Thị trường

Thuế tối thiểu toàn cầu: Lo Việt Nam thất thế trong cuộc đua hút FDI

21/03/2023, 11:14

Thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu (15%) dự kiến áp dụng từ 2024 sẽ khiến cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư FDI sắp tới sẽ ngày càng khốc liệt.

Triệt tiêu ưu đãi với nhà đầu tư ngoại

Quy định về thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu (15%) được đưa ra trong Chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS), dự kiến áp dụng từ năm 2024.

Nguyên tắc của quy định này cho phép quốc gia nơi đặt trụ sở của công ty mẹ cuối cùng của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu hàng năm từ 750 triệu euro trở lên sẽ được thu thêm phần tiền thuế đối với khoản thu nhập mà công ty đa quốc gia này thu được từ hoạt động đầu tư kinh doanh ở quốc gia khác mà chỉ chịu mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) dưới mức tối thiểu là 15%.

Giả sử nếu doanh nghiệp (DN) FDI A nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 10% ở Việt Nam, thì khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, quốc gia nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp A đó được quyền thu thêm 5% thuế từ doanh nghiệp A đó.

Do đó, khi chính sách này được áp dụng, các công ty đa quốc gia đã và đang đầu tư vào Việt nam có thể phải nộp thuế bổ sung tại các nước khác liên quan đến hoạt động của các công ty con tại Việt Nam. Khi đó, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam sẽ trở nên không còn ý nghĩa.

img

Các tập đoàn lớn nước ngoài chỉ chịu thuế suất thuế thu nhập DN là 2,75% - 5,95% Ảnh minh họa

Số liệu của Tổng cục Thuế cho thấy, trong 36.500 dự án FDI ở Việt Nam, có khoảng 3% dự án/doanh nghiệp được ưu đãi thuế, chủ yếu các dự án lớn nằm trong các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Như vậy, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu 15% chỉ nhắm vào 3% các dự án đang hoạt động và được ưu đãi thuế của Việt Nam.

Thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông của Việt Nam là 20%, trong khi đó thuế thu nhập DN thực tế của các DN FDI là 12,3%.

Trong đó, các tập đoàn lớn nước ngoài chỉ chịu thuế suất thuế thu nhập DN là 2,75% - 5,95% (nhiều dự án FDI lớn được áp dụng thuế suất thuế thu nhập DN 10% trong cả đời dự án, miễn 4 năm, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo).

Đề xuất ưu đãi dựa trên chi phí đầu tư

Về điều này, Bộ Tài chính khẳng định, việc các nước tham gia và thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có nhiều ảnh hưởng đến tính hiệu quả của chính sách ưu đãi thuế TNDN của nước ta trong những năm tới đây.

Do đó, tại dự thảo Luật Thuế TNDN đang được lấy ý kiến, Bộ sẽ rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến ưu đãi thuế TNDN tại Luật thuế TNDN, để một mặt không làm xói mòn cơ sở thuế; mặt khác, vẫn đạt được các mục tiêu trong thu hút nguồn vốn FDI, đảm bảo tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước.

Bộ Tài chính tính toán, bổ sung nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế đối với DN thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và nguyên tắc nộp bổ sung phần thuế chênh lệch đối với các DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để đảm bảo quyền đánh thuế của Việt Nam.

Để đối phó với các bất lợi ở quy định về thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu (15%), ông Son Won Sik, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) khuyến nghị, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư, bảo vệ quyền đánh thuế của mình, điều này rất cấp thiết.

Một số giải pháp được đại diện Kocham đề xuất là ưu đãi dựa trên chi phí đầu tư phù hợp với tình hình Việt Nam hiện tại. Hình thức ưu đãi này đang được nhiều quốc gia áp dụng.

Theo ông Son Won Sik, điểm mạnh của chính sách này sẽ ngăn chặn chuyển giá, chuyển lợi nhuận, giúp khuyến khích đầu tư thực chất vào Việt Nam, giúp doanh nghiệp đưa ra phương án đầu tư dài hạn tại Việt Nam.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam ngày 19/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng khẳng định với các nhà đầu tư nước ngoài: Về thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ đang bám sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm các nước để sớm có chính sách phù hợp, phấn đấu ban hành ngay trong năm nay, tạo cơ hội cho DN nước ngoài hoạt động thuận lợi, đóng góp nhiều hơn cho Việt Nam nhưng không ảnh hưởng tới lợi ích của nhà đầu tư.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.