Thế giới

Thương vụ S-400 của Nga có thể bị trừng phạt bởi Mỹ?

18/03/2018, 08:00

Thượng viện Mỹ đề nghị trừng phạt bất kỳ thương vụ nào của Nga bán hệ thống phòng không S-400 cho nước ngoài.

S-400

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga

Một nhóm các nhà lập pháp của Thượng viện Mỹ, dẫn đầu bởi Thượng nghị sĩ Bob Menendez, đã gửi thư tới Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng, bất kỳ thương vụ bán hệ thống phòng không S-400 nào của Nga nên bị trừng phạt theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA).

Sputnik trích dẫn một phần nội dung bức thư có đoạn: “Chúng tôi viết lá thư này vì những thông tin cho thấy Nga đang thương lượng với một số quốc gia về việc bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 và hành động này có thể kích hoạt các lệnh trừng phạt bắt buộc quy định trong đạo luật CAATSA”.

Các nhà lập pháp cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp phân tích chi tiết tình hình hiện tại các cuộc đàm phán S-400 của Nga với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Arab Saudi, Qatar và bất kỳ quốc gia nào khác.

Các thượng nghị sĩ đã dựa trên một báo cáo do Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội cho thấy rằng Nga đang làm việc về các thỏa thuận phòng thủ tiềm năng với các quốc gia khác nhau.

Những nỗ lực này này nhằm cố gắng ngăn cản việc hoàn tất các thỏa thuận S-400 của Nga với các quốc gia đối tác và cũng nhắc lại những cáo buộc của Washington về sự hiếu chiến của Nga ở Ukraine và can thiệp vào quá trình dân chủ ở nước ngoài.

Hiện, Nga và Ấn Độ sắp hoàn tất thương vụ vũ khí 5 tỷ USD bao gồm hệ thống S-400, theo tờ International Business Times (Mỹ). S-400 là hệ thống phòng thủ tiên tiến nhất, có thể tiêu diệt tất cả các vật thể xuất hiện trên không trung trong phạm vi trên 400 km, bao gồm các loại máy bay, tên lửa hành trình, phương tiện bay không người lái hay tên lửa đạn đạo, ở độ cao 50 km và tốc độ tối đa của mục tiêu là 4,8km/s.

Trước đây 1 ngày, Bộ Tài chính mỹ lần đầu tiên áp đặt Đạo luật CAATSA để giáng đòn trừng phạt chống lại 19 công dân và 5 tổ chức Nga do “Nga tiếp tục có các hành động gây bất ổn, từ việc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 đến việc tiến hành các cuộc tấn công mạng hủy diệt, bao gồm tấn công NotPetya, một cuộc tấn công mạng do quân đội Nga tiến hành vào ngày 15/2/2018”.

Quốc hội Mỹ đã thông qua CAATSA vào mùa hè năm 2017 và Tổng thống Donald Trump đã chính thức đưa nó vào luật ngày 2/8/2017.

Nga đã nhiều lần phủ nhận mọi cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ và cho rằng các cáo buộc này là “vô lý”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.