Chính trị

Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội: “Giấy chứng nhận vàng” cho Việt Nam

01/03/2019, 07:00

Theo GS.TSKH. Vũ Minh Giang, tổ chức thành công Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội là bước nhảy vọt quảng bá thương hiệu của Việt Nam.

img
GS. Vũ Minh Giang với Tổng thông Donald Trump lại lễ Quốc yến 2017

Toàn thế giới những ngày qua đều hướng về Hà Nội, Việt Nam theo dõi mọi diễn biến của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai. Dẫu cho kết quả đàm phán giữa các bên diễn ra không như nhiều người mong đợi, song cả thế giới đã được chứng kiến một đất nước Việt Nam thân thiện, mến khách, yêu chuộng hòa bình và luôn làm mọi cách tốt nhất để gìn giữ hòa bình. Báo Giao thông có cuộc trao đổi với GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhân sự kiện này.

Hai bên ngồi lại với nhau đã là một thành công

Việt Nam cũng đã từng tổ chức nhiều sự kiện quốc tế lớn như APEC, ASEM với sự có mặt của hàng chục nguyên thủ, nhưng vì sao lần này, chỉ với sự góp mặt của lãnh đạo hai nước Mỹ - Triều Tiên lại thu hút sự quan tâm của thế giới đến vậy, thưa ông?

Một lý do đặc biệt quan trọng chính là vì trong một thời gian dài trước khi có cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất, thế giới đã từng bị “đun nóng” lên đến mức ở “bên lò lửa chiến tranh”. Bên này thì phóng tên lửa vượt đại dương mang đầu đạn hạt nhân, bên kia cũng tuyên bố cứng rắn, làm cho thế giới có cảm giác cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 3 có thể nổ ra bất cứ lúc nào.

Vì thế, khi hai cực đụng vào nhau tạo ra sự bùng nổ ấy có thể ngồi lại với nhau thì chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm, kỳ vọng rất lớn của toàn thể nhân loại. Tầm mức của nó bởi vậy cũng hơn hẳn so với tất cả các sự kiện khác.

Trong quá khứ, chúng ta từng đã phải thông qua một quốc gia khác để đàm phán hoà bình, nay lại trở thành nơi kiến tạo hoà bình thế giới, ông đánh giá việc này thế nào?

Cũng không hẳn, hai chuyện ấy là khác nhau. Có những vấn đề của mình với nước nào đó thì chưa chắc đã đàm phán ở nước ta mà vẫn phải chọn một nước thứ ba để đảm bảo công bằng, khách quan. Trước đây, ta phải mượn Thuỵ Sỹ để có Hiệp định Giơ-ne-vơ và phải mượn Pháp để có Hiệp định Paris là nhằm đảm bảo tính trung gian khách quan và nhiều tính chất khác nữa.

Nhưng điều đáng nói là Hà Nội đã trở thành nơi đăng cai những sự kiện quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thu hút sự quan tâm của cả thế giới, đó cũng là một bước trưởng thành vượt bậc, một bước “xoá ẩn số” toàn diện. Từ nay trở đi có thể mở ra một trang mới về vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, nghĩa là Việt Nam có thể đảm đương sứ mệnh là nơi diễn ra những sự kiện quan trọng hàng đầu thế giới.

Ông có cho rằng, câu chuyện sẽ trở nên mỹ mãn hơn nếu như Mỹ - Triều tìm được tiếng nói chung?

Yêu cầu đặt ra cho Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ nhất và được coi đã thành công là Mỹ - Triều Tiên đã ngồi được với nhau, vì trước đó cho đến phút cuối cùng, người ta không biết sự kiện đó có diễn ra hay không, với tính chất phức tạp của quan hệ Mỹ - Triều và tính cách mạnh mẽ của nhà lãnh đạo hai quốc gia. Cuối cùng ngồi được với nhau, bắt tay nhau và hứa hẹn hai nước sẽ có tiến triển, đó là thành công rồi.

Từ sau Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ nhất thì đã không có thêm một vụ thử tên lửa, hạt nhân nào nữa và có những chuyển biến tích cực, đó là thành công lớn rồi.

