Chất lượng sống

Thuốc trị tăng động có ảnh hưởng tới não trẻ?

04/12/2018, 08:25

Nhiều phụ huynh có con mắc chứng tăng động giảm chú ý lo ngại dùng thuốc điều trị lâu dài sẽ gây ảnh hưởng...

13

Theo bác sĩ, trẻ tăng động giảm chú ý vẫn có thể hòa nhập bình thường

Nhầm tưởng tăng động và hiếu động

“Con ngồi im ở đây cho mẹ nhờ!” - đó là câu nói được chị N. T. H. V. (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) liên tục nhắc nhở con trai 6 tuổi, suốt cuộc trao đổi với PV Báo Giao thông tại cuộc gặp mặt gia đình có con tăng động giảm chú ý, do BV Nhi T.Ư tổ chức cuối tuần qua. Chị V. kể lại, lúc con trai chừng 4 tuổi đã phát hiện cháu nghịch ngợm hơn nhiều đứa trẻ cùng trang lứa. Nhưng do chủ quan, đến khi con 6 tuổi vào lớp 1, cô giáo và nhà trường có phàn nàn với gia đình chỉ dạy được những học sinh bình thường và rất khó để quản lý các con trong những trường hợp như vậy. Khi được bác sỹ chẩn đoán con mắc hội chứng tăng động giảm chú ý, gia đình chị rất băn khoăn về việc có nên cho con vào học tại trường chuyên biệt dành cho các học sinh tăng động hay không vì chỉ như vậy mới có thể quản được con. “Cháu thông minh nhưng ngồi một chỗ lại không chịu, nhất là ở chỗ đông người, rất khó bảo. Ở nhà, ngồi học mẹ dạy để tay lên bàn nhưng chỉ được một lúc rồi lại mân mê cái tẩy, cái bút, mất tập trung lắm”, chị V. chia sẻ.

Hơn một năm trước, anh P.X.X. (Hưng Yên) phát hiện con trai bị hội chứng tăng động giảm chú ý sau khi cô giáo phát hiện chữ viết của cháu thường lệch lạc so với các bạn khác và không vào nổi ô li của vở. Ban đầu, gia đình anh cũng không nhận biết được đặc điểm của hội chứng tăng động giảm chú ý vì lầm tưởng trẻ chỉ hiếu động. “Ở nhà, cháu nghịch lắm, không lúc nào ngồi yên, còn ném vỡ cả tivi. Nhảy chỗ nọ, chạy chỗ kia, luôn chân luôn tay. Khi ra ngoài chơi, cháu thường không kiểm soát được hành động, bố mẹ phải gọi to, giáp mặt mới chú ý, còn gọi từ xa cháu phản ứng chậm”, anh X. tâm sự.

Một trường hợp khác, chị N.T.L. (Thanh Oai, Hà Nội) con trai Đ.T. (10 tuổi) đã trải qua 7 đợt điều trị bằng thuốc kết hợp với các biện pháp tâm lý. Bé T. hiện đã có tiến triển song chị L. lại băn khoăn về việc dùng thuốc sẽ gây ra một số phản ứng phụ liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là sự phát triển trí não sau này của con không?

Kết hợp y tế, gia đình và nhà trường

ThS. BS CKII. Thành Ngọc Minh, Trưởng khoa Tâm thần Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, tính riêng năm 2017, khoa đã khám cho 25 nghìn lượt trẻ có vấn đề về sức khoẻ tâm thần, trong đó chứng tăng động giảm chú ý chiếm tỷ lệ cao nhất.

Theo BS. Minh, đối với chứng tăng động giảm chú ý và rối loạn phổ tự kỷ nói chung, hiện vẫn là thách thức rất lớn đối với các nhà khoa học về việc tìm ra nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên, cũng có thể kể đến một vài yếu tố như gene, môi trường, quá trình mang thai, gia đình… “Đối với trẻ tự kỷ, môi trường giáo dục chuyên biệt là giải pháp tối ưu. Còn với trẻ tăng động giảm chú ý, chúng tôi không bao giờ khuyên cha mẹ đưa con vào trường chuyên biệt, các cháu vẫn có thể hòa nhập bình thường”, BS. Minh khuyến cáo.

"Một trẻ không bao giờ ngồi yên hay khó khăn khi phải lắng nghe, không đủ kiên trì để làm một việc nào đó thường vẫn được cho là việc bình thường. Nếu các bậc phụ huynh không nhận thức được và không có hướng xử lý, can thiệp tốt sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới việc hình thành tính cách, hành vi, tâm lý trong tương lai của trẻ”.

PGS.TS. Trần Minh Điển
Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương

Trước thắc mắc của phụ huynh liên quan đến tác dụng phụ của thuốc trong quá trình điều trị, BS. Thành Ngọc Minh cho hay, hầu hết các loại thuốc đều có tác dụng phụ, đặc biệt là những thuốc hướng thần. Vì vậy, việc kê đơn cũng như liều lượng sử dụng thuốc luôn được các bác sỹ cân nhắc. “Có những cháu bé dùng liều rất thấp vẫn có thể gà gật nhưng cũng có cháu sử dụng liều khá cao vẫn hoàn toàn bình thường. Rất nhiều người cho con uống thuốc trong tháng đầu tiên thấy có chuyển biến tốt nên tự ý bỏ thuốc nhưng sau hai đến ba ngày con tăng động trở lại. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ phải tuân thủ đúng liệu trình của chúng tôi. Đến thời điểm này, 65% trường hợp được chẩn đoán tăng động giảm chú ý thời kỳ thiếu niên đến tuổi trưởng thành vẫn còn mắc chứng đó. Nhưng tôi nghĩ, nếu con được hỗ trợ tốt từ mặt giáo dục, gia đình, y tế sẽ có cơ hội hòa nhập rất lớn”, BS. Minh phân tích.

Trong khi đó, theo ThS. tâm lý Nguyễn Thị Hồng Thúy, bên cạnh việc can thiệp bằng thuốc, hiện nay rất nhiều bậc phụ huynh đã và đang lựa chọn liệu pháp tâm lý từ gia đình và nhà trường để điều trị chứng tăng động giảm chú ý. Điều này sẽ tạo cho trẻ một thói quen có thể duy trì đến khi trưởng thành. Tuy nhiên, tăng động giảm chú ý không phải bệnh mà là một chứng rối loạn kéo dài và bắt buộc cần nhiều thời gian. Do đó, đòi hỏi các bậc cha mẹ cần kiên trì, tỉ mỉ cùng con.

“Các bậc phụ huynh phải chấp nhận tình trạng của con để có những biện pháp cải thiện tốt nhất, hạn chế những trừng phạt bằng thể chất, quát mắng. Cần có sự hỗ trợ, kèm 1-1 trong những hoạt động đòi hỏi sự tập trung cao, động viên, khen thưởng kịp thời dù thành tích của các con rất nhỏ. Điều này sẽ khuyến khích trẻ rất nhiều. Cô giáo cũng cần tạo điều kiện cho các con bằng việc cho lên ngồi bàn đầu để tiện quan sát, nhắc nhở các con…”, ThS. Thuý chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.