Góc nhìn

Thượng đỉnh Trump - Kim sẽ diễn ra ở Singapore?

08/05/2018, 07:37

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đang đến gần, có thể sau ngày 22/5 và ở Singapore?

31

Ba nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc và Triều Tiên

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đang đến gần, có thể sau ngày 22/5 (thời điểm Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng). Tuy nhiên, một nguồn tin mới tiết lộ rằng, thời điểm của cuộc gặp lịch sử có thể được lùi tới giữa tháng 6 và sẽ tại một nước thứ ba, không nằm trên bán đảo Triều Tiên.

Diễn ra tại Singapore vào tháng 6?

Tờ Chosun và hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc ngày 7/5 cho hay, Mỹ và Triều Tiên đã chọn được địa điểm cho cuộc gặp lịch sử sắp tới và khả năng cao sẽ là tại Singapore vào giữa tháng 6. Theo nguồn tin này, dù Tổng thống Trump đã đưa ra ý tưởng tổ chức cuộc đàm phán lịch sử trong khu vực mang tính biểu tượng cao - làng Bàn Môn Điếm (Panmunjom), dọc biên giới giữa hai miền Triều Tiên, nhưng hai bên đã chọn nước thứ ba là Singapore.

Nguồn tin cũng cho biết, thời gian dự kiến ​​của hội nghị thượng đỉnh sẽ bị lùi lại từ cuối tháng 5 đến tuần thứ 3 của tháng 6, một phần vì chờ đợi sau Hội nghị thượng đỉnh G7 (có sự tham gia của Nhật Bản và Mỹ), tại Canada vào hai ngày 8 và 9/6.

Tuy nhiên, nguồn tin cũng để ngỏ khả năng thay đổi vào phút chót bởi không thể dự đoán trước những quyết định của ông Trump. Chính Tổng thống Mỹ cũng tiết lộ thời gian và địa điểm cuộc họp của ông với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã được quyết định, nhưng lại không cung cấp thêm chi tiết. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng cảnh báo trước rằng ông có thể hủy cuộc họp này nếu ông không cảm thấy nó sẽ “thành công”.

Theo giới quan sát, triển vọng về hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim tăng lên rõ rệt sau khi hai nhà lãnh đạo Triều Tiên, Hàn Quốc ký Tuyên bố Bàn Môn Điếm ngày 27/4 - đồng ý cùng hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và mở ra một “kỷ nguyên hòa bình mới”. Đồng thời, việc Tổng thống Moon tới Washington ngày 22/5 để bàn kế hoạch cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ tạo đà cho việc kết thúc chính thức cuộc chiến tranh Triều Tiên.

Thẻ bài kiềm chế Trung Quốc?

Phân tích những vấn đề có thể được đặt lên bàn đàm phán Mỹ - Triều, các nhà phân tích về Đông Á cho rằng, khả năng “thẻ bài” Trung Quốc sẽ được sử dụng trong cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump, bởi đây là xem xét ưu tiên nhất của Mỹ vào thời điểm này.

Các chuyên gia dự đoán, cuộc gặp này chắc chắn sẽ trở thành một trong những sự kiện thay đổi địa chính trị gây bất ngờ nhất kể từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Sau cuộc họp, Triều Tiên khó có thể trở thành nước kiểu “chư hầu” của Mỹ, nhưng Mỹ có thể khiến Triều Tiên trở thành phương tiện mới để ứng phó với Trung Quốc.

GS. Trịnh Vĩnh Niên (Đại học Quốc gia Singapore) cho rằng, yêu cầu lợi ích cao nhất của Mỹ là đối trọng với Trung Quốc. Bởi xét mối quan hệ tế nhị giữa Trung Quốc và Mỹ về vấn đề Đài Loan trong những năm gần đây, có thể thấy ông Trump là một doanh nhân chuyên nghiệp không để ý nhiều đến ý thức hệ và cũng thực dụng hơn bất kỳ Tổng thống Mỹ nào kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Vì thế, nếu ông Trump kéo được Bình Nhưỡng đứng về phía mình, chí ít là trên quan hệ hợp tác, đối tác thì điều này quả là bất lợi với Bắc Kinh.

Ngược lại, nếu cuộc đàm phán Mỹ - Triều đổ vỡ, Triều Tiên trở thành quốc gia hạt nhân sẽ là tiền đề để Hàn Quốc và Nhật Bản phát triển vũ khí hủy diệt này - đây chỉ là vấn đề thời gian chứ không phải vấn đề kỹ thuật.

Như vậy, Trung Quốc sẽ rơi vào thế bị bao vây bởi các quốc gia sở hữu hạt nhân (các nước láng giềng khác gồm: Nga, Ấn Độ và Pakistan đều đã sở hữu vũ khí hạt nhân), GS. Trịnh Vĩnh Niên nhận định.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc lại rằng, dù chính sách của Trung Quốc cho thấy, vấn đề trên bán đảo Triều Tiên là vấn đề của riêng Washington và Bình Nhưỡng, ông Kim Jong-un đã có chuyến thăm tới Bắc Kinh (không chính thức) để tiếp kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vừa rồi. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng vừa có chuyến thăm tới Bình Nhưỡng sau hội nghị này và đang lên kế hoạch cho chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Triều Tiên theo lời mời của ông Kim Jong-un.

Thêm vào đó, cuối tuần qua, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại trong Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có cuộc điện thoại với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo để khẳng định vị trí của Bắc Kinh trong giải quyết các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên. Trong cuộc điện đàm, ông Dương cũng đề cập tới phương án “đóng băng kép” mà Trung Quốc từ lâu vẫn nỗ lực duy trì để giải quyết vấn đề trên bán đảo Triều Tiên. Theo đó, giải pháp này kêu gọi Triều Tiên dừng chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc Mỹ ngưng các cuộc tập trận quân sự tại Hàn Quốc.

Diễn biến này cho thấy, Trung Quốc đã xác định rõ, vị trí chiến lược của Triều Tiên trong “màn cân não” với cường quốc đối nghịch cách xa nửa bán cầu và đang cố gắng tránh bị “ra rìa” trong các cuộc đàm phán trên bán đảo Triều Tiên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.