Giao thông

Thực tiễn phát triển ngành GTVT có sức hấp dẫn lớn

23/12/2014, 23:26

Chiều 23/12, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có bài nói chuyện về "Thực tiễn Quy hoạch và phát triển GTVT" với các học viên lớp cán bộ nguồn cao cấp khóa 5 Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Bộ trưởn Đinh La Thăng trực tiếp báo cáo chuyên đề
Bộ trưởng Đinh La Thăng trực tiếp báo cáo chuyên đề "Quy hoạch và phát triển GTVT"

Những con đường làm nên sự giàu có

Tâm đắc câu nói “Không phải sự giàu có làm nên con đường mà chính con đường làm nên sự giàu có” của một nhân vật nổi tiếng, nội dung buổi trao đổi về thực tiễn và quy hoạch phát triển GTVT của Bộ trưởng Đinh La Thăng tập trung vào vấn đề tái cơ cấu toàn diện để ngành GTVT hoạt động hiệu quả hơn, đi trước một bước làm nền tảng vững vàng cho đất nước tiến lên công nghiệp hóa vào năm 2020.

Bài toán được Bộ trưởng đưa ra rất rõ ràng: Muốn giảm chi phí quốc  gia để nền kinh tế hoạt động có hiệu quả phải giảm chi phí vận tải trong chuỗi logicstic. Muốn giảm chi phí vận tải thì kết cấu hạ tầng phải được đầu tư xây dựng hoàn thiện, các khoản đầu tư phải được tính toán đạt hiệu quả cao nhất. Vận tải phải có tính kết nối cao, phát triển hài hòa các loại hình sắt, sông, biển, bộ, hàng không, để mỗi loại hình phát huy được thế mạnh trong mạng lưới chung.

Thực tế, sau thời gian dài đầu tư thiên về đường bộ, hiện nay tới 90% thị phần vận tải hành khách và hàng hóa cả nước do đường bộ đảm nhận. Mất cân đối cơ cấu làm các ngành vận tải khác kém phát triển, chi phí vận tải cao, thị trường cạnh tranh không lành mạnh.

Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: "Mục tiêu của ngành GTVT đến 2020 là phải thực hiện được tái cơ cấu vận tải, đảm bảo giá cước vận tải trở về đúng giá trị, giảm dần sự phụ thuộc vào vận tải đường bộ, giảm chi phí vận tải bằng phát triển hài hòa các phương thức vận tải". 

Hiện do đường bộ phải đảm nhiệm đồng thời vai trò vận tải, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, nên đầu tư vào đường bộ vẫn cần tiếp tục huy động mạnh mẽ. Song đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thỷ nội địa cũng cần được đầu tư lớn hơn.

Tuyến đường sắt Bắc - Nam hơn 100 tuổi đang trình chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cải tạo, nâng tốc độ chạy tàu lên đến 80-90km/h với vận tải khách và 50-60km/h vận tải hàng. Đồng thời cũng phải chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư tuyến đường sắt Bắc – Nam tốc độ cao trên dưới 200km/h.

Hàng không sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp các sân bay hiện có, chú trọng đầu tư hiện đại hóa các sân bay Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất. Đầu tư mới ưu tiên cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tới đây Bộ sẽ báo cáo Bộ chính trị, đưa ra báo cáo Quốc hội vào tháng 5/2015. Kế hoạch sẽ khởi công Long Thành vào 2018, bắt đầu sử dụng từ 2023.

Các tuyến cao tốc sẽ tập trung làm trên tuyến trục xương sống Bắc - Nam. Hiện đã có 500km, tới 2020 sẽ có gần 2.000km và 2030 sẽ có khoảng 6.000km đường bộ cao tốc.

Hàng hải tập trung các cảng cửa ngõ, đã đưa cụm cảng Cái Mép – Thị Vải vào khai thác phục vụ khu vực các tỉnh phía Nam và đang tích cực đầu tư cho cảng Lạch Huyện ở phía Bắc.

Đầu tư cho giao thông đô thị cần đặc biệt quan tâm. Khi kinh tế phát triển, xe cá nhân tăng lớn, trong khi quỹ đất các đô thị lớn Hà Nội, TP HCM mới đảm bảo khoảng 7% /quy hoạch yêu cầu 18-25%, thì cần nguồn vốn rất lớn đầu tư cho các phương thức vận tải công cộng có sức chở lớn, có thể đảm nhiệm 30-40% thị phần vào năm 2020 là một vấn đề thách thức.

Cùng đó, phải chú trọng phát triển giao thông nông thôn, yêu cầu đặt ra đến năm 2020 phải đạt 100% đường huyện, 70% đường xã và 50% đường thôn xóm phải có mặt đường cứng hoặc được trải nhựa.

Đường bộ, đường sắt phải đồng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật, kết nối với ASEAN và đường xuyên Á.

