Xã hội

Giám sát tận thu trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở cao tốc Bắc - Nam

11/07/2022, 10:00

Chính phủ đề nghị được UBTV Quốc hội giao chỉ đạo UBND các tỉnh giám sát tận thu đúng trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở dự án cao tốc.

Kiến nghị chuyển đổi 1.721,96 ha diện tích đất trồng lúa hai vụ trở lên

Sáng nay (11/7), tại phiên họp thứ 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

img

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chuyển mục đích đất trồng lúa của Dự án cao tốc Bắc - Nam

Báo cáo tóm tắt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, với nội dung chủ yếu như sau:

Diện tích rừng đề nghị chuyển mục đích sử dụng 1.054,63 ha, bao gồm: 111,84 ha rừng phòng hộ, 4,45 ha rừng đặc dụng, 802,91 ha rừng sản xuất, 135,43 ha rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng (có nguồn gốc rừng phòng hộ 14,89 ha, từ rừng đặc dụng 0,22 ha, từ rừng sản xuất 120,32 ha).

Diện tích đất lâm nghiệp 1.863,94 ha, bao gồm: đất rừng phòng hộ 138,10 ha, đất rừng đặc dụng 4,61 ha, đất rừng sản xuất 1.721,23 ha; Diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên 1.721,96 ha.

Báo cáo tóm tắt cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh có dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện làm căn cứ để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; triển khai thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định pháp luật.

Chỉ đạo UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa rà soát, điều chỉnh bổ sung diện tích đảm bảo chỉ tiêu quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh, cập nhật Dự án vào quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chỉ đạo UBND các tỉnh có dự án trong quá trình thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai Dự án cần thống kê, kiểm đếm chính xác về loại đất, diện tích đất, tài sản trên đất, về loại rừng, diện tích rừng; giám sát tận thu đúng trong phạm vi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không để các đối tượng lợi dụng như khai thác lâm sản ngoài phạm vi cho phép, lấn, chiếm đất nông nghiệp, lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển khoáng sản không đúng quy định; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phát sinh (nếu có).

Vì sao có sự chênh lệch diện tích chuyển đổi các loại đất?

Thẩm tra chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, một số ý kiến đề nghị bổ sung làm rõ hơn sự phù hợp của Dự án đối với các quy hoạch có liên quan (quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện) khi các quy hoạch này vẫn đang trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt.

"Ủy ban Kinh tế nhận thấy tại Tờ trình số 248, Chính phủ đã tiếp thu, giải trình các nội dung nêu trên. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương cập nhật nhu cầu sử dụng đất, rừng của Dự án vào các quy hoạch có liên quan để bảo đảm chặt chẽ các cơ sở, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng, rừng, đất trồng lúa nước hai vụ cho Dự án", báo cáo thẩm tra nêu.

Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, theo Tờ trình số 248, Dự án đang ở bước Báo cáo nghiên cứu khả thi, sau khi tính toán, chính xác lại số liệu so với Nghị quyết số 44 thì đất lâm nghiệp cần chuyển đổi là 1.863,94 ha, bao gồm: đất rừng phòng hộ 138,10 ha (tăng 28,10 ha tương đương 25,5%), đất rừng sản xuất 1.721,23 ha (tăng 285,23 ha tương đương 20%); diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên là 1.537,23 (tăng 5,23 ha).

"Do đó, một số ý kiến đề nghị làm rõ hơn nguyên nhân sự chênh lệch số liệu về chiếm dụng diện tích rừng, đất rừng và đất lúa giữa bước chủ trương đầu tư đã được Quốc hội thông qua và Tờ trình số 248 về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án", báo cáo thẩm tra nêu.

Về nội dung này, Ủy ban Kinh tế cho biết, trong bước nghiên cứu tiền khả thi, hướng tuyến chủ yếu được xác định trên bản đồ địa hình tỷ lệ 1/50.000 - 1/100.000, do đó số liệu được tính toán mang tính tương đối.

Tại bước lập hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất trồng lúa, việc xác định diện tích chiếm dụng, phân loại rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên được xác định trên nền bản đồ hiện trạng rừng, bản đồ hiện trạng sử dụng đất với tỷ lệ 1/2.000, nên đã phân định khá chi tiết, chính xác hơn về các loại rừng (rừng tự nhiên và rừng trồng; rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất), về đất rừng, đất trồng lúa và được cắm mốc tại thực địa, thống nhất với địa phương, các cơ quan liên quan, đây là nguyên nhân chính dẫn đến chênh lệch số liệu giữa Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Theo báo cáo giải trình bổ sung của Chính phủ, hướng tuyến của Dự án đã được lựa chọn phù hợp, vừa bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật của đường cao tốc, vừa hạn chế tối đa việc chiếm dụng rừng (đặc biệt là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ), đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên và các địa phương có diện tích rừng, đất rừng, đất lúa cần chuyển đổi phục vụ Dự án đã thống nhất bằng văn bản về hướng tuyến.

So với hướng tuyến bước nghiên cứu tiền khả thi, trong bước nghiên cứu khả thi, hướng tuyến đã điều chỉnh cục bộ tại một số vị trí nhằm nâng cao hiệu quả, bảo đảm kinh tế - kỹ thuật.

"Tuy nhiên, việc điều chỉnh này cơ bản không thay đổi nhiều về số liệu chiếm dụng rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án. Đồng thời, khu vực tuyến cao tốc đi qua chủ yếu là rừng trồng, rừng tự nhiên chỉ phân bố tại một số vị trí cục bộ, chiếm diện tích rất nhỏ (39,83 ha/1054,63 ha tổng diện tích rừng đề nghị thu hồi) và đây là khu vực bìa rừng nên chủ yếu là rừng tự nhiên có trữ lượng rừng ở mức nghèo kiệt", báo cáo thẩm tra nêu.

Tiếp đến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2022.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu.

Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 6/2022 (trong đó công tác dân nguyện tháng 05/2022); xem xét dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết Kỳ họp thứ 3 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV.

Theo dự kiến, phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bế mạc vào ngày 12/7.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.