Văn hóa - Giải Trí

Thức tỉnh cổ vật tàu đắm Bình Châu

22/02/2015, 16:10

Cả chục xác tàu cổ đắm, cùng hàng nghìn cổ vật được phát hiện chủ yếu tại khu vực Bình Châu.

361

Mũi Ba Làng An vùng Bình Châu nơi mũi đất liền gần nhất với Hoàng Sa

Cả chục xác tàu cổ đắm, cùng hàng nghìn cổ vật được phát hiện chủ yếu tại khu vực Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi) khiến nơi đây trở thành miền cổ vật độc đáo với lớp lang trầm tích di chỉ văn hóa, lịch sử về con đường gốm sứ, tơ lụa trên biển, nơi có mũi đất liền gần nhất với Hoàng Sa...

“Nghĩa địa” tàu cổ

Lớp sóng vỗ nhẹ bờ biển Bình Châu. Từng tốp tàu thuyền neo đậu “nghỉ bờ” những ngày cuối năm. Không gian yên bình nhưng câu chuyện về “cổ vật” dọc dải đất này chưa bao giờ lắng đọng, như những cơn sóng ngầm sẵn sàng trào dâng.

Liên tiếp thời gian gần đây, ngay tại vùng biển xã Bình Châu phát hiện hàng loạt xác tàu cổ đắm, cùng nhiều hiện vật dưới đáy biển. Mới đây, ngư dân bản địa đã liên tiếp phát hiện hai chiếc tàu chứa cổ vật có niên đại trên 400 năm bị chìm dưới đáy biển. Những chiếc tàu này chỉ cách bờ vài chục mét, ở độ sâu khoảng 3 m, và cách nhau 4-5 km về hướng Tây Bắc. Đáng nói, những con tàu đắm mới phát hiện này đều gần vị trí tàu chở cổ vật bị đắm được tỉnh Quảng Ngãi khai thác vào năm 1999.

Các đợt khai quật năm 1978, 2002, tại vùng Bình Châu nơi mũi Ba Làng An, giới nghiên cứu khảo cổ của tỉnh phát hiện địa điểm khảo cổ vật quan trọng, cho thấy dấu tích về một lớp cư dân tiền Sa Huỳnh cư trú ở đây có niên đại 2.500-3.000 năm. Tại huyện đảo Lý Sơn, đoàn khảo cổ học từng phát hiện các di chỉ của văn hóa Sa Huỳnh, tương đồng với những di chỉ văn hóa ở Bình Châu. Chứng tỏ ở thời điểm 2.500-3.000 năm trước, những tiền nhân cư dân Bình Châu có mặt trên đảo Lý Sơn để từ đó vươn ra những vùng lãnh hải xa xôi của Tổ quốc.

Trước đó, tháng 6/2013, cơ quan chức năng Quảng Ngãi khai quật, phát hiện gần 5 nghìn cổ vật từ con tàu cổ chìm ở vùng biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (ngư dân địa phương còn gọi là eo biển Vũng Tàu). Trong số này có 42 hiện vật độc bản được các chuyên gia khảo cổ xác định có niên đại thế kỷ 13, hiếm hoi trên thế giới.

Theo Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, tính từ năm 1999 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh này đã phát hiện cả chục xác tàu cổ đắm dọc vùng biển Quảng Ngãi. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở khu vực Bình Châu. “Nghĩa địa tàu cổ đắm” - không quá khi gọi tên về miền cổ vật Bình Châu. Ngay tên địa danh Vũng Tàu ở đây phản ánh nghĩa đen chân thực nhất về hoạt động tấp nập của các đội tàu thuyền thương gia, đánh bắt suốt chiều dài lịch sử.

Dọc xóm nhỏ Bình Châu, không khó để tìm thấy những món đồ cổ người dân trang trí trong phòng. Nghề lặn, săn tìm cổ vật vốn thịnh ở đây cả chục năm trước. Đến nay, những thợ lặn Bình Châu rành rõi từng loại niên đại, giá trị của cổ vật. Hầu hết các phát hiện xác tàu đắm trên địa bàn đều do thợ lặn Bình Châu báo tin.

Thợ lặn Võ Văn Hân (44 tuổi, thôn Châu Thuận Biển, Bình Châu) cho hay: Nhiều ngư dân trên địa bàn sở hữu kho đồ cổ khổng lồ được tìm kiếm dưới biển. Tháng 8/2010, cơ quan chức năng Quảng Ngãi phát hiện vụ vận chuyển hơn 4.300 cổ vật gốm sứ men nâu đen, men xanh thế kỷ 16-17, có gốc tích từ “làng cổ vật” Bình Châu.

