Xã hội

Thực hư người tự ứng cử bị làm khó tại Hội nghị cử tri?

12/04/2016, 16:54

Việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với những người tự ứng cử ĐBQH là theo quy định của pháp luật...

Nguyen Hanh Phuc 600 2 (1)

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời các câu hỏi của báo giới tại buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIII

Sáng 12/4, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XIII chính thức bế mạc sau hơn 20 ngày làm việc.

Sau bài phát biểu bế mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo công bố kết quả của kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIII.

Tại đây, báo giới đặt nhiều câu hỏi cho Tổng Thư ký Quốc hội xung quanh cơ hội dành cho những người tự ứng cử làm ĐBQH.

Trước câu hỏi trong nhiệm kỳ khoá XIII, có 4 ĐBQH tự ứng cử, trong đó có 2 người bị bãi nhiệm tư cách ĐBQH, vậy Tổng thư ký đánh giá thế nào về chất lượng ĐBQH tự ứng cử? Ông Phúc trả lời và cho rằng, việc gần đây số lượng người tự ứng cử ĐBQH tăng lên là điều rất đáng mừng. Chất lượng các ĐBQH tự ứng cử thời gian qua đều đảm bảo, các ĐB vẫn hăng hái, tích cực phát biểu. “Tuy nhiên, vụ việc phải bãi nhiệm tư cách ĐBQH của 2 ĐB khối doanh nhân tự ứng cử là điều rất đáng tiếc” – ông Phúc nói.

Báo giới đặt câu hỏi về việc vừa qua có thông tin có một số tổ chức phản động đứng sau người tự ứng cử, một số người tự ứng cử đưa thông tin lên trang cá nhân, cho rằng tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú đối với người tự ứng cử không công bằng, minh bạch, khi có nhiều cử tri mà đến người tự ứng cử cũng không biết; một số người tự ứng cử phản ánh Hội nghị lấy ý kiến cử tri không khác gì cuộc “đấu tố”, chống lại những người tự ứng cử?

Trả lời những băn khoăn trên, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng việc người tự ứng cử đưa những thông tin trên lên trang cá nhân là quyền của họ, quyền tự do công dân của mỗi người nên không kiểm soát được. Còn nếu thông tin ấy có địa chỉ cụ thể thì cơ quan chức năng sẽ đối chiếu, xác minh. Còn khi nào những người tự ứng cử chính thức được đưa vào danh sách để bầu thì họ mới phải tuân theo quy trình vận động bầu cử mà pháp luật quy định.

“Việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú là theo quy định của pháp luật. Tôi nghĩ rằng không ai hiểu người tự ứng cử bằng bà con cử tri ngay tại nơi người ứng cử sinh sống. Người ta hiểu rõ người ứng cử đó thế nào, gia đình ra sao, lối sống, đạo đức… vì vậy cử tri nơi cư trú đánh giá, có ý kiến, biểu quyết rất rõ ràng, sòng phẳng” – ông Phúc khẳng định.

Riêng về thông tin có thành phần phản động đứng sau người tự ứng cử, ông Phúc cho biết  đây không phải là quan điểm của Hội đồng bầu cử, không phải ý kiến của tiểu ban an ninh, chỉ là ý kiến của một cá nhân nào đó, cho nên không thể khẳng định việc này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.