Thời sự

Thuê tàu lặn nước ngoài tìm 8 thuyền viên mất tích?

14/11/2014, 19:14

Chiều 14/11, Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Nhật cho biết đang xem xét khả năng thuê thợ và tàu lặn chuyên dụng của nước ngoài tìm kiếm 8 thuyền viên mất tích.

Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Nhật chủ trìm buổi làm việc với các cơ quan chức năng cùng một số đơn vị cứu hộ, trục vớt có năng lực trong nước để tìm phương án ltìm 8 thuyền viên tàu Phúc Xuân 68 đang mất tích
Buổi làm việc để tìm phương án ltìm 8 thuyền viên tàu Phúc Xuân 68 đang mất tích

Liên hệ công ty cứu hộ của Hà Lan

Tính đến 16h ngày 13/11, tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường có 10 phương tiện, bao gồm: Tàu SAR 27-01, SAR 274 và 2 ca nô của Trung tâm TKCN, 2 tàu Biên phòng của Bộ chỉ huy Biên phòng Khánh Hòa, 2 tàu của Đảm bảo an toàn Hàng hải, 2 ca nô của Cảng vụ Hàng hải Nha Trang, 1 tàu của Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận. Tàu SAR 27-01 tiếp tục chỉ huy hiện trường và khu vực tìm kiếm được mở rộng xuống khu vực phía Nam theo hướng trôi dạt.

Những ngày qua, Cục Hàng hải VN đã khẩn trương làm việc với các đơn vị để triển khai lặn tìm kiếm thuyền viên của tàu Phúc Xuân 68. Do độ sâu nơi tàu Phúc Xuân chìm trên 90 mét, các đơn vị cứu hộ không có khả năng triển khai hoạt động lặn tìm. Trường hợp lặn ở độ sâu lớn hơn, thì phải thuê thiết bị lặn “bão hòa” và nhân lực của nước ngoài.

Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết đã liên hệ với các công ty cứu hộ cứu nạn lớn trên thế giới như Công ty Svitzer của Hà Lan để tư vấn, hỗ trợ phía Việt Nam thực hiện công tác cứu nạn. Theo Svitzer, cho dù các thợ lặn chuyên nghiệp được trang bị bình dưỡng khí và quần áo lặn chuyên dụng cũng không thể tiến hành công tác tìm kiếm dưới độ sâu 90 mét. Thay vào đó, Svitzer đưa ra phương án duy nhất là sử dụng tàu lặn chuyên dụng (có thể hoạt động lâu ngày dưới độ sâu từ 100 đến 200 mét) với đội ngũ thợ lặn chuyên nghiệp để tiến hành tìm kiếm.

Về thời gian tìm kiếm, theo Svitzer, không dám đảm bảo chắc chắn là thời gian bao lâu vì còn phụ thuộc vào độ sâu nơi tàu chìm, điều kiện thời tiết, dòng chảy, vị trí chính xác của tàu (phải xác định lại vị trí vì có thể tàu đã bị trôi dạt xa vị trí chìm ban đầu), tư thế tàu chìm (nằm úp, nằm nghiêng thì thợ lặn khó triển khai công tác dò, tìm hơn nằm ngửa…). Do đó, việc tính toán chi phí hiện nay cũng chưa thực hiện được.

Ông Nguyễn Nhật tặng quà, động viên tàu Bộ đội biên phòng Khánh Hòa tham gia tìm kiếm cứu nạn
Ông Nguyễn Nhật tặng quà, động viên tàu Bộ đội biên phòng Khánh Hòa tham gia tìm kiếm cứu nạn

Nghiêm cấm gia đình nạn nhân tự thuê thợ lặn

Theo các chuyên gia, trong vụ chìm phà Seawol (Hàn Quốc), dù độ sâu nơi tàu chìm chỉ khoảng 40 mét mà Hàn Quốc đã huy động 30 thợ lặn, hoạt động trong nhiều tháng để tìm kiếm nạn nhân. Nhưng đến ngày11/11, sau khi Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố ngừng công tác tìm kiếm dù vẫn còn 9 nạn nhân chưa được tìm thấy. Đáng chú ý, dù chỉ ở độ sâu 40 mét nhưng đã có một thợ lặn chuyên nghiệp của Hàn Quốc bị chết, 25 thợ lặn khác gặp những vấn đề về sức khỏe do giảm áp suất cơ thể.

Các chuyên gia cũng cho rằng, tàu Phúc Xuân 68 chìm ở độ sâu gần 100 mét, việc thuê thợ lặn hoặc tàu lặn cần được nghiên cứu, cân nhắc một cách cẩn trọng nhằm hạn chế rủi ro và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hoạt động lặn. Hiện, trên vùng biển tàu bị nạn đang có gió mùa sóng cấp 4 cấp 5, nếu tàu bên trên nối các thiết bị với các thợ lặn bị dịch chuyển sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông chiều tối 14/11, Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Nhật cho biết, việc  tìm kiếm 8 thuyền viên được mở rộng xuống phía Nam… Cục Hàng hải VN tiếp tục nghiên cứu, làm việc với các công ty cứu hộ, trực vớt trong và ngoài nước cũng như tham vấn ý kiến các chuyên gia để đảm bảo an toàn tuyệt đối khi tìm kiếm.

“Công tác tìm kiếm đã và đang tiếp tục được các cơ quan chức năng, lực lượng triển khai nhiệt tình và tìm mọi biện pháp để có kết quả. Người thân 8 thuyền viên mất tích có nguyện vọng ra khu vực vị trí tàu chìm, thuê tàu đi tìm kiếm ven biển, đề nghị lực lượng Biên phòng và cơ quan, đơn vị chức năng tạo điều kiện nhưng phải hết sức lưu ý là phải liên hệ, thuê tàu đảm bảo an toàn. Nghiêm cấm các gia đình đưa thợ lặn ra lặn tìm vì công tác này đòi hỏi phải các đơn vị chuyên ngành chuyên trách thực hiện”, Cục trưởng Cục Hàng hải VN nhấn mạnh.

Duy Lợi

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.