Đời sống

Thực hư chuyện “đầu thai” ở xứ Mường

21/03/2020, 06:42

Ở thị trấn Mai Châu, Hoà Bình, chuyện những đứa trẻ, thậm chí cả người lớn tuổi bỗng nhận một người xa lạ làm bố mẹ, anh em đã từng xảy ra.

img
Cụ Hà Thị Lệ (phải) và cụ Hà Thị Sung kể chuyện “con đầu thai” với phóng viên

Nhưng việc đó chỉ giúp họ có thêm bố mẹ, anh em, không gây xáo trộn gì đến cuộc sống, cũng không làm ảnh hưởng gì đến phong tục tập quán của người dân nơi đây.

Khi những đứa trẻ nhận người lạ làm bố mẹ

Nếu nói như ở dưới xuôi, thì các bé có thêm bố mẹ đỡ đầu, bố mẹ nuôi, thì ở trên này, với góc nhìn của đồng bào Mông, Thái, câu chuyện nhận bố mẹ “tiền kiếp”, “đầu thai” có thể huyền bí hơn, nhưng cũng đều chỉ đem đến những điều tốt đẹp, nối yêu thương thêm dài hơn.
Ông Hà Trọng Lưu, Chủ tịch UBND xã Chiềng Châu


Dù mọi việc đã xảy ra từ lâu, song câu chuyện “đầu thai” chưa khi nào khiến người dân thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình bớt xôn xao.

Những người dân bản Chiềng Châu cho biết, Hà Thị Mai Anh (SN 1995), con của anh Hà Văn Bái và chị Hà Thị Tý ở xóm Chiềng Châu đã lập gia đình và theo chồng về ở nơi khác. Anh chị Bái - Tý cũng không có nhà.

“Trước khi lập gia đình, cháu Mai Anh cũng chào hỏi, xin phép bố mẹ “tiền kiếp” ở bản Nhót, xã Nà Mèo, huyện Mai Châu”, ông Hà Văn Cươm, người quen của gia đình cho biết.

Theo ông Cươm, từ ngày cháu Mai Anh nhận bố mẹ bên ấy, nhà anh chị Bái - Tý và nhà bên kia thân thiết như những người trong gia đình. Mai Anh vẫn sống với bố Bái mẹ Tý, nhưng có thêm một một gia đình nữa để đi lại, thăm nom, coi như bố mẹ đỡ đầu của mình.

Kể về trường hợp “đầu thai” của Mai Anh, ông Cươm cho biết, anh Bái và chị Tý anh lấy nhau từ năm 1990 nhưng hiếm muộn, mãi 5 năm sau mới sinh được Mai Anh. Do hiếm muộn, nên anh Bái chị Tý yêu chiều con lắm. Từ lúc mới sinh cho tới khi Mai Anh 4 tuổi, mọi sinh hoạt đều bình thường như những đứa trẻ khác.

Trong một lần đi đám cưới người quen ở trên Na Mèo, vợ chồng anh Bái bận làm giúp cỗ cưới nên để Mai Anh cho mọi người trông giúp. Sau khi xong việc, anh Bái đi tìm thì thấy con gái mình đang chạy theo một người phụ nữ lạ, khóc gọi “Mẹ ơi!”.

Tưởng con nhầm mẹ, chị Tý vội chạy ra gọi con, nhưng Mai Anh vẫn như không nhìn thấy mẹ đẻ, mà tiếp tục chạy theo người phụ nữ lạ. Thấy vậy, mọi người mới xúm vào hỏi thử: “Vậy bố mẹ cháu tên là gì, nhà ở đâu?”, thì Mai Anh nói rằng mình là con của ông bà Lường Văn Tuấn - Hà Thị Ân ở bản Nhót, có anh trai tên Lường Văn Tú, còn bản thân mình tên là Lường Văn Hải.

Người phụ nữ lạ nghe cháu nhỏ nói vậy thì giật bắn người, vì bà chính là Hà Thị Ân, và Hải là tên cậu con trai đoản mệnh của bà đã mất khi lên 4. Bà Ân vội xin phép đưa Mai Anh về nhà. Khi về đến nhà bà Ân, kỳ lạ thay, Mai Anh gọi tên chính xác từng ông bà, cô bác tới chơi, cháu còn nhận ra quần áo, nơi mà “trước đây” cháu Hải từng nằm ngủ.

Chỉ là có thêm bố mẹ, anh em

img
Người xóm Văn không ai là không biết câu chuyện con đầu thai

Ông Cươm cho biết, việc “đầu thai” ở Mai Châu từ thuở xưa đến bây giờ vẫn có, đây là những câu chuyện tâm linh mà cả các bậc cao niên đến chính quyền, cơ quan chức năng cũng chưa giải thích được. Như trường hợp con gái của ông Hà Văn Tun ở bản Văn là Hà Thị Tiên mới được 5 tuổi thì mất sau một tai nạn, khiến vợ chồng ông Tun thương nhớ khôn nguôi.

