Thị trường

Thủy sản miền Tây xin sớm sản xuất vì sợ mất đơn hàng

Các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu ở miền Tây đang lo ngay ngáy vì nhiều khách hàng “dọa” chuyển qua mua tôm ở Ấn Độ, Thái Lan…

Nguyên do là vì các doanh nghiệp chưa thể hoạt động với một nửa công suất.

“Vua tôm” miền Tây sợ mất thị trường 10.000 tỷ

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú vừa gửi kiến nghị đến lãnh đạo tỉnh Cà Mau và Hậu Giang - nơi Minh Phú có các nhà máy chế biến tôm, trong đó bày tỏ lo ngại sẽ mất khách hàng nếu tình hình không được cải thiện.

img

Giá tôm sú nuôi hiện sụt thê thảm, giảm 40 - 50% so với trước thời điểm dịch bệnh, chỉ còn trên dưới 100.000 đồng/kg, dưới cả giá thành nuôi

“Hiện tại nhiều khách hàng trên khắp thế giới của Minh Phú đang khẩn thiết yêu cầu Minh Phú cung cấp đơn hàng đã ký để họ kịp bán trong dịp Noel. Nếu không giao được hàng thì họ sẽ bỏ sang mua của Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan thì Minh Phú mất khách hàng và mất thị trường. Mà để khôi phục được lại phải mất 3 - 5 năm và có khi mất luôn mà không khôi phục được lại nữa”, ông Quang nói.

Minh Phú lâu nay được xem là “vua tôm” của miền Tây, với khách hàng ở hơn 50 quốc gia, doanh thu xuất khẩu hàng năm đạt hơn 10.000 tỷ đồng.

“Đề xuất của Minh Phú lần này để cứu công nhân và cứu bà con nuôi tôm tỉnh Cà Mau cũng như ngăn chặn không làm phá vỡ chuỗi cung ứng tôm. Minh Phú mong muốn được sản xuất lại “bình thường mới”, nếu chậm nữa thì không thể nói trước điều gì”, ông Quang khẩn thiết.

Cũng theo ông Quang, công nhân của Minh Phú ở Cà Mau đã tiêm vaccine mũi 1 được 94,5%, còn công nhân của Minh Phú ở Hậu Giang cũng tiêm vaccine mũi 1 được 27,59%.

Minh Phú cũng đã thực hiện “xanh” nhà máy sản xuất với nhiều giải pháp nghiêm ngặt và hiệu quả, được chính quyền phê duyệt phương án phòng, chống dịch và sản xuất.

Doanh nghiệp cũng áp dụng phương án công nhân “xanh” với phương án test nhanh toàn bộ cán bộ, công nhân 3 ngày/lần, thực hiện 5K.

Khi đến nhà máy, tất cả được đo thân nhiệt, khử khuẩn, sát trùng. Và người nào đạt được tất cả các điều này thì mới được vào nhà máy.

Minh Phú cũng cam kết xây dựng và giữ vững gia đình “xanh”, phòng ở “xanh” với sự hỗ trợ và kiểm soát nghiêm ngặt của chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp; thực hiện y tế tại chỗ để xử lý tất cả những tình huống phát sinh nguy cơ.

Do đó, ông Quang mong lãnh đạo tỉnh Cà Mau và Hậu Giang xem xét cho Minh Phú được hoạt động, đưa sản xuất lại bình thường mới với công suất trên 70% trong lúc chờ tiêm đủ vaccine.

Trước mắt công nhân sẽ tiến hành sản xuất theo phương án “1 cung đường, 2 điểm đến”, mà ở đó điểm đến 1 là nhà máy Minh Phú, điểm đến 2 là nhà ở công nhân.

Công suất giảm một nửa, chi phí tăng mạnh

Nỗi lo của Minh Phú cũng chính là nỗi lo của doanh nghiệp thủy sản miền Tây trước nguy cơ mất khách hàng, mất thị trường vì đứt gãy sản xuất.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Fimex Sóc Trăng cho biết: “Nhà máy chế biến tôm của tôi thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” trong 2 tuần. Trước đó chúng tôi mất 1 tuần chuẩn bị. Lao động tham gia gần 40%, kể cả khối gián tiếp, nhưng sản phẩm chỉ đạt 25 - 30% so bình thường”.

