Xã hội

Thượng đỉnh Mỹ- Triều: Đặc vụ Mỹ cởi mở, Triều Tiên "hỏi gì cũng không nói"

05/03/2019, 20:24

Trong khi các đặc vụ bảo vệ Tổng thống Trump tỏ ra cởi mở thì 12 đặc vụ bảo vệ Chủ tịch Kim Jong Un lại rất kín tiếng, không tiếp xúc bất kì ai.

img
Cảnh sát đón dẫn đoàn Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un về khách sạn Melia trên đường Lý Thường Kiệt

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Triều lần 2 tổ chức tại Hà Nội kết thúc mà không có thỏa thuận nào được ký. Đây là điều rất đáng tiếc bởi trong những ngày diễn ra Hội nghị (từ 27- 28/2), toàn thế giới đã gần như đã nín thở hướng về Hà Nội, Việt Nam để theo dõi từng diễn tiến.

Mặc dù hai bên Mỹ- Triều Tiên chưa ký được thỏa thuận, song theo đánh giá chung, Việt Nam đã quảng bá ra thế giới hình ảnh một đất nước yêu chuộng hòa bình, đạt nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế; một đất nước Việt Nam với nền văn hóa đặc sắc, ẩm thực phong phú, con người thân thiện, mến khách....

Trong thành công đó, có đóng góp không nhỏ của nhiều cấp nhiều ngành, trong đó phải kể đến đóng góp của lực lượng công an nói chung, lực lượng CSGT nói riêng, những người chịu trách nhiệm đón dẫn đoàn Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong Un từ khi đặt chân tới Việt Nam cho đến khi về nước.

Đoàn Tổng thống Trump liên tục thay đổi lộ trình di chuyển

Chia sẻ với PV Báo Giao thông sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Triều lần 2 kết thúc, Trung tá Nguyễn Văn Hải, Đội trưởng Đội tuần tra dẫn đoàn, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, để đảm bảo công tác dẫn đoàn diễn ra tuyệt đối an toàn, 100% quân số với hơn 1000 cán bộ chiến sĩ và hàng trăm phương tiện của Phòng CSGT được huy động.

Đội tuần tra dẫn đoàn đã huy động 20 ô tô, 20 mô tô chuyên dụng phục vụ trực tiếp cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên. Tổng cộng, trước, trong và sau sự kiện, đơn vị đã thực hiện trên 20 cuộc dẫn đoàn, đảm bảo tuyệt đối an toàn.

img
Trung tá Nguyễn Văn Hải chụp ảnh lưu niệm với người phụ trách an ninh đoàn xe của Tổng thống Mỹ tại Hà Nội

Trung tá Hải chia sẻ, trong quá trình diễn ra hội nghị, còn phát sinh những công việc như dẫn đoàn tháp tùng, đặc vụ của cả Mỹ và Triều Tiên thực hiện việc rà soát bom mìn, đi khảo sát khu vực khách sạn, các điểm dự kiến diễn ra hội nghị... Trước Hội nghị Thượng đỉnh, các cơ quan của Triều Tiên cũng như phía Mỹ cử bộ phận đặc vụ sang làm công tác tiền trạm, sau đó lựa chọn địa điểm để quyết định Hội nghị diễn ra tại đâu.

Phương án phía Mỹ và Triều Tiên đưa ra liên tục thay đổi để sau đó họ lựa chọn hợp lý nhất. Đoàn tuỳ tùng Mỹ và Triều Tiêu đã sang trước khảo sát khoảng 8 khách sạn 5 sao ở Hà Nội. Trong đó có các khách sạn Hilton, Melia, Keangnam, Metropole, Sheraton, Marriot… Đoàn ta đã dẫn bạn đi khảo sát những khách sạn trên để họ lựa chọn…

Sau khi khảo sát xong, phía Triều Tiên lựa chọn khách sạn Melia. Còn Mỹ thì lựa chọn 3 nơi: Tổng thống Trump lưu trú ở khách sạn Marriot, đoàn tuỳ tùng thì lưu trú tại khách sạn Crown, còn đội phản ứng nhanh ở toà nhà Keangnam 72 tầng. Trước thực tế trên, Đội tuần tra dẫn đoàn đã huy động 100% cán bộ chiến sĩ, đồng thời tăng cường thêm 40 chiến sĩ CSGT từ các đội, trạm CSGT trên địa bàn để tham gia làm công tác dẫn đoàn”, Trung tá Hải thông tin.