Bỗng một ngày, nhà ông Tun có khách, là cặp vợ chồng ở xóm Bướt, xã Chiềng Yên huyện Vân Hồ (Sơn La) cách bản Văn khoảng 30km đưa con gái nhỏ đến chơi. Cô con gái nhỏ tên Nhung lúc đó chừng 3 - 4 tuổi vừa bước vào nhà ông Tun đã cất tiếng gọi bố mẹ, rồi bắc ghế để lấy mác lẹ (tên một loại quả rừng có vỏ cứng, tròn và dẹt - PV) được giấu trên cột tre làm xà nhà và nói rõ tên của bố mẹ, anh chị em trong nhà.

Cô bé còn đòi cả những đồ chơi trước đây vẫn thường thích chơi, rồi chạy tung tăng trong nhà như đã quen thuộc lắm. Trong lúc vợ chồng ông Tun nước mắt lưng tròng nhìn ngắm Nhung mà ngỡ tưởng con gái nhỏ đã về, thì vợ chồng người khách cũng đành bàng hoàng xác nhận, Nhung là “đứa con” của gia đình ông Tun “lộn” về nhà họ.

Theo đó, cặp vợ chồng lạ kể, khi Nhung được 3-4 tuổi có nói với ông bà rằng nhà bố mẹ đẻ ở trong bản Văn. Thấy lạ, bố mẹ đẻ của Nhung gặng hỏi rõ tên địa chỉ của gia đình ông Tun ở đâu, làm gì và người như thế nào. Nửa tin nửa ngờ, bố mẹ Nhung liền đưa Nhung xuống bản Văn và tìm đến nhà ông Tun. Để rồi từ đó, hai nhà thân thiết, gắn bó với nhau như ruột thịt.

Xác nhận câu chuyện này, cụ Hà Thị Lê (80 tuổi ở bản Chiềng Châu) cho biết: “Chuyện con đầu thai ở đây có lâu lắm rồi, không phải giờ mới có, ở Mai Châu này cũng đã có nhiều trường hợp như vậy rồi. Ngay như anh trai cả của tôi đây, cũng lấy vợ có con rồi mới đi nhận bố mẹ “tiền kiếp” cũng từ những vật dụng như đồ chơi, quần áo... mới nhận ra nhau. Bây giờ anh trai tôi mất rồi, con cái hai nhà vẫn đi lại, thăm nom nhau bình thường như người thân thiết và sống vui vẻ với nhau”.

Không gây xáo trộn

Ông Hà Trọng Lưu, Chủ tịch UBND xã Chiềng Châu cho biết, hiện tượng “con đầu thai” ở địa phương, phía xã cũng ghi nhận vào người dân kể lại nhiều trường hợp xuất hiện cách đây chừng 10-15 năm.

“Nhiều nhất là ở xóm Chiềng Châu, tôi đã được nghe 4 trường hợp như vậy. Thông thường, câu chuyện này xảy ra với các bé khoảng 4 - 5 tuổi, còn có những người lớn tuổi vẫn nhận đã “đầu thai”, thì là chuyện xảy ra từ dăm chục năm trước”, ông Lưu nói.

Theo ông Lưu, khi các bé được các gia đình đưa đến, tìm đến nhau, thì họ cũng không trình báo chính quyền địa phương. Khi chính quyền nắm được câu chuyện, tới hỏi thì ai đã về nhà nấy, con cái nhà nào nhà nấy vẫn nuôi. Các gia đình chỉ đưa các bé đến nhận bố mẹ “tiền kiếp”, rồi đi lại thăm hỏi nhau vui vẻ ân tình, không xảy ra hiện tượng tranh cãi, cũng không liên quan gì đến công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, nên xã cũng không có căn cứ gì để can thiệp vào.

“Cho đến giờ các trường hợp này cả 2 bên gia đình qua lại thường xuyên, những cậu bé, cô bé “đầu thai” cũng đã trưởng thành và lập gia đình riêng. Họ tìm đến nhau không mang tính vật chất hay đánh đổi. Những gia đình này đều có kinh tế tốt, cuộc sống gia đình ổn định”, ông Lưu cho biết.

Tuy nhiên, ông Lưu cho biết, câu chuyện “đầu thai” đều xảy ra đã lâu, nhiều năm nay, địa phương không ghi nhận thêm câu chuyện nào như thế.

“Ngay ở thời điểm chuyện đó xảy ra, chúng tôi coi đó cũng là những câu chuyện hết sức bình thường. Có chăng bà con trong bản cũng chỉ nói con nhà nọ nhà kia lại là con của ông bà ở bản này, bản kia tìm về. Sau khi “đầu thai” các trường hợp đó đều nhận bố mẹ, anh em, con cái và coi nhau như người một nhà, quây quần đùm bọc lẫn nhau, không có gì sai, cũng chả có gì xấu”, ông Lưu nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.