Chuyện dọc đường

Thưởng Tết và câu chuyện làm thương hiệu

20/01/2016, 09:19

Thưởng Tết năm nay đã mang đến bất ngờ lớn khi mức cao nhất vừa được công bố lên đến 2 tỷ đồng...

2

Công nhân Công ty Keo Hwa Vina chán nản vì bị nợ lương, còn thưởng Tết là chuyện xa vời - Ảnh: Hải Nam

Tuy nhiên, thưởng Tết ngày càng có sự phân hóa rõ nét. Bên cạnh một số ít những đơn vị có mức thưởng gấp tới 60 lần thu nhập bình quân theo đầu người cả năm tại Việt Nam (1.400 USD/người/năm) - như trường hợp kể trên - làm người lao động nức lòng; Thì không ít nơi, thưởng Tết chỉ là những sản phẩm do chính người lao động làm ra, như là mì chính, quần đùi, giấy vệ sinh. Thậm chí, có doanh nghiệp, người lao động nhận thưởng xong không khỏi ngậm ngùi vì biết sử dụng vào việc gì khi sản phẩm là... gạch hay nhang hương...!

Sự phân hóa này, trước hết phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Báo cáo của các doanh nghiệp cũng cho thấy, trong khi có những đơn vị đạt lợi nhuận năm 2015 cả nghìn tỷ, thậm chí cả chục nghìn tỷ đồng, thì cũng có những đơn vị chỉ “tồn tại được đã là thành công”. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2015, đã có 80,9 nghìn doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động, cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.

Những năm gần đây, thông tin về thưởng Tết ngày càng thu hút sự quan tâm lớn, không chỉ với người lao động mà còn của toàn xã hội. Thưởng Tết, trước hết là phản ánh hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, qua đó phần nào thể hiện bức tranh kinh tế đất nước. Thưởng Tết, cũng là quyền lợi, động lực cho người lao động sau cả một năm nỗ lực, cống hiến. Đồng thời, thưởng Tết cũng thể hiện đường lối, chính sách, chế độ, mức độ quan tâm của người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp với cán bộ, công nhân viên trong đơn vị.

Về cơ bản, chủ doanh nghiệp nào cũng muốn đơn vị của mình có lợi nhuận và chia sẻ cho người lao động - nguồn lực quan trọng đóng góp vào kết quả đó. Bởi ngoài ý nghĩa trả công, động viên, khuyến khích người lao động gắn bó, cống hiến, thưởng Tết ở khía cạnh nào đó cũng góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu của chính doanh nghiệp đó. Một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả, lại có chính sách lương, thưởng xứng đáng cho người lao động, chắc chắn là một giá trị mà thị trường hướng đến. Và thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp đó cũng tăng cơ hội tiếp cận, tiếp nhận của người tiêu dùng. Chính vì lợi ích “kép” đó, hoạt động thưởng Tết ngày càng được nhiều doanh nghiệp quan tâm, đẩy mạnh, từ đó góp phần gia tăng quyền lợi thiết thực cho người lao động.

Tuy nhiên, cách làm thương hiệu thông qua hoạt động thưởng Tết này, để bền vững, xét đến cùng vẫn phải chất lượng, hiệu quả. Bởi thực tế cũng có một số doanh nghiệp dùng thưởng Tết như một “chiêu trò” để quảng bá thương hiệu. Theo đó, mức thưởng Tết được công bố rất cao, nhưng giá trị thực chất người lao động nhận được không tương xứng, bởi có thể bị “bớt xén” từ thu nhập hàng tháng hay chế độ phúc lợi... Thậm chí, có cả trường hợp doanh nghiệp thua lỗ, nợ thuế, song vẫn công bố mức thưởng “khủng” để thu hút sự chú ý. Trong trường hợp đó, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp sẽ phải đổi lấy rủi ro không nhỏ. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.