img
Phương án đón dẫn đoàn Tổng thống Mỹ luôn thay đổi thời gian cũng như lộ trình

Trung tá Hải nói, thực tế Công an TP Hà Nội xây dựng rất nhiều phương án để đón dẫn phục vụ cho Hội nghị Thượng Đỉnh Mỹ- Triều. Cụ thể, trong phương án chung thì có nhiều phương án riêng. Ví dụ, phương án đón dẫn cho Tổng thống Mỹ khác với phương án đón dẫn Chủ tịch Triều Tiên. Hơn nữa, mỗi một phương án chính đều đi kèm theo 3- 4 phương án dự phòng.

Theo TS Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Học viện Ngoại giao, về việc lựa chọn địa điểm, dù đã lựa chọn Việt Nam nhưng Mỹ muốn làm ở Đà Nẵng - nơi mà Tổng thống Donald Trump đặc biệt ấn tượng và thích thú sau khi dự Hội nghị APEC. Bên cạnh đó, các đoàn an ninh và tiền trạm của Mỹ đã khảo sát rất kỹ Đà Nẵng.

Trong khi đó, phía Triều Tiên lại lựa chọn Hà Nội vì Hà Nội là Thủ đô - cái nôi của cách mạng và là nơi ông nội của Chủ tịch Kim Jong Un từng đến thăm.

Sau quá trình đàm phán về địa điểm tại Bình Nhưỡng, đặc phái viên của Mỹ đã phải gọi điện về báo cáo Tổng thống Trump về việc Triều Tiên chọn Hà Nội chứ không phải Đà Nẵng".

Cũng theo Trung tá Hải, công tác đón dẫn các đoàn của Mỹ thay đổi liên tục. Ví dụ phương án chính của CSGT Hà Nội là dẫn đoàn Tổng thống Trump đi đường Nguyễn Thái Học- Hai Bà Trưng - Lý Thái Tổ để đến nơi diễn ra hội nghị.

Tuy nhiên, phía đoàn Mỹ lại yêu cầu đi theo đường Hàng Bông- Nguyễn Hữu Huân để đến nơi họp. Nhưng lúc đoàn về lại đi đường khác, đi ngược đường Nguyễn Thái Học- Cửa Nam, đi ngược chiều đường Nguyễn Thái Học- Kim Mã…

Tuy nhiên, do có phương án dự phòng sẵn sàng nên Công an TP Hà Nội đã đáp ứng và đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các đoàn, dù bất kể di chuyển theo hướng nào. Đó cũng là điều khiến Trung tá Hải ấn tượng nhất trong lần đón dẫn đoàn nguyên thủ dự Thượng đỉnh Mỹ- Triều.

“Trước đó vào tháng 11/2017, sau hội nghị APEC ở Đà Nẵng, Tổng thổng Mỹ đã thăm chính thức Việt Nam và nghỉ tại khách sạn Sofitel Legend Metropole ngay trung tâm Thủ đô. Có lẽ vì thế mà các đặc vụ của Tổng thống Trump đã rất quen công việc, những tuyến đường ở Hà Nội. Các đặc vụ Mỹ tỏ ra rất thân thiện, cởi mở với cảnh sát Việt Nam.

Trái lại, 12 đặc vụ bảo vệ Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un thì khác hẳn, họ không tiếp xúc với bất kì ai cả, có thể do quy định, do nét văn hoá. Mình có nói chuyện họ cũng không bắt chuyện, mà tất cả thông tin qua phiên dịch, hỏi gì họ cũng không nói…”, Trung tá Hải chia sẻ cảm nhận.

Được biết, đến nay Trung tá Hải đã có 24 năm công tác trong ngành, 18 năm làm CSGT và 14 năm làm công tác dẫn đoàn. “Nói về đón dẫn các đoàn nguyên thủ đến Việt Nam, tôi cũng không thể nhớ hết được vì đến nay tôi chỉ huy đón dẫn rất nhiều đoàn nguyên thủ các nước. Cứ bình quân mỗi một năm đơn vị phục vụ đón dẫn khoảng 10 đoàn nguyên thủ”, Trung tá Hải nói.

img
Thiếu tướng Trần Quốc Trung, Cục phó Cục CSGT thị sát đường QL1 Hà Nội- Lạng Sơn

Cục CSGT, Tổng Cục đường bộ VN phối hợp nhịp nhàng đảm bảo giao thông

Thiếu tướng Trần Quốc Trung, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cũng chia sẻ, được giao nhiệm vụ đảm bảo ATGT chung và đón dẫn đoàn Triều Tiên là vinh dự rất lớn đối với cán bộ chiến sĩ Cục CSGT, nhưng cũng là thử thách bởi lần đầu tiên lực lượng CSGT dẫn đoàn nguyên thủ quốc gia đi đoạn đường dài gần 170km bằng ô tô và mô tô.