362
TS. Vũ khảo sát hiện vật trên con tàu cổ đắm tại vùng biển Bình Châu

Nối kết văn hóa

Theo TS. Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, những di sản đã được phát hiện, trục vớt, vùng biển Quảng Ngãi còn chứa đựng trong lòng nó nhiều điều bí ẩn cần được nghiên cứu sâu hơn. Nhưng có thể hình dung về con đường tơ lụa, gốm sứ hàng hải vốn sôi động từ nhiều thế kỷ trước.

TS. Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi cũng nhận định: Vùng biển Bình Châu từng là nơi con đường gốm sứ, tơ lụa trên biển đi qua. Hàng trăm năm trước, con đường thông thương dọc theo bờ biển miền Trung Việt Nam, những con tàu buôn của các thương gia nước ngoài hành trình trên vùng biển Đông, mỗi khi gặp bão tố thường ghé vào “Eo biển Vũng Tàu” để neo đậu, mua bán, tiếp tế lương thực, nhiên liệu...

TS. Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á cho rằng: Các thuyền buôn ngày đó phụ thuộc lượng nước ngọt tích trữ, khi đến vùng biển Bình Châu, nhiều thuyền buôn ghé vào tiếp nguồn nước ngọt để tiếp tục cuộc hành trình. Tại đây có thể xảy ra nhiều biến cố như: Hỏa hoạn, bão tố, cướp biển... dẫn đến nhiều chiếc tàu bị chìm, chôn vùi sâu dưới cát biển.

363

“Nghĩa địa tàu đắm” ở vùng biển Bình Châu (Quảng Ngãi)

364

Một số cổ vật của thợ lặn Bình Châu

365
Triển lãm cổ vật

Theo TS. Vũ, với đặc thù gồm cảng biển Sa Kỳ phát triển sầm uất từ nhiều thế kỷ trước, mũi Ba Làng An tại đây là nơi thông thương quan trọng của tuyến đường biển. Vị trí gần Hoàng Sa, là điểm mốc quan trọng trên biển Đông nên lưu lượng tàu thuyền ra - vào nhiều. Ngay từ rất lâu tại đây hình thành nét văn hóa biển, kinh tế biển cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá.

Ba Làng An vốn là tên người dân địa phương gọi chung cho mũi đất này được hình thành từ ba ngôi làng cùng tên An gồm: An Hải (Bình Châu), An Vĩnh, An Kỳ (Sơn Tịnh). Nhắc về mũi Ba Làng An, nhiều chuyên gia, nhà khảo cổ không khỏi trầm trồ về vị trí địa lý, sự gắn kết Lý Sơn, Hoàng Sa với những ngư dân khai phá, xác lập chủ quyền, mà còn bởi những trầm tích di chỉ văn hóa Bình Châu, Sa Huỳnh. Nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh (Quảng Ngãi) nhấn mạnh: Các thông số đo đạc địa lý cho thấy, Việt Nam nằm gần nhất với Hoàng Sa, và vị trí đất liền gần nhất với quần đảo này được xác định chính là Ba Làng An với chiều dài 135 hải lý. Cùng bởi vị trí địa lý này, nên từ nhiều thế kỷ trước “ngã ba” Bình Châu trở thành điểm thông thương, hoạt động hàng hải sôi động

Theo TS. Nguyễn Đăng Vũ, con đường hàng hải trên biển Đông là con đường giao thương và truyền giáo quan trọng. Vùng biển Đông Nam Á vốn là nơi neo đậu tàu thuyền của các nhà buôn phương Tây và phương Đông. Riêng khu vực miền Trung nước ta và Quảng Ngãi có đường bờ biển dài và nhiều đảo, là cầu nối quan trọng kết nối các nền văn hóa trên thế giới. William Dampier trong cuốn Một chuyến du hành đàng ngoài (năm 1688) từng miêu tả: Hòn Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) và các đảo ven bờ khác có nhiều tàu thuyền tới lui để giao thương buôn bán. William Dampier cũng đề cập tới những con tàu bị đắm và giới cai trị khét tiếng với việc nô dịch hà khắc những thủy thủ bị chìm tàu. Điều này gợi lại ký ức về con đường hàng hải giữa các nước qua vùng biển này vào Việt Nam. Thêm một bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa từng tồn tại nhiều thế kỷ trước. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.