Cơ bản kiến nghị của doanh nghiệp là hợp lý. Nhưng theo tôi, nếu công nhân được tiêm 2 mũi vaccine thì tự do di chuyển; nếu 1 mũi thì cần có thời gian từ 3 - 4 tuần trở lên. Nếu chưa tiêm, công nhân phải ở “vùng xanh” và phải xét nghiệm định kỳ; nếu là “vùng đỏ” thì phải “cắm trại”.
Doanh nghiệp phải chia nhiều ca hoạt động độc lập, tránh tiếp xúc để giảm khả năng lây nhiễm. Có thể từ nay đến ngày 15/9 cho doanh nghiệp thủy sản hoạt động 50% công suất, đến cuối tháng 9 nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì được hoạt động 100% công suất.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ


Ông Lực cho hay, nguyên nhân một phần do đội ngũ là sự gom chung nhân lực nhiều xưởng về chế biến tại 1 xưởng, một số kỹ năng chưa thành thục, năng suất không cao.

“Phí tổn tăng khá nhiều, song hiệu quả đạt được không như mong muốn. Nhưng nếu ngưng hoạt động, đối tác bắt đền bù hợp đồng thì sẽ to chuyện”, ông Lực nói.

Theo ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, tỉnh hiện có 30 doanh nghiệp và 38 nhà máy chế biến tôm, với sản lượng 200.000 tấn/năm.

Khi thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”, hầu hết các doanh nghiệp đều chưa sẵn sàng.

Dù được hỗ trợ, nhưng cũng chỉ có khoảng 30 - 50% doanh nghiệp, nhà máy đáp ứng được yêu cầu để sản xuất, số còn lại phải ngưng. Đến thời điểm này, công suất chỉ khoảng 50%.

Chi phí cho việc “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” rất cao vì doanh nghiệp phải thuê nhà trọ, khách sạn, thậm chí thuê cả đội xe vận chuyển công nhân…

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, bình quân 1 nhà máy thủy sản có 1.200 công nhân phải chi thêm 5 tỷ đồng/tháng để thực hiện những việc này.

Ông Lê Văn Quang cho biết, nhà máy của Minh Phú ở Cà Mau có 7.000 công nhân thì hiện chỉ có 1.600 người tham gia sản xuất; nhà máy tại Hậu Giang có 6.000 công nhân thì hiện chỉ có 1.300 người.

Nhà máy không sản xuất được nên không mua tôm. Vận chuyển tôm từ vùng nuôi đến nhà máy cũng rất khó khăn. Do vậy, bà con không thả giống.

“Dự kiến các tháng cuối năm, thời điểm thị trường tiêu thụ nhiều thì lại thiếu hụt tôm. Khi hết giãn cách, sản xuất lại bình thường thì sẽ thiếu nguyên liệu rất trầm trọng… Giá tôm sú nuôi hiện sụt thê thảm, giảm 40 - 50% so trước thời điểm dịch bệnh, chỉ còn trên dưới 100.000 đồng/kg, dưới cả giá thành nuôi”, ông Quang cho hay.

Và điều mà các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu lo nhất, như ông Quang đã nói ở trên, đó là do không đáp ứng được đơn hàng, các nhà nhập khẩu sẽ chuyển sang mua tôm của các đối thủ cạnh tranh lâu nay của Việt Nam như Thái Lan, Ấn Độ… Bao công sức gây dựng, quan hệ với khách hàng giờ có nguy cơ đổ sông đổ biển.

Theo các doanh nghiệp chế biến tôm, hiện Vĩnh Long, Bạc Liêu... đã nới lỏng giãn cách, nhiều nơi áp dụng Chỉ thị 15 và cấp giấy đi đường cho công nhân một số nhà máy, công trường... làm việc trở lại.

Do đó, cần xem xét nếu doanh nghiệp đáp ứng phương án phòng, chống dịch thì có thể cho hoạt động 100% công suất trở lại trong điều kiện bình thường mới.

Thay vì áp dụng “3 tại chỗ” thì doanh nghiệp có thể áp dụng “1 cung đường, 2 điểm đến”, mà ở đó điểm đến 1 là nhà máy, điểm đến 2 là nhà ở công nhân, thay vì ăn nghỉ tại chỗ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.