Bạn cần biết

Thực hư bấm huyệt, thiền, yoga chữa được cận thị

04/03/2016, 09:04

Theo các bác sỹ, bấm huyệt, thiền hay tập yoga… chỉ là những biện pháp hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân cận thị.

16

Bị cận thị người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để khám, chữa bệnh sẽ mang lại kết quả tốt nhất - Ảnh: Tạ Tôn

Bỏ kính không cần phẫu thuật (?)

Háo hức với lời giới thiệu “giúp cải thiện thị lực, bỏ kính mà không cần phẫu thuật”, anh Hoàng Hùng Long (trú tại Ba Đình, Hà Nội) mạnh dạn nhấc điện thoại lên nhờ tư vấn trước khi đăng ký cho cậu con trai đang học lớp 4, cận thị 2.5 điốp. Theo lời khẳng định của tư vấn viên: “Nếu tham gia khóa tập này, chắc chắn thị lực của trẻ sẽ cải thiện, hoàn toàn có thể bỏ kính và nhìn xa với thị lực 10/10. Nhiều trẻ chỉ cần theo 6-8 buổi tập là có thể không phụ thuộc vào kính rồi”. Theo lời anh Long, anh sẽ tiếp tục tham khảo thêm trước khi quyết định đăng ký cho con tham gia.

Trên trang fanpage Chữa cận thị, admin khẳng định chữa cận thị cho mọi lứa tuổi bằng phương pháp day huyệt; Đồng thời còn “nhận hợp đồng chữa cận thị cho các trường học với khóa học 15 ngày”. Theo tìm hiểu, rất nhiều bậc phụ huynh đã không tiếc tiền chi cho các trung tâm, dịch vụ có tên gọi “chữa cận thị” hay “cải thiện thị lực triệt để” với mong muốn con trẻ không phải phụ thuộc vào kính. Tuy nhiên, phần lớn mọi người vẫn rất hoài nghi về sự thật của việc chữa cận thị hay cải thiện thị lực đối với người vốn đã mắc cận thị. Ví như trường hợp con gái của chị Nguyễn Minh Anh (trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) đi khám được các bác sĩ kết luận cận thị 2 điốp buộc phải điều trị bằng phương pháp đeo kính. Nghe lời giới thiệu của bạn bè trên mạng xã hội, chị đăng ký cho con tham gia khóa học “Tập mắt kết hợp với thiền, yoga với cam kết khôi phục thị lực cho trẻ”, với giá tiền không hề rẻ là 3,8 triệu đồng. Sau 18 buổi tập, chị Mai Anh chia sẻ: “Vừa mất tiền, vừa mất thời gian đưa đón con và không thấy hiệu quả đâu cả. Con bé nhà chị mắt giờ vẫn gắn với kính”.

Chỉ có tác dụng với cận thị giả

Chia sẻ với Báo Giao thông, TS. BS. Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó trưởng khoa Khúc xạ BV Mắt T.Ư khẳng định: “Nếu chỉ sử dụng các biện pháp như tập mắt, thiền, yoga hay bấm huyệt hoàn toàn không thể chữa được cận thị, bởi theo y văn, phương pháp điều trị cận thị được chia làm 2 loại. Cụ thể, với trẻ em dưới 18 tuổi điều trị bằng đeo kính (kính gọng hoặc kính tiếp xúc) điều chỉnh khúc xạ; Còn với người trưởng thành trên 18 tuổi, độ cận ổn định có thể điều trị bằng can thiệp phẫu thuật”. Ngoài ra, gần đây có thêm phương pháp điều trị mới là đeo kính áp tròng ban đêm, kính tiếp xúc cứng có tác đụng đè ép giác mạc trung tâm, tuy nhiên phương pháp này chỉ chỉ định trường hợp cận thị có tiến triển nhanh. Ví như bệnh nhân cận thị tăng 1 độ trong 1 năm, chỉ định điều trị này có kết quả tốt.

"Thay vì thời gian đưa con đến ngồi thiền tập mắt, gây sự mệt mỏi cho trẻ, phụ huynh nên cho trẻ tham gia môn thể thao ngoài trời sẽ bổ ích hơn nhiều. Đó chưa kể đến việc kiểm soát về mặt chuyên môn tại những nơi này có thể bị bỏ ngỏ…"

BS. Nguyễn Thị Thu Hiền
Phó trưởng khoa Khúc xạ
BV Mắt T.Ư

Bên cạnh các phương pháp điều trị trên, bác sĩ còn tư vấn bổ sung vitamin hỗ trợ thị lực, cải thiện môi trường sinh hoạt với việc tăng thời gian vận động ngoài trời, giảm thời gian trong nhà, hay thời gian nhìn gần… điều chỉnh các yếu tố liên quan mật thiết xuất hiện và tiến triển của cận thị.

“Khi đã bị cận thị, tuyệt đối không bao giờ bỏ kính bởi không một bệnh nhân có thể tự khỏi cận mà không có sự can thiệp phẫu thuật”, BS. Hiền khuyến cáo.

Theo BS Nguyễn Thị Thu Hiền, phương pháp như day ấn huyệt, ngồi thiền hay các bài tập mắt… thực chất chỉ giúp kích thích, thư giãn cơ mi mắt. “Những phương pháp giúp thả lỏng cơ thể, mắt được nghỉ sẽ có thể hạn chế tốc độ tăng số nhưng không thể làm trẻ phục hồi thị lực được”, BS. Hiền nhận định.

Trước dẫn chứng khẳng định đã khỏi cận thị thông qua các phương pháp tập luyện mắt, BS. Hiền cho rằng trường hợp này chỉ xảy ra đối với nhóm cận thị giả. “Hiện tượng cận thị giả giờ không còn là hiếm. Nhóm này thường gồm những người có thời gian làm việc với máy tính liên tục, quá dài nên dễ gây ra rối loạn đáp ứng điều tiết, khiến mắt nhìn xa mờ và khi đeo thử kính cận thì thấy mắt nhìn rõ lên. Chính điều này dẫn đến ngộ nhận cận thị”, BS. Hiền cho biết. Tuy nhiên, với những trường hợp cận thị giả thì sau thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, dừng nhìn gần thì hiện tượng cận thị này sẽ tự hết. “Chính việc người bệnh tự ý đến khám tại các cơ sở y tế thiếu chuyên khoa về tật khúc xạ nên dễ dẫn đến kết luận cận thị giả. Không hiếm người từ giả thành thật vì sơ xuất này”, BS. Hiền khuyến cáo.

img

Đường sắt Ấn Độ đưa yoga vào chương trình đào tạo bắt buộc

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.