Chuyện dọc đường

Thuê nhà trên 20m2 mới được thường trú?

25/11/2022, 06:00

Theo dự thảo quy định của Hà Nội, những người đang ở thuê, ở trọ... dưới 20m2 sẽ không được đăng ký thường trú trong khi quy định cũ là 8m2.

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn vừa ký ban hành văn bản hỏa tốc gửi Thường trực HĐND TP về việc đề nghị lùi thời gian trình ban hành nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiểu đối với nhà thuê, mượn, ở nhờ để công dân được đăng ký thường trú tại Hà Nội.

Lý do xin lùi thời gian ban hành nghị quyết nêu trên được UBND TP Hà Nội đưa ra “để đảm bảo đúng trình tự ban hành văn bản”.

img

Theo dự thảo quy định của Hà Nội, những người đang ở thuê, ở trọ, ở nhờ nhà có diện tích dưới 20m2 sẽ không được đăng ký thường trú trong khi quy định cũ là 8m2. Ảnh minh họa: Tạ Hải

Trong dự thảo nghị quyết, UBND Hà Nội quy định với nhóm nhà ở cũ có nguồn gốc sở hữu Nhà nước, hạn mức diện tích bình quân tối thiểu phải đảm bảo 8m2. Với nhóm nhà ở còn lại, diện tích bình quân tối thiểu là 20m2, tính theo m2 sàn nhà cho một người thuê, mượn và ở nhờ.

Trong khi đó, điều kiện đăng ký thường trú được yêu cầu đảm bảo theo Luật Cư trú năm 2020 về việc bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người.

Như vậy, nếu theo dự thảo quy định của Hà Nội, những người đang ở thuê, ở trọ, ở nhờ nhà có diện tích dưới 20m2 sẽ không được đăng ký thường trú.

Trước đề xuất này, nhiều ý kiến cho rằng, việc Hà Nội đưa ra điều kiện diện tích nhà ở tối thiểu là 20m2 khi đăng ký thường trú cao hơn so với quy định chung của Luật Cư trú (8m2) là phù hợp.

Bởi với Hà Nội, Luật Thủ đô cho phép TP có cơ chế, chính sách đặc thù để hạn chế tình trạng di dân tự phát vào khu vực nội thành, trong bối cảnh dân số đã quá đông, đường phố thường xuyên ùn tắc, hạ tầng đô thị quá tải.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Hà Nội cần phải đánh giá kỹ tác động của quy định là như thế nào, tránh gây khó khăn cho người dân có nhu cầu đăng ký thường trú mà vẫn đảm bảo phù hợp với quy định về cư trú.

Có ý kiến cũng cho rằng, điều kiện này sẽ có thể làm phát sinh thêm một loại “giấy phép con”, làm hạn chế quyền tự do cư trú của đông đảo người lao động đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội mà chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú.

Theo điều 22 và 23 Hiến pháp 2013, mọi công dân có quyền có nơi ở hợp pháp và được tự do cư trú. Quy định diện tích ở tối thiểu tới 20m2/người đối với nhà thuê, mượn, ở nhờ mới được đăng ký thường trú sẽ tạo ra “hàng rào kỹ thuật” gián tiếp hạn chế quyền hiến định của người dân, đặc biệt nhóm đối tượng có thu nhập thấp.

Thực tế, yêu cầu diện tích ở tối thiểu 20m2/người có lẽ là quá cao, phi thực tế với điều kiện nhà ở tại Hà Nội hiện nay.

Chính sách này nếu được ban hành có thể sẽ gây khó khăn cho nhiều người dân trong việc tạo lập chỗ ở ổn định khi sinh sống và làm việc dài hạn ở Hà Nội.

Có một điều đáng chú ý khác là hiện Luật Cư trú 2020 quy định diện tích tối thiểu cho nhà ở hợp pháp (để được đăng ký thường trú) là 8m2.

Chắc chắn khi ban hành, quy định này đã được cân nhắc rất kỹ. Nhiều địa phương khác hiện cũng đang áp dụng tiêu chuẩn này, vậy thì vì sao Hà Nội lại có quy định quá khác biệt như vậy?

Trong việc này, liệu Hà Nội đã cân nhắc đến những thiệt hại về quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm dân cư có thu nhập thấp hay chưa?

Liệu nó có tác động làm tăng giá nhà thuê, làm lợi cho các dự án nhà chung cư của chủ đầu tư lớn, làm phát sinh chi phí sinh hoạt của số đông dân cư?

Trước mỗi một vấn đề phát sinh trong thực tiễn, việc đưa ra một chính sách hay quy định nào đó để giải quyết bất cập là việc cần làm.

Tuy nhiên, chính sách, quy định đó phải có cơ sở khoa học, đánh giá tác động tổng thể để xem nếu áp dụng thì được nhiều hơn hay mất nhiều hơn.

Mỹ Hà

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.