Hàng hải

Thuyền viên được lợi gì khi bổ sung vào danh mục công việc nặng nhọc?

18/02/2021, 15:24

Nhiều đối tượng thuyền viên được bổ sung vào danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm bởi môi trường làm việc chịu tác động sóng, gió.

img

Sỹ quan thủy thủ, thuyền viên trên tàu vận tải, tàu chở xăng dầu trên biển là một trong những đối tượng được bổ sung vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm - Ảnh minh họa

Đại diện Cục Hàng hải VN cho biết, Thông tư số 11/2020 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới ban hành bổ sung nhiều đối tượng thuyền viên vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Theo đó, đối tượng thuyền viên được bổ sung tại thông tư mới bao gồm: Sỹ quan thủy thủ, thuyền viên trên tàu vận tải; Sỹ quan, thuyền viên tàu chở xăng, dầu trên biển; Thuỷ thủ, thuyền viên, thợ máy tàu lai dắt; Thuyền viên, kỹ thuật viên, thợ máy tàu vận tải thuỷ chở vật liệu nổ; Sỹ quan, thuyền viên, kỹ thuật viên, thợ máy các tàu công trình

Bên cạnh đó là sỹ quan, thuyền viên các tàu vận tải sông có công suất từ 90CV trở lên; Sỹ quan, thuyền viên sà lan, tàu chở xăng, dầu trên sông; Thuỷ thủ, thuyền viên, kỹ thuật viên thợ điện, thợ máy tàu công trình thuỷ lợi; Thuyền viên trên các tàu: đánh bắt hải sản ngoài khơi và ven biển, tàu kiểm ngư, tàu nghiên cứu nguồn lợi hải sản và tàu thu mua, vận tải thuỷ sản trên biển.

“Các đối tượng được đưa vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được hưởng một số quyền lợi như: ưu tiên về tuổi nghỉ hưu sớm; Được giảm học phí trong đào tạo,…”, đại diện Cục Hàng hải thông tin.

"Tại Điều 166 Bộ Luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 quy định rõ, người lao động làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao, hàng hải, hàng không được áp dụng một số chế độ phù hợp về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, hợp đồng lao động, tiền lương, tiền thưởng, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của Chính phủ.

Trên cơ sở đó, các cơ quan có thẩm quyền đang xây dựng nghị định về đặc thù cho ngành hàng hải, đảm bảo quyền lợi và thu hút được nguồn lao động chất lượng cao trong lĩnh vực hàng hải", đại diện Cục Hàng hải VN thông tin.

Được biết, thông tư 11/2020 sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2021.

Trước đó, Thông tư số 15/2016 chỉ đề cập đến các đối tượng thuyền viên làm việc trên các phương tiện: tàu tìm kiếm cứu nạn, trục vớt tài sản chìm đắm, cứu hộ; Tàu, ca nô công vụ của cảng vụ hàng hải; Tàu, ca nô phục vụ tiếp tế, kiểm tra hệ thống báo hiệu hàng hải đèn biển, luồng hàng hải; đưa đón hoa tiêu hàng hải.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.