Chất lượng sống

Thực khách nổi khùng khi nhà hàng đề nghị không hút thuốc

17/11/2016, 06:53

Để thực hiện một cách triệt để không có khói thuốc trong nhà hàng là điều rất khó.

unnamed
Một nhà hàng cấm hút thuốc lá (Ảnh minh họa)

Chính thức thực hiện được một năm tại Hà Nội, mô hình “Khách sạn, nhà hàng không khói thuốc” bước đầu có kết quả, tuy nhiên, vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn.

“Vỡ bát, vỡ nồi” vì không cho khách hút thuốc

Đó là chia sẻ của anh Dương Mạc An Tôn, quản lý nhà hàng Lẩu Sauna tại Hội thảo Cung cấp thông tin về thực hiện Nhà hàng không khói thuốc do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng 16/11. Theo anh Tôn, việc “nói không với khói thuốc” được anh thực hiện khi mở quán cà phê đầu tiên vào năm 2007 và giờ là hai nhà hàng lẩu. Nhân viên của quán thì tuyệt đối “nói không với thuốc lá” và đã từng có nhân viên chấp nhận nghỉ việc vì không thực hiện đúng nội quy này.

“Để thực hiện một cách triệt để không có khói thuốc trong nhà hàng là điều rất khó, bởi hút thuốc với một số người là thói quen đã định hình và không bị luật pháp cấm”, anh Tôn nhận định. Cũng vì lẽ đó, cho dù ở nhà hàng đã có biển “Không hút thuốc” nhưng có không ít khách vào quán vẫn thản nhiên rút thuốc ra hút. “Nhẹ nhàng giải thích, thậm chí “đanh đá” mời khách ra ngoài hút thuốc, nhưng không ít lần khách hàng khó tính đã thể hiện thái độ không bằng lòng bằng cách đập vỡ bát, vỡ nồi. Nhưng chúng tôi kiên quyết thực hiện, chấp nhận mất khách”, anh Tôn chia sẻ. Anh Tôn cũng cho biết thêm, có thể mất khách này nhưng nhiều khách hàng khác đã tìm đến nhà hàng vì một môi trường không khói thuốc. Chính vì vậy, việc cấm hút thuốc trong nhà hàng không ảnh hưởng đến doanh số.

Cùng quan điểm, bà Ngô Thu Hương, Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm cũng cho biết, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá có từ năm 2013, nhưng đến năm 2015, mô hình nhà hàng không khói thuốc mới chính thức được thực hiện. Tuy nhiên, tình hình có những bước chuyển đáng kể. “Theo điều tra nhanh của chúng tôi, nếu năm 2015 chỉ có khoảng 30% khách sạn, nhà hàng trên địa bàn hưởng ứng, thì sang năm 2016 con số đó được nâng lên 63% với nhà hàng 3 sao trở lên và gần 70% với các khách sạn”, bà Hương cho biết.

Qua khảo sát, nhiều chủ khách sạn, nhà hàng cho biết, đối với khách nước ngoài việc thực hiện không hút thuốc lá dễ thực hiện hơn đối với khách trong nước. Tuy nhiên, bà Hương cũng cho rằng, để duy trì lâu dài còn gặp nhiều khó khăn, bởi sự nao núng của chủ, nhân viên nhà hàng với khách hàng khó tính. Thậm chí, một số nhà hàng còn lo ngại sẽ mất khách, giảm doanh thu vì quy định cấm khách hút thuốc lá tại quán.

Gian nan nhà hàng “nói không với khói thuốc”

Trao đổi với Báo Giao thông, bà Đoàn Thu Huyền, cán bộ Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, mặc dù trong Nghị định 176 có quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực y tế với vi phạm về địa điểm cấm hút thuốc… Tuy nhiên, việc giám sát, xử lý còn như “muối bỏ bể”. Theo bà Huyền, năm 2015, đoàn của Bộ Y tế thực hiện kiểm tra 100 nhà hàng, khách sạn và xử phạt 91 triệu đồng. “Sau ba năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, hiện nhiều nhà hàng thực hiện thành công mô hình không khói thuốc như: Nhà hàng Lẩu nấm Gia Khánh, cơm chay Tấm, lẩu Sauna hay Hải Mã… Phần lớn những trường hợp này đều nhờ ý thức, quyết tâm của chính chủ nhà hàng”, bà Huyền nhận định.

Chia sẻ về những khó khăn trong triển khai mô hình này, bà Cao Thị Hoa, Trưởng phòng Y tế quận Hai Bà Trưng cho biết: “Cái khó lớn nhất vẫn là nhiều chủ nhà hàng, khách sạn quan niệm việc cấm hút thuốc sẽ ảnh hưởng đến doanh thu, thậm chí chính họ vẫn còn thói quen hút thuốc lá. Trong khi đó, việc mua thuốc lá dễ dàng, việc xử lý vi phạm hành chính chưa hiệu quả, giám sát chưa chặt chẽ… Do vậy, cần tăng cường tuyên truyền thêm về tác hại thuốc lá, để cộng đồng nâng cao nhận thức và cải thiện ý thức chấp hành”, bà Hoa cho biết.

Theo bà Đoàn Thu Huyền, từ nay đến cuối năm, Bộ Y tế lập các đoàn kiểm tra đột xuất việc thực hiện “nhà hàng không khói thuốc” tại 9 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội. “Thực hiện môi trường không khói thuốc đem lại nhiều lợi ích. Song thực tế, để quy định đi vào cuộc sống không phải việc “một sớm, một chiều” mà cần sự vào cuộc mạnh mẽ như quy định “bắt buộc đội MBH thì ắt thành công”, bà Huyền chia sẻ.

Hút thuốc lá là nguyên nhân và tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh như: Đột quỵ, bệnh mạch vành, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, lao… Trong đó, hút thuốc lá thụ động cũng phải chịu ảnh hưởng không kém với người trực tiếp hút. Với người lớn, tăng hơn 30% nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nguy cơ ung thư phổi 30%; Với trẻ em gây viêm hô hấp, viêm tai giữa; Gây sảy thai, thai nhi chậm phát triển với thai phụ…”.

Bà Phạm Thị Hoàng Anh,Giám đốc HealthBridge Canada tại VN

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.