Hồ sơ tài liệu

Thực hư ông chủ Facebook sẽ tranh chức Tổng thống Mỹ

02/09/2017, 06:40

Nhiều người Mỹ hy vọng tin đồn Mark Zuckerberg-người sáng lập Facebook sẽ tranh chức Tổng thống Mỹ lần thứ 46 là thật.

115

Nhiều người Mỹ hy vọng Mark Zuckerberg tham gia chạy đua Tổng thống Mỹ năm 2020

Tin đồn Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành, người sáng lập mạng xã hội nổi tiếng toàn cầu Facebook đang chuẩn bị cho việc chạy đua vào vị trí Tổng thống Mỹ lần thứ 46 với ai đó có thể là một lời bông đùa nhưng thực tế nhiều người Mỹ lại hy vọng đó là sự thật. 

CEO Facebook muốn chạy đua tổng thống?

Những đồn đoán về khả năng tỷ phú trẻ tuổi - CEO Facebook Mark Zuckerberg có tham vọng chính trị, chạy đua vào Nhà Trắng nảy sinh từ năm ngoái khi Zuckerberg bất ngờ kêu gọi ban điều hành công ty chấp thuận một điều khoản cho phép anh tiếp tục kiểm soát Facebook nếu anh tạm rời khỏi vị trí này một thời gian để tham gia vào chính trường.

Bên cạnh đó, Mark Zuckerberg đang cùng vợ là Priscilla Chan gây dựng một tổ chức từ thiện để trao hết tài sản và thuê cựu quản lý chiến dịch vận động tranh cử của cựu Tổng thống Barack Obama giúp việc điều hành. Giới chức tại “Thung lũng Silicon” tin chắc Zuckerberg có ý định tham gia chính trường. Không ít nhà quan sát chính trị xôn xao về khả năng những ông lớn trong ngành kinh doanh như Zuckerberg hay Bob Iger sẽ chạy đua làm ứng viên tổng thống vào năm 2020. 

Nhà báo mảng công nghệ Alex Hern của tờ Guardian viết: Là Giám đốc Điều hành Facebook, Zuckerberg nắm trong tay quyền lực đối với mạng xã hội lớn hơn bất cứ tổng thống nào. Ở xã hội ảo Facebook, không có chuyện dân chủ, không có Quốc hội để thỏa hiệp. Mặt khác, dù chỉ sở hữu 28% cổ phần Facebook nhưng Zuckerberg có 56% quyền bỏ phiếu trong các cuộc họp Hội đồng quản trị vì cấu trúc doanh nghiệp độc nhất chỉ có ở Facebook. Vì vậy, ở một mức độ nào đó, Facebook và Mark gần như không thể tách rời. 

Dấu hiệu rõ ràng nhất về tham vọng chính trị của vị tỷ phú trẻ là quyết định tự đặt ra thách thức cho bản thân - gặp gỡ, tìm hiểu cuộc sống của người dân tại tất cả các bang của Mỹ trong năm 2017. Zuckerberg thông báo về thách thức này qua Facebook và khẳng định: “Vượt qua thách thức này, chúng tôi sẽ đạt đến bước ngoặt trong lịch sử”. 

Cuối tháng 5 vừa qua, vị tỷ phủ trẻ một lần nữa bác bỏ tin đồn với một bài viết dài 1.300 từ đăng tải trên Facebook, trong đó nói: “Nhiều người hỏi tôi thử thách thăm người dân tại tất cả các bang ở Mỹ có nghĩa tôi đang tranh cử vào một cơ quan công vụ phải không. Tôi xin trả lời là không!”. 

Tuy nhiên, theo Tạp chí Vanity Fair, dù vị CEO bác bỏ mọi tin đồn về tham vọng chính trị nhưng tất cả những hoạt động trước đó lại cho thấy điều ngược lại. Tạp chí Vanity Fair nhận định, ở câu trả lời trên, có thể Zuckerberg không muốn bộc bạch mong muốn sâu xa của mình hoặc anh đơn giản để ngỏ cho sự lựa chọn trong tương lai và không muốn “nói trước bước không qua”. 

