Thời sự Quốc tế

Thực hư Bắc Kinh đã tạo cơ sở pháp lý để triển khai quân ra nước ngoài?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa ký một văn bản chỉ đạo "các hoạt động quân sự phi chiến tranh” (NWMA).

Văn bản mới ưu tiên vào vấn đề nội bộ

Cụ thể, theo thông tin từ Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc - CCTV, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đồng thời cũng là chủ tịch Quân ủy Trung ương nước này, vừa ký văn bản chỉ đạo "các hoạt động quân sự phi chiến tranh” (NWMA), có hiệu lực từ ngày 15/6.

Theo CCTV, văn bản này sẽ giúp ngăn chặn và giảm thiểu rủi ro và thách thức, giải quyết các nhiệm vụ khẩn cấp, bảo vệ sự an toàn và tài sản của người dân, bảo vệ chủ quyền, lợi ích an ninh và phát triển của Trung Quốc, cũng như duy trì hòa bình toàn cầu và ổn định khu vực.

Sau động thái trên, đã có một bộ phận dư luận quốc tế hoài nghi về mục đích của việc ra văn bản trên, trong đó có một số hãng tin phương Tây cho rằng đây có thể là nền tảng pháp lý cho các hoạt động can thiệp quân sự bên ngoài lãnh thổ với khái niệm mới “hoạt động quân sự phi chiến tranh”.

img

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký lệnh mới quy định vai trò của quân đội nước này trong các tình huống phi chiến tranh. Nguồn: AP

Tuy nhiên, tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) dẫn lời nhiều chuyên gia Trung Quốc cho rằng, văn bản này sẽ chỉ quy định các nhiệm vụ quân sự phi truyền thống của PLA, chẳng hạn như cứu trợ thảm họa, viện trợ nhân đạo, gìn giữ hòa bình cũng như ứng phó với các cuộc khủng hoảng chính trị trong và ngoài nước.

Ông Zhou Chenming, một nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, cho biết văn bản chỉ đạo trên được soạn thảo dựa trên sự kết hợp giữa khái niệm "hoạt động quân sự khác với chiến tranh" - do Mỹ đưa ra vào những năm 1990 - và từ chính kinh nghiệm của PLA trong quá trình hoạt động những năm gần đây.

Ông Zhou nói: “Văn bản này sẽ là cơ sở pháp lý để Quân ủy trung ương quản lý và chỉ huy các nhiệm vụ phi chiến tranh hiệu quả hơn, đặc biệt là các chiến dịch hỗ trợ những thảm họa lớn như trận động đất ở Tứ Xuyên năm 2008 và sự bùng phát của đại dịch virus corona ở Vũ Hán vào năm 2019".

Còn theo ông Ni Lexiong, Giáo sư tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải, NWMA được đưa ra là nhằm răn đe chính trị đối với bất kỳ lực lượng nào muốn gây mất ổn định trật tự xã hội, kinh tế và chính trị trong nước.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tích lũy kinh nghiệm trong việc huy động quân đội để hỗ trợ giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng nội bộ khác nhau trong những thập kỷ qua. Việc đưa ra NWMA sẽ nhắc nhở một số thế lực thù địch rằng họ sẽ phải đối mặt với những hậu quả nặng nề nếu thách thức tính hợp pháp của đảng”, ông Ni nói.

Không phải là cơ sở để triển khai quân đội ra nước ngoài

Bình luận về mục tiêu của văn bản trên, nhiều chuyên gia đã thông tin với tờ SCMP rằng đây không phải là cái cớ để tạo điều kiện cho Trung Quốc triển khai lực lượng quân sự chống lại các nước khác.

Trung tá PLA đã nghỉ hưu Zeng Zhiping, một chuyên gia về luật quân sự tại Đại học thành phố Tô Châu cho biết, khi lực lượng Trung Quốc tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình, họ phải tuân thủ cả Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp địa phương.

Ông Zeng nói: “Quân ủy trung ương có quyền chỉ huy PLA thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào trong nước. Nhưng khi quân đội Trung Quốc muốn tham gia vào các nhiệm vụ phi chiến tranh ở nước ngoài, họ phải nhận được sự cho phép về mặt pháp lý từ cả Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước chủ nhà”.

Trước đó, vào năm 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình từng nhắc tới việc sẽ thành lập một lực lượng dự phòng gồm 8.000 lính gìn giữ hòa bình. Hiện có khoảng 2.500 người đang làm nhiệm vụ này, với một số hoạt động được triển khai tới các quốc gia như Afghanistan và Pakistan, nơi công dân Trung Quốc đang trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công khủng bố.

Vào ngày 26/4, ba giáo viên Trung Quốc của Viện Khổng Tử và tài xế địa phương đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom liều chết tại một trường đại học ở Karachi. Và vào tháng 7 năm ngoái, cũng tại Pakistan, 9 công nhân Trung Quốc đã bị các tay súng Hồi giáo giết hại trong một vụ đánh bom liều chết khác.

Cả hai chuyên gia Zeng và Zhou đều cho rằng đây không thể là cơ sở pháp lý để Quân ủy trung ương Trung Quốc đơn phương gửi quân đội tới Pakistan hoặc bất kỳ quốc gia nào khác để bảo vệ tài sản và công dân Trung Quốc.

Đặc biệt, về trường hợp Đài Loan và các tranh chấp lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, ông Ni Lexiong cho rằng NWMA không nhắm đến xây dựng cơ sở pháp lý cho những vấn đề này.

Trên thực tế, vấn đề Đài Loan đã được quy định trong một đạo luật khác. Vào năm 2005, đạo luật Chống ly khai, được Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc thông qua, cho phép sử dụng vũ lực để đưa Đài Loan quay về với Trung Quốc đại lục.

Ông Zhou cũng cho biết PLA có thể có hành động quân sự với Đài Loan theo đạo luật năm 2005 nếu Bắc Kinh tin rằng hòn đảo này đã vượt qua “lằn ranh đỏ”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.