Rõ ràng cả thế giới đã trông chờ vào kết quả Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 và nếu như thỏa thuận đạt được sẽ có lợi cho cả 2 bên, là Hiệp định hoà bình chấm dứt chiến tranh giữa Mỹ - Triều Tiên đã trì hoãn từ năm 1953 đến nay. Tuy nhiên, cần nhìn nhận là ngay một lúc có thể giải quyết mọi vấn đề thì rất khó, bởi tính chất phức tạp về chính trị, ngoại giao trong mối quan hệ này.

img
GS. Vũ Minh Giang tại làng quê cố Chủ tịch Kim Nhật Thành


Bước nhảy vọt quảng bá thương hiệu của Việt Nam

Hồi năm 2009 khi tôi gặp cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, ông ấy nói rằng, Việt Nam có 2 nguồn tài nguyên cực lớn, trước hết là con người, ở Đông Nam Á khó có dân tộc nào có thể sánh với người Việt Nam trên nhiều phương diện. Thứ hai là cơ hội, Việt Nam rất dồi dào cơ hội. Nhưng ông Lý Quang Diệu cũng cho rằng, Việt Nam là quốc gia khai thác chưa tốt, còn bỏ phí hai nguồn tài nguyên này. Đó là câu chuyện của 10 năm trước. Sau 10 năm nhìn lại, tôi thấy mọi chuyện đã khác.
GS.TSKH. Vũ Minh Giang


Điều rất đáng tiếc là Mỹ và Triều Tiên đã không đạt được thỏa thuận chung. Tuy nhiên, ông có cho rằng, qua lần tổ chức rất tốt sự kiện này, thế giới đã biết đến Việt Nam nhiều hơn, vị thế của chúng ta trên trường quốc tế đã được nâng lên ở một tầm cao mới?

Trước hết, để cho 2 nhà lãnh đạo của 2 quốc gia đối địch nhau, có tên lửa và vũ khí hạt nhân chấp nhận ngồi với nhau tại Việt Nam là một điều rất đặc biệt. Và việc chúng ta được lựa chọn chính là kết quả của chính sách làm bạn với tất cả các nước, không bị ai lôi kéo, không bị ai chi phối. Đó là chính sách độc lập trong ngoại giao của Việt Nam. Hai bên đều thấy rất yên tâm và hài lòng khi chọn Việt Nam, cho thấy chính sách đối ngoại của ta đã thành công và thành công này là kết quả của rất nhiều năm tháng thực thi chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ.

Thứ hai, môi trường an ninh an toàn của Việt Nam đã tạo ra sự yên tâm và tin cậy chính trị cho hai nước. Lâu nay, Việt Nam đã nói nhiều về vấn đề này nhưng có thể nói chưa có giấy chứng nhận nào giá trị bằng việc được chọn là nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều. Tôi cho rằng, đây chính là “giấy chứng nhận vàng” cho Việt Nam, khi được cả hai nước đều có yêu cầu tuyệt đối về an ninh, an toàn lựa chọn.

Thứ ba, yêu cầu phục vụ toàn diện cho sự kiện cỡ này đòi hỏi chuẩn mực quốc tế rất cao. Không chỉ có vấn đề an ninh mà còn phải làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho hàng nghìn PV quốc tế đến tác nghiệp và những yêu cầu này luôn rất cao. Đến nay, mọi thứ đều nhận được sự hài lòng, đây sẽ là điểm cộng cho khả năng tổ chức sự kiện quốc tế ở Việt Nam - một sự kiện không chỉ lớn mà còn đặc biệt, cực kỳ khó khăn, phức tạp.

Một ý nghĩa rất quan trọng khác, chính là hiệu ứng về mặt ảnh hưởng toàn diện của Việt Nam trên trường quốc tế. Trước đây, chỉ cần xuất hiện 1 phút trên kênh truyền hình CNN của Mỹ thôi là chúng ta đã mất cả nửa triệu USD, nhưng giờ thì không chỉ riêng CNN mà tất cả các hãng thông tấn lớn nhất của thế giới đều ở đây và nói về Việt Nam, nói về Hà Nội, rất nhiều. Và không chỉ nói thời điểm này, mà tôi tin sau đó Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục được nhắc đến. Việc được quảng bá hình ảnh như vậy rất đáng quý.

