuyên gia thì cần bổ sung thêm cho Bluezone một chức năng kiểm soát, dành cho cơ quan chức năng. Các chuyên gia đều khẳng định nếu áp dụng một trong hai cách nêu trên thì đa số người và phương tiện có thể tự động lưu thông mà không phải dừng lại khai báo bằng giấy hay QR code tại trạm kiểm soát...

Trên đây chỉ là những gợi ý ban đầu của các chuyên gia công nghệ dành để trả lời câu hỏi ở trên.

Tôi tin tưởng rằng, với tinh thần “chống dịch như chống giặc” thì những gợi ý này sẽ rất nhanh chóng được các cơ quan chức năng tiếp nhận, nghiên cứu và triển khai trong thực tế để Việt Nam lại tiếp tục chiến thắng Covid19, đồng thời thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế theo đúng tinh thần Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

TS. Khuất Việt Hùng (Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia)

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.