Chặng đường đua tổng thống năm 2020 còn rất xa và sẽ có rất nhiều chuyện xảy ra, nhưng có lẽ người dân Mỹ vẫn chưa thể quên việc tỷ phú Donald Trump từng bông đùa vài câu về chuyện sẽ chạy đua vào Nhà Trắng trong một bữa tiệc cách đây nhiều năm. Lúc đó, chẳng ai nghĩ đến khả năng này và thực tế ông đang trở thành “làn gió mới” của chính trường Mỹ - Tổng thống thứ 45.

Thực tế, không ít người Mỹ đã mơ đến viễn cảnh ông chủ Facebook trở thành ông chủ Nhà Trắng. Theo tờ Fortune, một siêu ủy ban hoạt động chính trị Mỹ (Super PAC) được gọi là “Phá cách vì nước Mỹ” đang kêu gọi tài trợ để thuyết phục Zuckerberg chạy đua vào vị trí Tổng thống năm 2020.

Vi hành như một chính trị gia

Nhiều nhà quan sát cho rằng, ông chủ Facebook có tiềm năng trở thành tổng thống vì ở anh có tố chất chính trị. Điều này thể hiện qua cách anh phát biểu, quan điểm sống và lý tưởng trong công việc luôn nghĩ đến xây dựng cộng đồng. Như lần Mark Zuckerberg chia sẻ về kế hoạch tới thăm người dân tại 50 bang ở Mỹ:

“Trong nhiều thập kỷ, công nghệ và toàn cầu hóa giúp chúng ta tăng năng suất và kết nối với nhau hơn. Điều này tạo ra nhiều lợi ích, nhưng đối với không ít người, nó cũng khiến cuộc sống không còn nhiều thách thức. Qua đây, tôi có thể nhận thức rõ hơn rằng, trong mỗi vấn đề đều có những mặt đối lập với nhau. Chúng ta cần phải tìm ra cách giải quyết vấn đề đó để công nghệ và sự toàn cầu hóa có lợi cho tất cả mọi người”. Một số tờ báo Mỹ như The Atlantic cho rằng, lời chia sẻ này đúng theo phong cách chính trị. 

Ngoài ra, nhiều nhà quan sát nhận thấy, cách anh thực hiện thách thức cá nhân bài bản như một chiến lược chính trị chuyên nghiệp. Zuckerberg thuê một đội hỗ trợ giỏi vạch ra các địa điểm, sắp xếp cuộc gặp mặt, một đội chụp ảnh và một đội chuyên làm video rất “pro” để làm phóng sự chuyến thăm 50 bang.

Cùng cả đội ngũ, Zuckerberg tham quan một vòng Trung tâm Dữ liệu Facebook mới tại Fort Worth, bang Texas, leo núi dọc dãy Appalachian tại Maine, ăn bánh pho-mát và chăn dê tại một nông trang ở Wisconsin, ăn tối cùng một gia đình tại nhà riêng của họ ở Ohio như một chính trị gia vi hành tìm hiểu đời sống người dân.

Hay cách Mark xây dựng cộng đồng mạng Facebook với hàng tỉ người trên thế giới sử dụng và yêu thích là một minh chứng khác về lý tưởng vì cộng đồng của anh. Một cuộc khảo sát ý kiến hồi tháng 2/2016, xếp hạng mức độ yêu thích nhân cách của các tỷ phú là Giám đốc điều hành, Mark có tỉ lệ yêu thích đạt 22% còn tỷ phú Trump lúc đó đứng ở mức âm 8%. 

Song, nhiều quan điểm khác e ngại về việc ông chủ Facebook trở thành ông chủ Nhà Trắng. Trên New York Times, nhà báo mảng công nghệ Mike Isaac cho biết, nhiều người chỉ trích, việc Mark nắm giữ mức độ tập trung quyền lực vô cùng cao khi hàng tỉ người trên thế giới đang sử dụng dịch vụ Facebook để giao tiếp với nhau đặt ra nhiều vấn đề rất khác thường.

Nhiều người dân Mỹ không muốn có thêm một doanh nhân giàu có nữa làm tổng thống và đau đầu về vấn đề xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp và sự nghiệp công.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.