Chuyện dọc đường

"Thượng đế" đi kiện còn gian nan

03/04/2014, 06:55

Sự cố vỡ đường ống dẫn nước Sông Đà về Hà Nội (cần nhấn mạnh đây là lần thứ 5 trong vòng chưa đến 2 năm) khiến hơn 70.000 dân Thủ đô khốn khổ.

Ống dẫn nước do một công ty thành viên thuộc “họ” Vinaconex cung cấp cho dự án
Ống dẫn nước do một công ty thành viên thuộc “họ” Vinaconex cung cấp cho dự án

Với những gì doanh nghiệp vận hành đường dẫn nước đó (Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex) thông tin lại, với những nguyên nhân chưa rõ ràng, sự cố dẫn đến cắt nước còn tái diễn là chuyện bình thường.

Sự cố xảy ra nhưng không có lấy một lời xin lỗi chính thức từ phía doanh nghiệp cấp nước là Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex, cũng như các nhà phân phối tới từng hộ dân sau sự cố này. Thông tin duy nhất, các "Thượng đế" được khuyến cáo sử dụng... nguồn cung cấp khác.


Người tiêu dùng đã phải chịu ảnh hưởng của việc mất nước 4 lần trong vòng một năm kể từ 2013. Một luật sư cho rằng người tiêu dùng nên kiện đòi bồi thường thiệt hại. Đại diện Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Hà Nội cũng nói phải kiện đòi công bằng. Vì trong mọi trường hợp, người tiêu dùng luôn chịu thiệt là bất hợp lý, ví dụ khi chậm thanh toán hóa đơn tiền nước hàng tháng là bị cắt nước, tới đây còn bị tính lãi suất ngân hàng cho thời gian chậm nộp.


Đối tượng kiện đòi bồi thường khá rõ ràng. Trước hết là Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex, liên đới là Tổng Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Vinaconex (chiếm 51% vốn điều lệ). Công trình này, được "ông Tổng" Vinaconex cho các đơn vị thành viên làm trọn gói, nên trong các sự cố phát sinh, nếu xác định lỗi chủ quan (thiết kế, thi công, vật liệu) thì phải chịu trách nhiệm pháp lý trong từng trường hợp cụ thể.


Tuy nhiên, ngay cả một lời xin lỗi cũng không có thì việc kiện tụng đòi bồi thường càng gian nan cho các "Thượng đế". Sau khi xem xét các khía cạnh pháp lý, luật sư cho rằng vụ kiện rất khó tiến hành. Vì cho đến nay, sau 5 lần sự cố xảy ra, chưa có cơ quan thẩm quyền vào cuộc điều tra (hoặc có điều tra nhưng chưa công khai kết quả) nên chưa xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm các bên liên quan. Một khó khăn khác, nước ta chưa có quy định khiếu kiện tập thể. Bởi vậy, trường hợp 70.000 người dân trong vùng bị ảnh hưởng cùng khiếu kiện rất khó xảy ra và cũng không có tòa án nào xử lý nổi. Còn nếu một vài cá nhân đi kiện, có được bồi thường, thì không phản ánh đầy đủ được mức độ thiệt hại do sự cố gây ra.


Lê Hùng
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.