Buổi báo cáo có sự tham dự của 90 đ/c Lớp cán bộ nguồn cao cấp khóa 5 Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Gần 100 học viên lớp cán bộ nguồn cao cấp khóa 5 Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã lắng nghe bài trình bày của Bộ trưởng Đinh La Thăng

Cần 500 tỉ đồng vốn ngoài ngân sách cho phát triển kết cấu hạ tầng

Theo Bộ trưởng, tất cả các quy hoạch, chiến lược đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Để triển khai, cần nguồn vốn rất lớn. Ngoài việc sử dụng hiệu quả vốn ngân sách, Bộ GTVT lên kế hoạch huy động các nguồn vốn đa dạng, ngoài ngân sách, tới 500 ngàn tỉ đồng cho giai đoạn từ nay đến 2020.

160 ngàn tỉ đồng vốn ngoài ngân sách đầu tư cho hạ tầng giao thông, là con số ấn tượng Ngành GTVT huy động được trong hơn 2 năm qua.

Nhu cầu còn lớn hơn nữa, do đó nhiều phương thức đa dạng đang được tính toán triển khai, trong điều kiện vốn ngân sách có hạn và nợ công cao.

Dùng hạ tầng để phát triển hạ tầng là phương thức mới, song theo Bộ trưởng, sẽ có đầu ra rất lớn.

“Chuyển quyền thu phí hoặc chuyển toàn bộ dự án đã được đầu tư cho nhà đầu tư bên ngoài nhà nước để thu tiền, tiếp tục tái đầu tư. Đường đẻ ra tiền và tiền lại được dùng để làm đường. Hiện Bộ GTVT đang triển khai với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Thực hiện thành công sẽ là cơ sở để bán các tuyến cao tốc, cảng biển, sân bay... Việc huy động được các nguồn vốn là quan trọng nhất để đột phá phát triển KCHT. Hiện rất nhiều nhà đầu tư quan tâm tới các dự án này, vấn đề mà chúng ta cần giải quyết là tạo cơ chế thu hút, đáp ứng thỏa đáng nhu cầu phát triển kinh tế với xã hội, an ninh quốc phòng”, Bộ trưởng nói.

Đại diện Lớp cán bộ nguồn cao cấp khóa 5 cám ơn Bộ trưởng với những thông tin thực tế sống động về hoạt động ngành GTVT
Đại diện Lớp cán bộ nguồn cao cấp khóa 5 cảm ơn Bộ trưởng với những thông tin thực tế sống động về hoạt động ngành GTVT

Công khai, minh bạch để chống tham nhũng

Tại buổi nói chuyện, các học viên lớp cán bộ nguồn cao cấp bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới thực tế phát triển ngành GTVT, cho rằng trong những năm qua, GTVT đã có sự phát triển nhanh chóng, đạt được những thành tựu lớn. Đặc biệt thời gian gần đây, trong điều kiện thắt chặt đầu tư công, song những đột phá trong huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giao thông đã đáp ứng được nhu cầu phục vụ cho quốc kế, dân sinh.

Nhiều nội dung các đồng chí cán bộ nguồn quan tâm đã được Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời thỏa đáng, như vấn đề chống tham nhũng, lãng phí, vấn đề hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích địa phương và người dân, chất lượng đầu tư..

Theo Bộ trưởng, tham nhũng là phần tất yếu của quyền lực, vấn đề là phòng chống như thế nào để hạn chế thấp nhất.

Ngành GTVT tiếp cận nhiều hoạt động tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng lãng phí lớn. Năm 2014 giải ngân tới 116.000 tỉ đồng. Nếu không minh bạch, quyết liệt thì tham nhũng lãnh phí rất lớn.

Bộ đã có rất nhiều giải pháp để kiểm soát. Toàn bộ quy trình, thủ tục, mọi hoạt động  đều có cơ chế công khai, minh bạch, dân chủ, để toàn thể bộ máy, người dân và báo chí theo dõi, kiểm tra, giám sát. Phân công công việc, trách nhiệm rõ ràng. Một việc, mỗi khâu lại phân công các lãnh đạo khác nhau phụ trách để có kiểm tra chéo. Phân loại, xếp hạng rất rõ ràng đối với các nhà thầu tư vấn, nhà thầu xây lắp, để có thêm căn cứ minh bạch khi chấm thầu. Thường xuyên rà soát, cập nhật các định mức, chỉ tiêu, đơn giá.. để hạn chế tối đa tham nhũng tiêu cực.

Tăng hiệu quả đầu tư, hiệu quả hoạt động, theo Bộ trưởng, cần đẩy nhanh CPH các doanh nghiệp nhà nước. Ngành GTVT cơ bản sau 2014 không còn doanh nghiệp nhà nước. Việc thoái triệt để vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước không cần giữ chi phối tiếp tục được đẩy mạnh. “Doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả hơn. Vấn đề là quản lý nhà nước, quản lý ngành cần hoàn thiện thể chế chính sách tạo hành lang pháp lý minh bạch và thông thoáng”, Bộ trưởng cho biết. 

Phương Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.