Vận tải

Thực hư xe siêu trường Trung Quốc tràn ngập Việt Nam?

07/06/2016, 06:28
image

Thực hư chuyện xe siêu trường Trung Quốc tràn ngập Việt Nam, nguy cơ gia tăng tai nạn giao thông?

6

Thông tư 46 có điều khoản dành riêng cho SMRM chở 1 container, với tổng trọng lượng lên đến 42 tấn

Doanh nghiệp kêu khó vì bị kiểm soát chặt phương tiện

Để kiểm soát tải trọng và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, từ năm 2014 đến nay, Bộ GTVT áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ như kiểm tra, xử lý vi phạm quá tải. Bên cạnh đó, cho phép xe tải, xe sơ-mi rơ-moóc (SMRM) vốn tự ý gia cố thêm khung xe trước đó (để chở tăng tải), thay vì khắc phục vi phạm, được đối trừ trọng lượng của xe và trọng lượng hàng được chở. Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 46 (có hiệu lực từ 1/12/2015, quy định về tải trọng, khổ giới hạn đường bộ…) với nội dung giới hạn tải trọng trục và tổng trọng lượng của xe thông qua khoảng cách giữa các trục xe.

Tuy nhiên, mới đây Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM có công văn kiến nghị cho rằng, quy định liên quan đến xe SMRM chở container hiện bộc lộ một số bất cập. Cụ thể, SMRM có chiều dài cơ sở (khoảng cách từ chốt kéo đến trục bánh đầu tiên của SMRM - PV) dưới 6,5m chở container loại 20 feet và 30 feet chỉ chở được container có trọng lượng tới 20 tấn. Trong khi trước đó, thực tế loại xe trên có thể chở được container loại 20 feet có trọng lượng đến 30,48 tấn theo thông lệ quốc tế. Với quy định này nếu không phạm luật, doanh nghiệp phải mua xe chở container 40 feet để chở container 20 feet.

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM cho rằng, việc đầu tư xe SMRM chở container 40 feet vừa giảm hiệu quả kinh doanh lại vừa là gánh nặng cho doanh nghiệp, tốn chi phí đầu tư. Hơn nữa, xe chở container 40 feet có chiều dài 20m, dài gần gấp đôi so với xe chở container 20 feet (dài 12m), gây nguy cơ ách tắc và TNGT.

Cùng đó, ông Quản cũng lo ngại, nếu quy định trên không được tháo gỡ, việc dòng xe SMRM từ Trung Quốc, với lợi thế giá rẻ, sản xuất nhanh, sẽ tràn ngập thị trường trong nước.

Xem video dân Trung Quốc tranh nhau xúc tôm tại tiệc buffet:

Cơ quan chức năng phản hồi

Theo Phó vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ GTVT) Trần Quang Hà, không đáng lo ngại về việc xe SMRM 40 feet tràn ngập để thay thế cho xe 20 feet. Bởi theo ông Hà, tiêu chuẩn quốc tế có hiệu lực từ năm 2014 cho phép container 20 feet được xếp tối đa 30,48 tấn hàng hóa. Tuy nhiên, số lượng xe container loại chở 20 feet trên cả nước chỉ chiếm phần nhỏ so với tổng số SMRM, vì doanh nghiệp không chỉ sắm phương tiện để chuyên chở loại container có kích thước nhỏ nhất.

Ông Hà cũng cho biết, phương pháp tính toán tải trọng trong Thông tư 46 được áp dụng theo quốc tế và hiện giới hạn tải trọng đường bộ của nước ta lớn hơn so với các nước ASEAN. Hơn nữa, nếu xe quá tải trọng trục đến 10% không bị xử phạt.

"Việc tính toán khoảng cách trục liên quan đến tải trọng, quốc tế đã làm, không có lý gì mà chúng ta không làm. Tiêu chuẩn quốc tế từ năm 2014 cho phép container 20 feet được xếp hàng có trọng lượng tối đa 30,48 tấn, bằng với container 40 feet. Nếu muốn xếp tối đa hàng hóa vào container 20 feet, anh phải tìm xe có tải trọng, độ dài tương ứng”.

Ông Trần Quang Hà
Phó vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ, Bộ GTVT

“Nguyên tắc là xe phải đủ độ dài để trục này ở trên cầu, trục kia vẫn ở đường. Còn nếu toàn bộ trục xe nằm trọn trên cầu sẽ gây tác động quá tải lên dầm cầu”, ông Hà nói.

Còn Phó vụ trưởng Vụ ATGT Đặng Thái Chung cũng cho biết, việc quy định giới hạn tải trọng trục và trọng lượng xe được áp dụng chung cho các loại SMRM, chứ không phải riêng với SMRM chở container. Một trong những lý do ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật trên do trước đây có tình trạng doanh nghiệp sang Trung Quốc đặt hàng xe có nhiều trục, nhưng khoảng cách các trục ngắn, để mục đích chở được nhiều nhất, tàn phá cầu, đường. Quy định giới hạn tải trọng theo chiều dài cơ sở tại Thông tư 46  còn ngăn tình trạng “lách luật” như trên.

Ông Chung cũng cho biết, riêng đối với xe SMRM chở container, Điểm Đ, Khoản 2, Điều 17 của Thông tư 46 đã có quy định ưu tiên cho loại xe này. Đó là trường hợp xe có tổng số 6 trục xe hoặc lớn hơn và có chiều dài cơ sở từ 3,2m đến 4,5m, tổng trọng lượng của tổ hợp xe là 40 tấn; Còn “trường hợp chở một container, tổng trọng lượng của tổ hợp xe là 42 tấn”. So sánh với một số nước khác, như Nhật Bản, loại xe 6 trục chỉ được có tổng trọng lượng tối đa là 36 tấn.

“Khi kiểm soát chặt tải trọng phương tiện sẽ bảo đảm lợi ích kết cấu hạ tầng giao thông, ngăn ngừa nạn chở quá tải và tạo công bằng trong vận tải”, ông Chung nói.

Theo Cục Đăng kiểm VN, trong năm 2015 tổng số có 4.302 SMRM chở container loại 40 feet được sản xuất, lắp ráp trong nước và 9.173 chiếc được nhập khẩu (loại 20 feet là 450 chiếc các loại). Trong 5 tháng đầu năm 2016, có 1.192 chiếc được sản xuất, lắp ráp trong nước và 1.732 chiếc được nhập khẩu (loại 40 feet là 200 chiếc). Số liệu trên cho thấy, sau 6 tháng Thông tư 46 có hiệu lực, số lượng SMRM nhập khẩu và sản xuất lắp ráp đều thấp hơn so với năm 2015. Như vậy không có sự “tràn ngập” xe chở container 40 feet như dư luận lo ngại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.