Bạn cần biết

Thủy triều đỏ "đầu độc" sinh vật biển như thế nào?

28/04/2016, 09:31
image

Thủy triều đỏ hình thành từ tảo biển khiến sinh vật thiếu oxy hoặc bị nhiễm độc dẫn đến chết hàng loạt.

thuy-trieu-do

Thủy triều đỏ hình thành từ tảo biển khiến sinh vật thiếu oxy hoặc bị "đầu độc" dẫn đến chết hàng loạt. (Ảnh: Alamy)

Liên quan đến hiện tượng cá chết hàng loạt ở biển miền Trung, tối 27/4, Bộ TN&MT đã tổ chức họp báo công bố nguyên nhân của vụ việc này.

Theo đó, Bộ này công bố 2 nguyên nhân chính là: "Do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền, trên biển" và "Do hiện tượng dị thường của thiên nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa, thủy triều đỏ như đã xảy ra ở nhiều nước".

Tại nước ta, thủy triều đó từng xuất hiện vùng biển của nhiều địa phương như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận...

Thủy triều đỏ là gì?

Hiện tượng thủy triều đỏ thường xuất hiện ở biển trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 9 trong năm. Khi có hiện tượng này, nước biển sẽ đổi sang màu đỏ, nâu, cam...

Sự thay đổi màu sắc của nước biển là do sắc tố của tảo biển. Tảo biển bùng nổ đột ngột về số lượng đã khiến nước biển đổi màu nhanh chóng. Số lượng tảo biển bùng nổ phụ thuộc vào các yếu tố như ánh sáng mặt trời, nhiệt độ nước biển, chất dinh dưỡng trong nước...

Tại Việt Nam, hiện tượng El Nino đã ảnh hưởng dẫn đến việc nước biển ấm hơn. Ngoài ra, các loại nước thải sinh hoạt, công nghiệp có thể là chất động với động vật nhưng lại là dinh dưỡng của vi tảo.

 (Nguồn: VTC14)

Thủy triều đỏ "đầu độc" sinh vật biển như thế nào?

Theo thống kê của các nhà khoa học thì có khoảng 5.000 loài sinh vật phù du biển trong đó có khoảng 300 loài có thể bùng nổ nhanh chóng về số lượng.

Các nghiên cứu về hiện tượng thủy triều đỏ cho thấy, thông thường các sinh vật biển chết khi xuất hiện thủy triều đỏ là do thiếu oxy. Trường hợp này là do vi tảo sinh sôi quá nhanh, vi khuẩn trên khối tảo làm cạn kiệt oxy trong nước biển.

Ngoài ra, trong số 300 loài trên thì có khoảng 80 loài có thể sản sinh ra độc tố, "đầu độc" sinh vật biển. Cụ thể, một số vi tảo được mệnh danh "tử thần" như Karenia brevis, Noctiluca scintillans, Alexandrium excavatum…

Các loại vi tảo này có thể tiết ra các chất độc thần kinh hoặc xâm nhập cơ thể sinh vật thông qua đường thức ăn gây ra cái chết hàng loạt.

Bên cạnh đó, để xách định việc thủy triều đỏ có phải là nguyên nhân chính dẫn đến việc sinh vật biển chết hàng loạt hay không thì cần phải phân tích, nhận diện loài tảo biển.

Việc phân tích này giúp xác định xem sinh vật biển chết do thiếu oxy hay bị nhiễm độc để có biện pháp khắc phục kịp thời.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.