Theo kế hoạch, lực lượng CSGT đón Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tại ga Đồng Đăng, Lạng Sơn, sau đó dẫn về Khách sạn Melia Hà Nội theo đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang và ngược lại, trong đó đoạn dài nhất, khó đi nhất là đường từ Lạng Sơn về Bắc Giang dài 94,4km, đường có nhiều đèo dốc, quanh co.

Bên cạnh đó, trên tuyến còn một số đoạn đường đang được nhà thầu thi công nên đường gồ ghề, khó đi, đặc biệt đoạn ngã tư Kế (Bắc Giang) nhà thầu đang làm cầu vượt nên tuyến từ Lạng Sơn về Hà Nội còn khoảng 1km đang thi công nên phải đi vòng.

Để đảm bảo an toàn, thuận lợi, Cục CSGT đã phối hợp với Tổng Cục đường bộ VN (Bộ GTVT) và nhà thầu bàn bạc, tìm giải pháp tốt nhất. Theo đó, đêm 25/2, lực lượng chức năng đã rải thảm đoạn đường trên, đảm bảo cho việc dẫn đoàn được thông suốt, an toàn.

Bên cạnh đó, Cục CSGT phối hợp Tổng Cục đường bộ VN và Công an 4 địa phương trên tuyến gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn có phương án phân luồng giao thông từ xa, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân chủ động trong việc tham gia giao thông, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân; khảo sát, đảm bảo an toàn tuyến đường sắt chạy song song với đường bộ, các rà chắn đường sắt và các cầu vượt sông.

img
Ông Đặng Văn Chung, Vụ phó ATGT- Tổng Cục đường bộ VN cùng đoàn công tác Cục CSGT chỉ đạo lực lượng đảm bảo hành lang an toàn trên QL1 đoạn Hà Nội- Lạng Sơn

Trong khi đó, ông Đặng Văn Chung, Phó vụ trưởng Vụ ATGT- Tổng Cục đường bộ Việt Nam cũng chia sẻ, ngày 20/2, Tổng Cục đường bộ VN có công văn gửi Sở GTVT, Công an 4 tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn về Hà Nội họp với Tổng Cục để bàn phương án đảm bảo giao thông thông suốt an toàn cho đoàn Triều Tiên dự Hội nghị Thượng đỉnh. Theo đó, tuyến đường Hà Nội- Lạng Sơn sẽ là ưu tiên số 1.

“Quá trình kiểm tra trên tuyến QL1 qua 4 địa phương trên, vẫn có một số công trình đang hoạt động, Tổng Cục đường bộ Việt Nam đã cho dừng toàn bộ các dự án đang thi công trên tuyến đường này. Đồng thời các vị trí giao thông có ổ gà, mặt đường không êm thuận sẽ được triển khai cho lu, lèn, trải nhựa đảm bảo mặt đường êm thuận để đón đoàn Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un”, ông Chung thông tin.

Theo đó, toàn bộ hành lang ATGT hai bên đường tuyến QL1 từ Hà Nội lên tới Lạng Sơn đều được dẹp bỏ lều lán, mái che mái vảy, bổ sung vạch sơn và biển báo hiệu đường bộ trên toàn tuyến. Thanh tra giao thông của 4 địa phương trên cũng được huy động 100% quân số để phối hợp với công an đảm bảo giao thông trên toàn tuyến.

“Cũng nhân dịp này, một số các trường hợp cố tình vi phạm gầm cầu vượt mà trước đây cơ quan chức năng nhiều lần không xử lý được thì lần này đã x lý được hết. Ví dụ tại các vị trí cầu vượt khu vực 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, nơi mà trước đây các xe ôm hay tụ tập, hàng quán bán rong dưới gầm cầu. Sau khi dẹp bỏ, Tổng Cục đã giao lại cho Thanh tra giao thông địa phương làm nghiêm, không để tái diễn”, ông Chung cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.