Hồ sơ tài liệu

Thực hư Mỹ “chuyển nhầm” tên lửa Hellfire cho Cuba

15/01/2016, 06:26

Kể từ khi Cuba và Mỹ bình thường hóa quan hệ song phương, sự kiện tên lửa Hellfire lại trở thành vật cản mới.

2
Tên lửa Hellfire.

Những ngày đầu năm 2016, báo chí Mỹ đồng loạt đưa tin về vụ tên lửa “ma-nơ-canh” Hellfire của Mỹ bị chuyển nhầm tới Cuba. Thực hư ra sao chưa biết, nhưng mối nguy rò rỉ bí quyết công nghệ khiến người Mỹ giật mình.

Hành trình của “lô hàng đặc biệt”

Nguồn tin độc quyền tờ Wall Street Journal ngày 8/1 cho hay, tên lửa Hellfire được Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sử dụng cho việc huấn luyện tại Tây Ban Nha năm 2014 đã vô tình được gửi đến Havana (Cuba), nhưng từ đó đến nay vẫn “biệt vô âm tín”. Chi tiết thêm, Hellfire được Tập đoàn Lockheed Martin gửi từ Sân bay quốc tế Orlando, tiểu bang Florida đến châu Âu để phục vụ cuộc tập trận của NATO tại Tây Ban Nha theo giấy phép của Lầu Năm góc, Bộ Ngoại giao Mỹ và các cơ quan chức năng khác của Mỹ.

Từ Madrid, Hellfire tiếp tục được đưa tới Rota, miền Nam nước này phục vụ việc tập trận. Tất cả mọi việc diễn ra đúng “quy trình” nhưng khi Hellfire hồi hương, điểm danh mới thấy vắng mặt. Theo Wall Street Journal, chính Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận kiện hàng Hellfire đã được đưa lên xe của một công ty vận chuyển rời khu căn cứ của NATO rồi giao cho một công ty vận tải khác, tiếp tục đưa về Madrid, qua Đức sau đó quá cảnh về Mỹ.

Sự cố xảy ra ngay tại Madrid, bởi kiện hàng Hellfire có đánh dấu đặc biệt. Thay vì đến Frankfort, Hellfire lại được xe của Hãng Air France chở thẳng đến phi trường Charles de Gaulle ở Paris, và đi tiếp tới Havana. Tại Cuba, các nhân viên hải quan phát hiện lô hàng có ký hiệu đặc biệt nên đã giữ lại. Trong thời gian nói trên, các bên liên quan ở châu Âu tìm mọi cách giải quyết sự cố, nhưng không thành và quyết định im lặng. Cuối cùng, Lockheed Martin, Lầu Năm góc, Bộ Ngoại giao lẫn Bộ Quốc phòng Mỹ đều phải thừa nhận sự thật.

Liên quan đến sự cố hi hữu nói trên, Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ đã giải thích, tuy là khí tài nhưng Hellfire lại thuộc sở hữu của Lockheed Martin nên việc vận chuyển là do Lockheed Martin đảm nhận và đúng thủ tục, nhưng không hiểu sao lại đến nhầm địa chỉ.

Hệ lụy của việc chuyển nhầm

Đã gần hai năm trôi qua kể từ ngày Hellfire bị thất lạc làm cho giới chức Mỹ một phen đau đầu, bấn loạn, đặc biệt là nguy cơ tiết lộ bí mật công nghệ quân sự mặc dù chưa xác định cụ thể nguyên nhân là do hành động tội phạm, gián điệp hay do sai lầm cố hữu.

Theo Wall Street Journal, tuy Hellfire chỉ là sản phẩm ma-nơ-canh, không chứa bất kỳ chất nổ nào, nhưng Mỹ lại lo ngại Cuba có thể chia sẻ công nghệ với những đối thủ tiềm ẩn như Triều Tiên, Trung Quốc hay Nga; Cho dù quan hệ Mỹ - Cuba đã được cải thiện, Mỹ đang xem xét việc gỡ bỏ lệnh cấm vận hoàn toàn đối với Cuba. Nhưng thực tế, Cuba vẫn còn nằm trong danh sách mà Mỹ cho là bảo trợ khủng bố, hai bên vẫn xem nhau là thù địch.  

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Hellfire là tên lửa đất đối không cỡ nhỏ, do Tập đoàn Lockheed Martin chế tạo dùng cho quân đội Mỹ và đồng minh; Nặng khoảng 45 kg, được dẫn đường bằng laser, có thể được trang bị trên trực thăng tấn công Apache hay UAV tấn công Predator của Không quân Mỹ. Tuy là sản phẩm giả hay tên lửa “trơ” nhưng Washington vẫn khẳng định, Cuba chưa đủ khả năng giải phẫu để đánh cắp bí quyết, nhưng thiết bị cảm biến và dẫn đường thì Mỹ lại rất lo ngại, bởi chúng dễ bị “nhân bản” giống như những gì Triều Tiên, Trung Quốc hoặc Nga đã làm.

Mặc dù chưa tìm ra nguyên nhân đích thực, song giới chức Mỹ cho rằng, đây là lỗi vận chuyển hàng hóa của Lockheed. Nếu Hellfire bị chuyển hướng sang Havana có chủ ý, việc này có thể vi phạm Đạo luật Kiểm soát xuất khẩu vũ khí, bị phạt nặng, thậm chí cả luật trừng phạt chống lại Cuba sẽ tái lập. Ngược lại, nếu do sai sót đơn thuần thì Mỹ sẽ ngừng điều tra hình sự, việc xử lý Lockheed Martin sẽ được giải quyết theo một hướng khác.

Theo AP, kể từ khi tuyên bố lịch sử giữa các lãnh đạo Cuba và Mỹ về tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương của hai nước cuối năm 2014, sự kiện tên lửa Hellfire lại trở thành vật cản mới. Nó thường xuyên được nhắc tới trong các cuộc thảo luận, phía Mỹ cố thuyết phục Havana trả lại Hellfire còn Cuba lại tỏ ra không dứt khoát. Tới nay, phía Mỹ vẫn tiếp tục điều tra, chưa có ý kiến chính thức về vụ việc này. Tuy nhiên, chủ đề trên đã làm nóng cả quốc hội lẫn cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

AGM-114 Hellfire là tên lửa không đối đất đa nhiệm vụ, đa mục tiêu, dẫn hướng bằng laser, được trang bị trên các trực thăng. Nguyên thủy, Hellfire được thiết kế để chống tăng, sau được nâng cấp thành thiết bị dùng cho trực thăng và phương tiện bay không người lái (UAV).

Hellfire được quân đội Mỹ sử dụng từ năm 1974, có năng lực tiêu diệt các mục tiêu di chuyển với độ chính xác cao, nhất là trong các chiến dịch không kích bằng UAV Predator của Mỹ tại Trung Đông và Nam Á, từng hạ gục nhiều thủ lĩnh khét tiếng của IS, như John thánh chiến là một ví dụ.

Hellfire dài 163 cm, đường kính 17,8 cm, nặng 45 kg, được trang bị động cơ phản lực M120E1, hệ thống điện SAD (thiết bị an toàn/cảnh báo), tầm hoạt động tối đa 8 km, tốc độ 1.591 km/h. Đến nay đã có 19 quốc gia dùng tên lửa này, với giá bán lẻ 25 nghìn USD.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.