Xưa nay chúng ta cũng có những tiếng vang, tạo ra đột phá để thế giới quan tâm nhưng nó chỉ ảnh hưởng với từng bộ phận, từng giới thôi, còn cuộc gặp Thượng đỉnh lần này được người dân toàn thế giới theo dõi. Hình ảnh Việt Nam được lan toả toàn diện trong một thời gian dài trên tất cả phương diện và chắc chắn chúng ta sẽ nhận được rất nhiều lời ca ngợi từ thế giới.

Từ đó, sự quan tâm của thế giới với Việt Nam sẽ tăng lên không ngừng, nhiều người sẽ muốn đến với Việt Nam trải nghiệm, khám phá. Và khi khách quốc tế đến thì nguồn lợi sẽ đến theo.

Đó là chưa kể sự chu đáo của Chính phủ và việc tạo được niềm tin của chính quyền sẽ giúp kích thích đầu tư vào Việt Nam. Nhiều chuyên gia đã dự đoán sau sự kiện này thì đầu tư trực tiếp vào Việt Nam có thể sẽ tăng lên. Sự kiện này cũng sẽ có những tác động lâu dài, nâng cao tính tự tin của người dân Việt Nam bởi lâu nay, nhiều lúc chúng ta thường tự ti và đánh giá không đúng về mình.

Từ thành công của lần tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này, theo ông Việt Nam có thể hướng tới xây dựng thương hiệu như một điểm đến thích hợp cho việc tổ chức các hoạt động chính trị, kinh tế - xã hội mang tầm cỡ quốc tế?

Thương hiệu quốc gia là chiến lược mà Chính phủ đã đề ra trong những năm gần đây. Thương hiệu quốc gia không chỉ là câu chuyện trở thành điểm đến tin cậy hay là nơi đăng cai tổ chức các sự kiện lớn của thế giới mà nó còn nhiều ý nghĩa sâu rộng hơn, hiệu quả cao hơn thế.

Nói cho đúng, không phải sau sự kiện này chúng ta mới nghĩ đến xây dựng thương hiệu mà ta đã có chiến lược xây dựng thương hiệu từ trước rồi, sự kiện này sẽ như một cú hích, đột phá để nâng tầm, quảng bá thương hiệu quốc gia. Đây là thời cơ cực kỳ tốt.

Sự kiện này chính là một việc tạo ra sự phát triển nhảy vọt trong khẳng định thương hiệu quốc gia ở Việt Nam. Việt Nam lâu nay là điểm đến hấp dẫn khi đi đâu cũng thấy cảnh đẹp, người dân thân thiện, ẩm thực phong phú thì nay còn là nơi đảm bảo tốt an ninh an toàn, sẵn sàng tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế.

Tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ là dấu son, là bước nhảy vọt trong phát triển quảng bá thương hiệu quốc gia.

Cảm ơn ông!

PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch:
Cần kế hoạch cụ thể để quảng bá du lịch

Sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tổ chức tại Hà Nội đã quảng bá rất tốt du lịch về cả hình ảnh, sản phẩm. Nhất là qua việc mời phóng viên nước ngoài trải nghiệm du lịch thắng cảnh, ẩm thực của Hà Nội và của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu có nhiều thời gian hơn, được chuẩn bị kỹ hơn như đưa khách đến đâu, trải nghiệm những gì… thì việc quảng bá càng hiệu quả hơn. Nhưng cũng phải nói, trong một thời gian ngắn làm được như vậy cũng đã là nỗ lực lớn của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, khi hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Dù bước đầu quảng bá du lịch có hiệu quả nhưng cần tận dụng các cơ hội sự kiện này mang lại, không nên bỏ lửng rất phí.

Trước đây, Việt Nam cũng có nhiều cơ hội, ngay như sự kiện cựu Tổng thống Obama đến thăm Việt Nam thưởng thức món bún chả… cao trào đẩy lên rồi ngắt quãng.

Cần kế hoạch quảng bá cụ thể, làm đậm hơn những gì đã làm và cần làm liên tục để thực sự mang lại hiệu ứng từ sau sự kiện lớn này.

Để làm được điều này, Tổng cục Du lịch là cơ quan đầu mối nên cần có trách nhiệm phối hợp với Hà Nội đẩy mạnh quảng bá thêm hình ảnh du lịch trong giai đoạn sắp tới.

Vũ Anh (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.